1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Trump và Tướng lĩnh Lầu Năm Góc "ông chẳng bà chuộc"

(Dân trí) - Mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lầu Năm Góc đã căng thẳng suốt nhiều tháng qua, khi giới chức quân đội cấp cao được cho là không ủng hộ các quyết định bốc đồng, mâu thuẫn và rời rạc của ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Trump và Tướng lĩnh Lầu Năm Góc ông chẳng bà chuộc - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Hải quân vừa bị sa thải Richard Spencer (Ảnh: Getty)

Theo CNN, các căng thẳng đã gia tăng giữa các quan chức quân đội cấp cao nhất của Mỹ và Tổng thống Donald Trump xung quanh việc ông can thiệp vào 3 trường hợp quân nhân bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

Một quan chức Lầu Năm Góc đã thẳng thắn nói rằng “có vấn đề về đạo đức”, trong khi các quan chức quân đội cấp cao khác phàn nàn rằng họ lo ngại bởi hành động của Tổng thống.

Bất đồng tại Lầu Năm Góc đã gia tăng liên quan tới các quyết định mà giới chức quân đội cấp cao của Mỹ xem là bốc đồng, mâu thuẫn và rời rạc của ông Trump về một loạt các vấn đề, trong đó có việc bất ngờ rút quân khỏi Syria. Nhưng giờ đây, các lo ngại mới và nghiêm trọng tiếp tục nảy sinh, khi nhiều quan chức quân đội đương chức và sĩ quan nghỉ hưu nói không thể phớt lờ sự can thiệp của ông Trump đối với các trường hợp phạm tội ác chiến tranh.

Tổng thống Trump mới đây đã ân xá hai sĩ quan Lục quân bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, và khôi phục cấp bậc cho một đặc nhiệm SEAL sau khi người bị giáng cấp vì bị kết tội chụp hình với thi thể của một phiến quân IS.

Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer, người bị sa thải gần đây do các bất đồng với Nhà Trắng về việc khôi phục cấp bậc cho đặc nhiệm SEAL nói trên, đã viết trong một bài báo trên Washington Post rằng sự can thiệp của ông Trump là “gây sốc và chưa có tiền lệ… Đó cũng là một lời nhắc nhở rằng Tổng thống rất ít hiểu biết về những gì diễn ra trong quân đội, để chiến đấu vì đạo đức hoặc lãnh đạo dựa trên một loạt các quy định và thông lệ thống nhất”.

Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ quyết định ân xá cho 3 binh sĩ trong một cuộc vận động hôm 26/11, nói rằng sự phản đối mà ông gặp phải từ các quan chức Lầu Năm Góc cấp cao xuất phát từ “thế lực ngầm”. Trên thực tế, các quan chức quân đội cấp cao đã đồng loạt phản đối sự can thiệp của Tổng thống vì họ tin rằng điều đó làm tổn hại kỷ luật và trật tự quân đội.

Quân đội bị chính trị hóa

Những bình luận và sự can thiệp của ông Trump - cộng với sự hối thúc từ các nhà bình luận của kênh truyền hình Fox News - cho thấy một lo ngại khác trong các lãnh đạo quân đội rằng ông Trump tiếp tục bị kênh này gây ảnh hưởng theo cách khuyến khích ông chính trị hóa quân đội, vốn là một nhánh đứng ngoài các cuộc đấu đá chính trị.

Các lãnh đạo quân đội nói họ lo ngại về giọng điệu chia rẽ và sự chính trị hóa quân đội của ông Trump. Họ cũng lo ngại rằng phong cách lãnh đạo thất thường của ông - được thể hiện thông qua các thông điệp trên mạng xã hội Twitter - có thể làm tổn hại tới an ninh quốc gia bằng cách khiến việc hoạch định chính sách quân sự trở nên khó khăn.

Theo CNN, ít nhất 2 quan chức quân đội cấp cao đã miễn cưỡng xuất hiện cùng ông Trump trong các sự kiện những tháng gần đây, vì lo ngại rằng ông có thể đưa ra các bình luận chính trị nghiêng về đảng phái khi họ không có mặt.

Vài chỉ huy cấp cao đang cân nhắc viết một biên bản ghi nhớ gửi tới các binh sĩ nhắc nhở họ về trách nhiệm pháp lý và đạo đức trên chiến trường. Vấn đề nhạy cảm tới nỗi một số người nói rằng họ muốn sự phê chuẩn của quan chức Lầu Năm Góc cấp cao trước khi tiến hành vì lo ngại bản ghi nhớ có thể bị Tổng thống phản ứng.

Bình luận về việc Tổng thống Trump can thiệp nhằm phục chức cho Eddie Gallagher và ân xá cho 2 binh sĩ khác, Đại tá về hưu David Lapan, một cựu phát ngôn viên quân đội cấp cao, cho rằng sự can thiệp của ông Trump đã gây ra “sự lộn xộn, hỗn loạn và như thể thực sự không có trách nhiệm, rằng nếu mọi người vi phạm quy định và phạm các tội ác thì vẫn có đường thoát”.

Ông Lapan lo ngại rằng một số binh sĩ giờ đây có thể tin rằng “họ có thể thoát thân nếu họ có Tổng thống can thiệp”.

Quân đội bị chia rẽ

Một quan chức quân đội nói, đáng lo ngại là tình trạng quân đội bị chia rẽ. “Xảy ra 2 phe. Một nửa là những người người ủng hộ ông Trump vốn tin rằng Tổng thống đang hành động vì các binh sĩ”. Nhưng những người khác, mà nhiều trong đó là các quan chức cấp cao, tin rằng quân đội cần độc lập khỏi sự ảnh hưởng chính trị đảng phái và họ thấy Tổng thống không thủ điều đó.

Ông Spencer đã nói thẳng trong một cuộc phỏng vấn hôm 25/11 rằng Tổng thống đã không hiểu “định nghĩa đầy đủ của một lính chiến là gì”. Ông Spencer nói “lính chiến là một người sở hữu vũ khí và khi sở hữu vũ khí thì họ phải biết cách kiểm soát nó và kiểm soát chính mình”.

Hồi đầu tuần này, ông Trump cho biết ông đã suy nghĩ về việc sa thải Bộ trưởng Spencer trong một thời gian dài trước khi đưa ra quyết định hôm 24/11. “Điều đó không chỉ vừa mới xảy ra. Tôi phải bảo vệ các lính chiến của tôi”, ông nói.

Bình luận của ông Trump về ông Spencer và các “lính chiến của tôi” đã cho thấy sự bất đồng giữa Tổng thống và các chỉ huy quân đội về các hành động của các binh sĩ. Các quan chức quân đội đã chỉ ra rằng những lính chiến mà ông Trump nói đang bảo vệ lại bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh.

Ông Spencer đã hối thúc việc xem xét lại trường hợp của đặc nhiệm SEAL Eddie Gallagher để giữ vững trật tự, kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của quân đội. Nhưng ông Trump đã hành động đi ngược với lời khuyên của các chỉ huy cấp cao nhất trong Lầu Năm Góc, trước tiên là đảo ngược hình phạt của Gallagher và sau đó đảm bảo rằng anh này không bị mất quân hàm.

Các sĩ quan quân đội rất giận dữ sau khi ông Trump viết trên mạng xã hội ngày 12/10 rằng: “Chúng ta huấn luyện các binh sĩ trở thành các cỗ máy giết người, rồi lại truy tố họ khi họ hành động”.

Một sĩ quan trẻ đã đáp trả, nói rằng Tổng thống đã hiểu sai quân đội, văn hóa và các quy định đạo đức. “Đó không phải chúng ta”, sĩ quan này nói.

Các quan chức quân đội đã cố gắng điều chỉnh cách tiếp cận “quyết định trước, kiểm tra sau” kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, nhưng họ nói với CNN rằng họ ngày càng không thoải mái về hành động của ông do tiến trình điều tra luận tội và cuộc bầu cử tổng thống 2020 đang đến gần.

Họ đã bày tỏ sự phản đối về việc ông Trump chính trị hóa quân đội và tấn công các quan chức quân đội, trong đó có Trung tá Alexander Vindman, một quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia tham gia điều trần trước ủy ban điều tra luận tội của Hạ viện Mỹ. Sau khi ông Trump tấn công ông Vindman, quan chức này đã phải liên lạc với quân đội vì sự an toàn của gia đình ông.

Chiến dịch của ông Trump đã đánh dấu Ngày Cựu chiến binh bằng cách khuyến khích mọi người nói “Cảm ơn” tới những người từng phục vụ đất nước thông qua tài trợ cho các nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống. Lời kêu gọi này được cho là không phù hợp khi đưa quân đội vào chính trị.

Động thái trên của ông Trump đã khiến Tướng Joseph Dunford, ngay trước khi về hưu sau sự nghiệp 40 năm phục vụ, phải lên tiếng bảo vệ Vindman, người từng phục vụ dưới quyền ông.

“Ông ấy là một sĩ quan giỏi, trung thành, chuyên nghiệp, yêu nước. Ông ấy đã có đóng góp phi thường cho an ninh của đất nước cả trong thời hiến lẫn thời bình”, ông Dunford nói về Trung tá Vindman.

Sự chính trị hóa của ông Trump đối với Lầu Năm Góc khiến các quan chức quân đội, vốn duy trì lập trường phi đảng phái, đặc biệt lo ngại.

Clint Lorance, một trong 2 binh sĩ mà ông Trump can thiệp để ân xá vào đầu tháng 11 này, đã viết trên Twitter rằng anh sẵn sàng vận động tranh cử cho Tổng thống.

Chính sách của Mỹ gây khó cho đồng minh

Ngoài chính trị, các lãnh đạo quân đội cũng cho hay, kiểu đưa ra quyết định của ông Trump cũng khiến việc hoạch định chính sách quân sự của Mỹ trên thế giới gặp khó khăn.

Ông Trump đã liên tiếp tấn công các liên minh quân sự của Mỹ trên toàn cầu, xem nhẹ NATO tới nỗi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng nước Mỹ thời ông Trump đang “quay lưng về phía chúng tôi”.

Tại châu Á, các nhà phân tích cho hay ông Trump đang gây ảnh hưởng tới mối quan hệ lâu đời với Hàn Quốc và Nhật Bản khi bắt họ trả thêm 400% chi phí hiện diện quân sự vào năm tới.

Tại Syria, ông Trump đã làm Lầu Năm Góc bất ngờ khi thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử bằng việc rút quân. Động thái này đã làm tổn hại tới các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ khi trao các chiến thắng cho Nga và Iran. Ông Trump cũng bị chỉ trích trên toàn cầu vì từ bỏ các đồng minh người Kurd tại Syria từng sát cánh trong cuộc chiến chống phiến quân IS.

“Không có thời gian để lên kế hoạch phối hợp nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp này, dễ xảy ra khả năng có thiệt mạng về người không cần thiết và chiến dịch có thể thất bại”, Mark Hertling, một cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu, nhận định.

An Bình

Tổng hợp