Tổng thống Bush hoãn công bố chiến lược mới tại Iraq
(Dân trí) - Với lý do "cần thêm thời gian để tham khảo thêm ý kiến nhằm tìm con đường tiến lên mới cho vấn đề Iraq", ngày 12/12, Nhà Trắng loan báo Tổng thống George W. Bush sẽ hoãn công bố chiến lược mới tại Iraq cho tới đầu tháng 1/2007, thay vì trước ngày nghỉ lễ Giáng sinh như dự định trước đây.
Thông báo này được đưa ra ngay sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Bush và Phó Tổng thống Iraq Tariq al-Hashemi. Đây là nhà lãnh đạo cao cấp thứ hai của Iraq mà ông Bush tiếp xúc trong hai tuần qua kể từ khi nhóm nghiên cứu lưỡng đảng ISG đệ trình báo cáo và các kiến nghị về Iraq.
Đồng thời với việc Tổng thống Bush gặp Phó Tổng thống Iraq, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cũng có cuộc gặp với Ngoại trưởng Australia Alexander Downer bàn về vấn đề này.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với ông Hashemi, một nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Sunni, Tổng thống Bush cho biết mục tiêu trong điều chỉnh chính sách mới của Mỹ là "giúp chính phủ Iraq đối phó với các phần tử cực đoan và những kẻ giết người và hỗ trợ cho đa số người dân Iraq ôn hòa và mong muốn hòa bình".
Ông Hashemi cho biết mục đích chuyến thăm Mỹ và cuộc gặp với Bush là để nói với các lãnh đạo Mỹ về tâm trạng "thất vọng" của ông. Ông Hashemi cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki không làm hết trách nhiệm trong việc xử lý các vụ tấn công bạo lực.
Trước cuộc gặp với ông Hashemi, ông Bush cũng đã có cuộc trao đối qua cầu truyền hình với các tư lệnh Mỹ tại chiến trường Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng sắp nghỉ hưu Donald Rumsfeld, tân Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Tướng Peter Pace, và Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Trung Đông Tướng John Abizaid, và có sự tham gia của Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Iraq Tướng George Casey.
Về lý do hoãn công bố chính sách mới đối với cuộc chiến Iraq, phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Australia, Ngoại trưởng Rice cho biết thêm có một số lý do phải hoãn việc công bố chiến lược mới của Mỹ trong vấn đề Iraq, trong đó có nguyện vọng muốn có thêm thời gian để tân Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Giám đốc CIA, ông Robert Gates nhậm chức ngày 18/12, ổn định công việc và tham gia vào việc hoạnh định chính sách mới.
Bà Rice nói: "Mục tiêu và thực ra cũng là trách nhiệm của tổng thống là đưa ra chính xác những gì mà ông sẽ làm. Tổng thống muốn trình bày với công chúng Mỹ về một con đường tiến lên mới. Sẽ chỉ có ý nghĩa nếu Tổng thống có đủ thời gian cần thiết để suy xét và đặt lòng tin vào tiến trình mà ông sẽ đưa ra trước công chúng Mỹ".
Về phần mình, Ngoại trưởng Australia nói: "Chúng tôi cho rằng nếu Mỹ rút quân quá vội vã và không thích hợp, thì hậu quả không chỉ là một thảm họa đối với người dân Iraq mà cả các nước láng giềng của Iraq cũng bị lôi cuốn vào cuộc xung đột này". Bà Rice cho biết thêm Tổng thống Bush muốn tham khảo thêm ý kiến của các quan chức chính quyền, các chỉ huy quân đội Mỹ tại Iraq, đồng thời cũng muốn nghiên cứu kỹ hơn bản báo cáo của ISG.
Người phát ngôn Nhà Trắng Tony Snow cũng cho biết Tổng thống Bush nói rằng cần phải chờ thêm một thời gian ngắn nữa. Ông Snow giải thích việc cần thêm thời gian không có nghĩa sẽ có một sự thay đổi lớn mà là để nắm rõ hơn định hướng chung.
Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận do tờ USA Today và Viện dự báo chiến lược Gallup tiến hành, công bố ngày 12/12, cho thấy trong lúc Tổng thống Mỹ George W. Bush đang cân nhắc các lựa chọn nhằm thay đổi chiến lược tại Iraq thì ngày càng có nhiều người Mỹ cảm thấy bi quan về cuộc chiến này và hầu hết đều ủng hộ việc nhanh chóng rút quân Mỹ khỏi Iraq.
Báo trên cho biết 55% số người được hỏi muốn rút hầu hết quân Mỹ khỏi Iraq trong vòng một năm, nhưng chỉ có 18% cho rằng điều này có thể diễn ra.
Cuộc thăm dò, được tiến hành sau khi Nhóm nghiên cứu về Iraq đưa ra 79 khuyến nghị về thay đổi chiến lược tại Iraq, đã hỏi ý kiến hơn 1.000 người trưởng thành cho thấy 3/4 số người được hỏi ủng hộ ba khuyến nghị lớn do nhóm nghiên cứu trên đưa ra, đó là đàm phán trực tiếp với Iran và Xyri, rút hầu hết lính chiến đấu Mỹ khỏi Iraq vào tháng 3/2008 và có một nỗ lực mới nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel.
Theo báo trên, số người nói cuộc chiến tại Iraq không thắng lợi như mong muốn lên đến mức kỷ lục 62% trong khi số người cho rằng Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến này giảm xuống mức thấp chưa từng có ở mức 16%.
