1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tổng thống Biden chỉ trích lãnh đạo Trung Quốc, Nga vì không dự COP26

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích Trung Quốc và Nga khi lãnh đạo hai nước này không xuất hiện tại hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP26.

Tổng thống Biden chỉ trích lãnh đạo Trung Quốc, Nga vì không dự COP26 - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Anh ngày 2/11 (Ảnh: Reuters).

"Tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn liên quan đến việc Trung Quốc không xuất hiện (tại COP 26)", Tổng thống Joe Biden nói ở Glasgow, Anh hôm 2/11 sau nhiều ngày họp với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP26.

"Thực tế là Trung Quốc đang cố gắng khẳng định vai trò mới trên thế giới với tư cách lãnh đạo toàn cầu, nhưng lại không xuất hiện", ông Biden nói thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo không rời Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn tại hội nghị COP26 hôm 1/11, thay vì tham dự trực tiếp hoặc phát biểu qua video. Trung Quốc cũng là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới.

Tuyên bố bằng văn bản của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thế giới tăng tốc hành động vì khí hậu toàn cầu, nhưng chính phủ của ông không đưa ra các biện pháp hoặc cam kết cụ thể mới.

"Điều quan trọng nhất thu hút sự quan tâm của thế giới là khí hậu. Đó là một vấn đề lớn và họ đã bỏ qua. Tại sao họ có thể hành động như vậy rồi tuyên bố rằng họ có khả năng lãnh đạo?", ông Biden nói.

Tổng thống Biden thậm chí phát biểu gay gắt hơn về Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga là nước phát thải carbon lớn thứ 4 thế giới.

"Ông ấy đang đối mặt vấn đề khí hậu nghiêm trọng, nhưng lại im lặng, không nói sẵn sàng làm điều gì", ông Biden đề cập đến nhà lãnh đạo Nga.

Nước Mỹ trở lại

Trong khi phản đối việc nhà lãnh đạo Trung Quốc không tham gia COP26, ông Biden nhấn mạnh sự xuất hiện của Mỹ tại hội nghị lần này.

Mỹ tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2017, vài tháng sau khi nhậm chức, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định "vì gánh nặng kinh tế không công bằng".

Ông Trump cho rằng, Hiệp định Paris gây bất lợi cho người Mỹ và "giết chết nền kinh tế Mỹ". Nhưng chỉ vài giờ sau khi nhậm chức hồi đầu năm nay, ông Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định. 

"Bằng việc xuất hiện (tại COP26), chúng tôi đã có tác động sâu sắc đến cách các nước trên thế giới nhìn vào Mỹ và vai trò lãnh đạo của Mỹ", Tổng thống Biden nói thêm.

Trong khi đó, ông Boris Johnson, thủ tướng Anh và là người chủ trì COP26, đã đưa ra một cách giải thích khác, cho rằng sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình không có nghĩa là Bắc Kinh "không tham gia" hội nghị, đồng thời cho biết Trung Quốc đã cử phái đoàn "cấp cao" đến dự hội nghị.

Trưởng đoàn đàm phán khí hậu Xie Zhenhua, một thành viên của phái đoàn Trung Quốc, ngày 2/11 đã bày tỏ sự lạc quan rằng, các quốc gia sẽ có thể đạt được một thỏa thuận ở Glasgow, bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung.

Đặc phái viên Xie Zhenhua cho biết sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến Thỏa thuận Paris, và giờ là lúc để hai nước "làm việc chăm chỉ hơn và bắt kịp" sau những năm "lãng phí" của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Bình luận của Xie được đưa ra bất chấp những cảnh báo của các quan chức chính phủ Trung Quốc rằng, Washington không nên mong đợi sự hợp tác của Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu trong khi quan hệ song phương vẫn căng thẳng trong các lĩnh vực khác.

Mặc dù yêu cầu Trung Quốc thực hiện các cam kết về khí hậu, Tổng thống Biden hôm 2/11 nhắc lại rằng chính quyền của ông không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh, mà chỉ muốn đảm bảo rằng Trung Quốc "tuân thủ luật chơi". Ông Biden cho biết Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng cũng hy vọng hợp tác với nước này về "an ninh mạng và một loạt các vấn đề khác".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm