1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Putin lên tiếng về tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Nga "không kích động bất cứ điều gì" khi tổ chức tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tổng thống Putin lên tiếng về tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật - 1

Tên lửa Nga rời bệ phóng trong cuộc tập trận năm 2022 (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi không vi phạm điều gì về vấn đề này. Không có gì bất thường khi so sánh với NATO, nơi thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận như vậy", Tổng thống Putin nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko hôm 24/5.

"Về việc tuân thủ các quy định và nghĩa vụ của Nga trong lĩnh vực này, chúng tôi hoàn toàn tuân thủ mọi cam kết của mình trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân", ông Putin nói thêm.

Theo ông Putin, Nga "không kích động bất cứ điều gì" bằng các cuộc tập trận hạt nhân.

"Nhưng, như đã nói, mọi thứ phải được điều chỉnh. Trong lĩnh vực này không thể có chỗ cho những thất bại, sai lầm hoặc mâu thuẫn", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Ông Putin cho biết, việc tập hợp quân đội chung trong khu vực, cũng như khả năng và vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được triển khai ở Belarus không chỉ nhằm bảo vệ nước này.

"Mọi thứ đảm bảo bảo vệ an toàn biên giới phía tây của chúng tôi và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể", ông Putin nói.

Tổng thống Putin hôm 23/5 đã đến Belarus trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày để thảo luận về hàng loạt vấn đề, trong đó có cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật giữa 2 nước.

Hôm 21/5, quân đội Nga đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật tại Quân khu phía Nam, bao gồm bán đảo Crimea và 4 vùng sáp nhập từ Ukraine.

Moscow cho biết cuộc tập trận nhằm chứng tỏ khả năng ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, qua đó ngăn chặn phương Tây khiến cuộc xung đột ở Ukraine leo thang hơn nữa.

Cuộc tập trận bao gồm việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho quân đội từ các địa điểm cất giữ, trang bị tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân chiến thuật và triển khai bí mật các loại vũ khí đó.

Sau khi Nga công bố kế hoạch tập trận hạt nhân chiến thuật, Tổng thống Belarus Lukashenko ngay lập tức ra lệnh tập trận tương tự để thử nghiệm các hệ thống vũ khí có khả năng hạt nhân của Belarus, bao gồm cả bệ phóng tên lửa Iskander.

Tổng thống Lukashenko tháng trước cho biết, hàng chục vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được triển khai trên lãnh thổ Belarus theo thỏa thuận cuối năm ngoái giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nga và Belarus coi đây là một biện pháp để răn đe phương Tây.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế nhỏ hơn và sử dụng ở tầm gần, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở tầm xa. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Belarus - một đồng minh của Nga - có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Nga và Belarus nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại nước này, do vậy việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là cần thiết để răn đe. Mặt khác, chính quyền Tổng thống Lukashenko khẳng định sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo Tass