Trước đó, cuộc thăm dò của CBS News ngày 11/12 cho thấy người dân Mỹ chưa bao giờ bi quan về cuộc chiến tranh ở Iraq như hiện nay và họ cho rằng cần phải thay đổi chiến lược sau gần bốn năm Mỹ xâm lược Iraq.
Kết quả thăm dò cho thấy 52% số người được hỏi ý kiến nói tình hình ở Iraq ngày càng tồi tệ trong khi chỉ có 8% nói tình hình đang tốt hơn và chỉ có 15% cho rằng Mỹ sẽ chiến thắng. Đây cũng là lần đầu tiên đa số người Mỹ nói cuộc chiến tranh này đã thất bại, trong khi 60% số người được hỏi ý kiến nói Iraq sẽ không bao giờ trở thành một nền dân chủ ổn định và 85% cho rằng cuộc xung đột ở đó là một "cuộc nội chiến".
Theo cuộc thăm dò của CBS News, 57% số người được hỏi nói Tổng thống Bush nên thay đổi hoàn toàn chiến lược, nhưng 57% không tin ông giải quyết ổn thỏa cuộc chiến tranh này. Trong khi đó, 53% những người được hỏi ý kiến cho rằng Quốc hội khóa tới do đảng Dân chủ điều hành sẽ tìm cách thoát khỏi cuộc chiến Iraq.
Trong lúc đó, tình hình bạo lực vẫn tiếp tục trở nên trầm trọng tại Iraq. Ngày 12/12, đã xảy ra hai vụ đánh bom xe liều chết làm 70 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương tại quảng trường Tayaran ở Baghda. Quảng trường trên nằm gần trụ sở một số bộ của chính phủ và một cây cầu bắc qua sông Tigris đến vùng Xanh, nơi đặt trụ sở Quốc hội Iraq và các sứ quán của Anh và Mỹ. Ngày 13/12, một xe ô tô có gài bom đã phát nổ tại khu chợ đông đúc, gần một đền thờ Hồi giáo thuộc khu vực có đa số tín đồ dòng Shiite sinh sống tại khu vực Kamaliyah ở rìa phía Đông thủ đô Baghda, làm 10 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương.
Theo Tướng Peter Chiarelli, chỉ huy tác chiến và chỉ huy cao cấp thứ 2 của Quân đội Mỹ tại Iraq, việc chỉ sử dụng sức mạnh quân sự tại Iraq sẽ không thể chấm dứt bạo lực tại nước này.
Tướng Chiarelli, người chuẩn bị kết thúc đợt công tác thứ hai kéo dài một năm tại Iraq với cương vị đứng đầu các lực lượng đa phương do Mỹ cầm đầu tại nước này, đã đưa ra những nhận xét trên trước khi cùng các tướng lĩnh Mỹ tại Baghda tham gia cuộc đàm thoại qua cầu truyền hình với Tổng thống George W. Bush để xem xét những thay đổi về chính sách
Theo Tướng Chiarelli, quân đội Iraq được Mỹ huấn luyện đã dần dần hoạt động tốt hơn, nhưng cảnh sát nước này vẫn gặp trở ngại do sự thâm nhập của dân quân thuộc nhiều sắc tộc khác nhau. Ông cho rằng những thất bại trong công cuộc tái thiết Iraq và việc không cải thiện kinh tế của nước này đã làm bùng lên tình trạng bạo động. Ông còn nói lính Mỹ được huấn luyện để chiến đấu, nhưng khó khăn tại Iraq là các lực lượng Mỹ đang phải đối mặt với một những kẻ địch "không mặc quân phục".
Tướng Chiarelli tỏ ra thất vọng trước nhận thức sai lầm rằng các lực lượng Mỹ đang chiến đấu trong một cuộc chiến tranh thông thường tại Iraq và chỉ cần sử dụng sức mạnh quân sự là có thể giành chiến thắng. Ông nhấn mạnh: "Tôi đã dành nửa đời binh nghiệp để vạch kế hoạch cho cuộc chiến này. Nhưng cuộc chiến này không giống cuộc chiến Việt Nam. Nó là một cuộc chiến tranh khác biệt."
Phát biểu với các phóng viên tại Baghda, Tướng Chiarelli nói: "Xem ra, chúng ta chỉ hoàn toàn tập trung vào khía cạnh quân sự ở nước này ".
Tướng Chiarelli cho rằng cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy do người Sunni cầm đầu và các nỗ lực giải tán các lực lượng dân quân Shiite tại Iraq sẽ có cơ may giành chiến thắng, nếu việc sử dụng vũ lực gắn liền với việc đẩy mạnh các hoạt động kinh tế.
Ông nói: "Chúng ta không nhất thiết phải cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Iraq xuống mức 4% như ở Mỹ hiện nay. Chúng ta không nhất thiết phải cung cấp điện 24/24 giờ trong ngày tại Baghda. Nhưng nếu chúng ta có thể nâng thời gian cung cấp điện tại Baghda lên 12 giờ mỗi ngày, thì điều này sẽ rất có ý nghĩa".
Theo Báo cáo của Nhóm nghiên cứu Iraq (ISG) và nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ thất nghiệp tại Iraq đã lên tới mức khoảng từ 20% đến 60%, lạm phát hơn 50% và hơn 1,5 triệu người Iraq - hầu hết là các nhà khoa học - đã chạy ra nước ngoài.
A.K
Tổng hợp từ Reuters, AP,AFP