1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Trump đặt nền tảng cho trật tự thế giới mới tại G20

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đã đặt nền tảng cho một trật tự thế giới mới với vai trò của Mỹ, Nga và Trung Quốc thông qua các hoạt động của ông chủ Nhà Trắng tại hội nghị G20.

Tổng thống Trump bắt tay ông Tập Cận Bình tại Nhật Bản
Tổng thống Trump đặt nền tảng cho trật tự thế giới mới tại G20 - 1

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị G20 ở Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần trước ở Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump đã cho thấy những toan tính chiến lược của ông khi nhiều lần tuyên bố rằng ông muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã có cuộc thảo luận thân mật về nhiều vấn đề với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/6. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng các quan chức Nga và Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn của họ về các vấn đề khu vực và toàn cầu, cũng như những cách thức để cải thiện và mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị song phương.

Ngày 29/6, Tổng thống Trump có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo ủng hộ chủ nghĩa đa phương và chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của G20. Ông Tập nhắc lại những lập luận này khi tuyên bố ông muốn hợp tác, thay vì “xung đột và đối đầu”.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết thúc bằng một động thái hòa giải. Hai bên nhất trí dừng áp thuế bổ sung lẫn nhau và tiếp tục nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị tạm dừng từ trước đó một tháng.

Hòa dịu với Nga - Trung 

Trong khi “bỏ ngoài tai” những lời phàn nàn của các công ty Mỹ về việc bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình lại yêu cầu chính quyền Mỹ đối xử công bằng với các doanh nghiệp Trung Quốc. Tổng thống Trump chấp thuận yêu cầu này bằng cách cho phép các công ty Mỹ bán công nghệ cho Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, trong những lĩnh vực không quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Đầu tiên và quan trọng nhất, động thái này báo hiệu sự khởi đầu cho nỗ lực tập trung vào chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump. Việc để xảy ra tình trạng đối đầu, hoặc tệ hơn nữa, với Nga và Trung Quốc sẽ là một kịch bản tồi tệ và có thể biến ông Trump trở thành tổng thống một nhiệm kỳ, ngay cả khi các đối thủ cạnh tranh bên đảng Dân chủ không mấy triển vọng.

Tổng thống Trump hiện tại có lẽ muốn đặt ưu tiên vào việc duy trì mối quan hệ hòa dịu với Nga và Trung Quốc, mặc dù hai nước này bị Washington coi là “đối thủ chiến lược”, sẵn sàng đe dọa trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.

Tổng thống Trump đặt nền tảng cho trật tự thế giới mới tại G20 - 2

Tổng thống Trump và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau tại hội nghị G20 ở Nhật Bản (Ảnh: AP)

Đây được xem là chiến thuật tranh cử khả thi của ông Trump. Tổng thống Mỹ nhận ra rằng, việc lựa chọn đối đầu với Nga và Trung Quốc là mối đe dọa sống còn với Washington, và phần còn lại của thế giới cũng không ủng hộ phương án đối đầu như vậy.

Do vậy, ông Trump tìm kiếm các giải pháp hòa bình và có thể đàm phán được với Nga tại Syria, Ukraine và Venezuela. Mỹ chìa “củ cà rốt” với Moscow bằng cách mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Mỹ muốn mở rộng hoạt động tại các vùng lãnh thổ rộng lớn của Nga, những khu vực đang “khao khát” được đầu tư. Phái đoàn doanh nghiệp Mỹ là một trong những phái đoàn đông nhất tham gia diễn đàn kinh tế gần đây tại St. Petersburg, Nga gần đây.

Iran cũng là một vấn đề mà Mỹ cần sự trợ giúp đắc lực từ phía Nga.

Lập trường của Nga trong vấn đề Iran ngược lại hoàn toàn với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Những nước này không chỉ công khai mâu thuẫn với Mỹ về Iran, mà còn phản đối các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran, thậm chí thiết lập một kênh thanh toán riêng để làm ăn với Iran và lách lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trung Quốc là một vấn đề hoàn toàn khác. Trong khi Nga có thể khiến Mỹ khó chịu trong một số vấn đề toàn cầu cũng như trong việc kiểm soát tâm lý đối đầu vốn tồn tại hàng trăm năm qua với châu Âu, Trung Quốc đã trở thành thách thức rõ ràng đối với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, gây tổn hại nghiêm trọng cho các liên minh châu Á và xuyên Đại Tây Dương ngày càng bất ổn của Washington.

Một số nhà quan sát cho rằng Tổng thống Trump đã nhân nhượng khi đồng ý đình chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là nhận định vội vàng.

Quyết định đình chiến thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Trump được đưa ra dựa trên tính toán về các vấn đề nội bộ. Ông Trump dường như đã giảm bớt sự can thiệp chính trị thiếu khôn ngoan dưới vỏ bọc là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã lãng phí một năm rưỡi và 1.000 tỷ USD do thâm hụt thương mại với Trung Quốc để theo đuổi các mục tiêu chính trị mà ông ấy biết là Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận.

Xâu chuỗi tất cả các động thái trên, Tổng thống Trump đã có thể bắt đầu một tiến trình thúc đẩy nền hòa bình thế giới. Mỹ, Nga và Trung Quốc từ nhiều năm qua đã nhận ra một kiến trúc an ninh ngầm, trong đó trật tự thế giới mới sẽ xoay quanh 3 nước với những lợi ích đan xen nhau và cùng tồn tại hòa bình.

Tổng thống Trump đã khởi động một tiến trình với Nga và Trung Quốc tại hội nghị G20, từ đó có thể mang lại hòa bình và thịnh vượng về kinh tế cho thế giới. Các động thái địa chính trị của ông Trump chủ yếu được thúc đẩy bởi chiến lược tái tranh cử, tuy nhiên chúng cũng dẫn đến tiềm năng to lớn trong việc tạo ra một trật tự thế giới mới dựa trên nền tảng của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Trump nâng ly cùng Tổng thống Putin

Thành Đạt

Theo CNBC