1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Zelensky: Ukraine sẽ giành lại Crimea

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ giành lại Crimea, sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga năm 2014.

Tổng thống Zelensky: Ukraine sẽ giành lại Crimea - 1

Một vụ nổ kho đạn trên bán đảo Crimea hôm 9/8 (Ảnh: Reuters).

"Sự hiện diện của Nga ở Crimea đã biến khu vực này thành một trong những nơi nguy hiểm nhất ở châu Âu. Tôi tin rằng lá cờ Ukraine và cuộc sống tự do sẽ trở lại Crimea. Chúng tôi sẽ giải phóng tất cả các vùng đất của chúng tôi, tất cả người dân của chúng tôi", Tổng thống Zelensky nói trong bài phát biểu hôm 4/9.

Ông Zelensky cho biết lực lượng vũ trang, tình báo và đặc nhiệm Ukraine đang thực hiện các bước cần thiết để giành lại quyền kiểm soát Crimea.

"Mọi người có thể thấy đối phương đã bắt đầu rút khỏi Crimea. Đây là sự lựa chọn phù hợp cho họ. Chúng tôi sẽ trả lại tự do cho Crimea, cho tất cả người dân của chúng tôi ở Crimea, chúng tôi chắc chắn sẽ biến Crimea trở thành một trong những nơi tốt nhất, có cuộc sống thoải mái nhất ở châu Âu. Crimea xứng đáng với điều đó", ông Zelensky nói thêm.

Những diễn biến gần đây cho thấy "pháo đài an ninh" Crimea đang đối mặt với không ít thách thức. Loạt vụ nổ liên tiếp ở Crimea cùng với những tuyên bố của Ukraine về kế hoạch giành lại bán đảo làm dấy lên đồn đoán rằng Crimea có thể trở thành mặt trận khốc liệt tiếp theo giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Zelensky: Ukraine sẽ giành lại Crimea - 2

Vị trí bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine (Ảnh: Sky).

Crimea nằm trên một phần lục địa phía nam của Ukraine giữa Biển Đen và Biển Azov, ngăn cách với đất liền của Nga ở phía đồng bằng eo biển hẹp Kerch. Crimea có dân số khoảng 2 triệu người, là điểm du lịch nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển. Do ảnh hưởng từ lịch sử nên phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea là người Nga, sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính.

Đặc biệt, thành phố cảng Sevastopol thuộc Crimea là nơi đồn trú Hạm đội Biển Đen của Nga và được coi là một căn cứ quân sự giữ vai trò chiến lược quan trọng với Moscow. Bên cạnh vai trò giúp hải quân nước này đảm bảo tầm ảnh hưởng trong khu vực, Sevastopol cũng là cánh cửa duy nhất mở ra Địa Trung Hải cho các tàu chiến Nga. 

Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý. Ukraine và phương Tây đến nay vẫn coi cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp. Để phản đối việc sáp nhập Crimea, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga. Moscow được cho là đã trang bị cho Crimea hệ thống chống máy bay không người lái và đưa các tổ hợp S-400 Triumph và Pantsir-S trực chiến ở đây.

Năm 2018, Tổng thống Nga Putin đã khánh thành cây cầu dài 19km trị giá 4 tỷ USD nối Crimea với đất liền Nga. Trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, cầu Crimea đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Moscow lập tuyến tiếp tế hậu cần cho lực lượng đang kiểm soát ở miền Nam Ukraine. 

Tổng thống Ukraine mới đây tuyên bố, việc khôi phục hòa đàm với Nga chỉ có thể thực hiện nếu quân đội Nga rút khỏi "các vùng lãnh thổ chiếm đóng" của Ukraine. Ông cũng khẳng định, xung đột bắt đầu ở Crimea thì cũng sẽ kết thúc ở Crimea, ngầm ý rằng Kiev sẽ bằng mọi cách giành lại quyền kiểm soát bán đảo này từ Nga.

Trong khi đó, Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Theo Ukrinform
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine