1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Nga cảnh báo các “hàng xóm” trước tham vọng NATO

(Dân trí) - Tân Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua tuyên bố Kremlin sẽ không thay đổi lập trường phản đối mở rộng NATO, đồng thời cảnh báo 12 quốc gia thuộc Liên Xô cũ về những hậu quả nghiêm trọng nếu gia nhập liên minh này.

Tuyên bố trên được đưa ra khi ông Medvedev có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên bang Xô viết cũ tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tổ chức tại thành phố St. Petersburg của Nga hôm 6/6.

 

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili tại Cung điện Constantine gần St Petersburg, ông Medvedev cho rằng việc Tbilisi gia nhập liên minh quân sự NATO có thể dẫn đến đổ máu tại các khu vực ly khai của Gruzia.

 

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Nga muốn các cuộc xung đột về 2 khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia phải được giải quyết.

 

“Chúng tôi đã nói rõ rằng sẽ không thể đạt được điều này nếu Gruzia vào NATO vì nó có thể dẫn tới một cuộc đối đối đầu mới trong khu vực”.

 

Ông Lavrov nhấn mạnh: “Nếu họ nghĩ tư cách thành viên NATO là một công cụ để giải quyết các xung đột tại Abkhazia và Nam Ossetia thì điều đó chỉ là ảo tưởng. Chúng ta sẽ chỉ thấy một cuộc đổ máu khác”.

 

Trước đó, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko, nhà lãnh đạo Nga cũng đã cảnh báo rằng Kiev sẽ vi phạm hiệp ước hữu nghị giữa 2 nước nếu nước này gia nhập NATO.

 

“Hiệp ước giữa Nga và Ukraine bao gồm điều khoản qui định 2 bên không làm gì để gây ra những mối đe doạ hay nguy cơ về an ninh cho phía bên kia. Chúng tôi tin rằng việc mở rộng NATO, trong đó có Ukranie, sẽ gây nguy hiểm cho an ninh Nga”.

 

Giới phân tích dự đoán, nếu Nga rút khỏi hiệp ước này thì điều đó sẽ mở đường cho việc Matxcơva có thể thách thức chủ quyền của Kiev đối với bán đảo Crimea, một vùng đất mà về phương diện lịch sử Nga vẫn coi là của mình và là nơi Nga đặt Hạm đội Biển Đen.

 

Hiện nay, bán đảo Crimea là khu vực tự trị thuộc Ukraine và phần lớn người dân ở đây nói tiếng Nga. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, bán đảo Crimea thuộc chủ quyền Ukraine. Năm 1994, người dân Crime tổ chức trưng cầu dân ý đòi quyền tự trị biên giới và lập quan hệ thân thiết với Nga.

 

Matxcơva cho rằng việc đưa Kiev và Tbilisi vào NATO sẽ đe doạ tới an ninh Nga vì liên minh này có thể sử dụng các thành viên mới để đưa quân và vũ khí tới sát biên giới phía tây nam của Nga.

VTH

Theo BBC, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm