1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin bác tối hậu thư của Ukraine, nêu điều kiện đàm phán

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Moscow chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine, nhưng cần phải biết ai là người đáng tin.

Tổng thống Putin bác tối hậu thư của Ukraine, nêu điều kiện đàm phán - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).

Trao đổi với các phóng viên Nga trong chuyến công du tới Trung Quốc hôm nay 17/5, Tổng thống Putin nhắc lại lập trường của Nga rằng, hội nghị hòa bình về Ukraine sắp tới chỉ là một chiêu trò của Kiev và phương Tây.

"Họ muốn tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt, thuyết phục mọi người rằng đề xuất tốt nhất là các điều khoản của phía Ukraine, sau đó gửi cho chúng tôi dưới dạng tối hậu thư. Đó có phải là cách người ta đàm phán nghiêm túc không? Chắc chắn không", ông Putin nói.

Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ thông báo, hội nghị hòa bình cho Ukraine sẽ diễn ra trong hai ngày 15/6 và 16/6 tại khu nghỉ dưỡng Bürgenstock ở bang Nidwalden. Thụy Sĩ đã gửi lời mời tham dự tới hơn 100 nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc. 

Hội nghị nhằm tạo ra khuôn khổ thuận lợi cho một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Ukraine, cũng như một lộ trình cụ thể cho sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình. Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tiết lộ, hội nghị được tổ chức theo đề nghị của Tổng thống Ukraine và dựa trên "công thức hòa bình" 10 điểm mà nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra.

Tổng thống Putin nhắc lại rằng Nga "chưa bao giờ từ chối đàm phán" với Ukraine. Thay vào đó, chính các chính trị gia Ukraine đã "rút khỏi quá trình đàm phán" ngay khi quân đội Nga rút khỏi Kiev.

"Chúng tôi từng bị lừa dối một lần nữa. Bây giờ chúng tôi phải hiểu chúng tôi nên hợp tác với ai và như thế nào. Chúng tôi có thể tin tưởng ai và ở mức độ nào. Tất nhiên, chúng tôi đang phân tích mọi thứ diễn ra trên lộ trình này", ông Putin nói thêm.

Tổng thống Putin cho biết khi quân đội Nga đến gần Kiev, các đối tác phương Tây nhất quyết đòi Nga phải rút lui.

 "Không thể ký văn bản nào nếu phía đối diện chĩa súng vào thái dương của bạn", ông Putin nhắc lại lập trường của phương Tây.

"Ngày hôm sau, họ ném các thỏa thuận của chúng tôi vào thùng rác và nói: "Bây giờ chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng". Và phương Tây đã đưa ra quan điểm mà cả thế giới đều biết: Nga sẽ bị đánh bại trên chiến trường, phải chịu một thất bại chiến lược. Chúng tôi không phải là những người hành xử theo cách này", ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thống Putin nói rằng ông ủng hộ cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trung Quốc từ lâu khẳng định quan điểm trung lập trong vấn đề xung đột Nga - Ukraine. Bắc Kinh kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh cũng cáo buộc việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga là nguyên nhân khiến dẫn đến xung đột Moscow - Kiev.

Đầu năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một bản đề nghị gồm 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Đề nghị này bao gồm hàng loạt giải pháp từ ngừng bắn, hòa đàm đến từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, lệnh trừng phạt, đảm bảo chuỗi cung toàn cầu.

Trong khi Nga ủng hộ kế hoạch này, Ukraine và phương Tây cho rằng đề xuất của Bắc Kinh có lợi hơn cho Nga.

Ukraine tuyên bố tiếp tục coi công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra là nền tảng cho mọi cuộc hòa đàm, trong đó có việc Nga phải rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường thiệt hại. Moscow coi những yêu cầu này là "không thực tế".

Về phần mình, giới chức Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk và bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. 

Theo Tass