1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tokyo, Bắc Kinh và cuộc tranh giành Myanmar

Không “nói thánh nói tướng” nhưng Nhật có những bước đi chắc nịch trong chính sách “tái cân bằng” của họ. Myanmar là trường hợp rõ nhất cho thấy Tokyo thành công như thế nào trong cuộc giằng co giành ảnh hưởng với Bắc Kinh.

Từ Tokyo đến Thilawa
 
Thượng tuần tháng 11/2014, Global Post (4/11/2014) cho biết, Bộ Tài chính Nhật đã nhận đơn hàng từ Ngân hàng Trung ương Myanmar về việc sản xuất đồng xu bạc nhằm kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao hai nước (Myanmar là nước thứ bảy mà Nhật nhận sản xuất tiền xu kể từ Thế chiến thứ II).
 
Quan hệ Nhật - Myanmar đang tiến với tốc độ kinh ngạc, một cách khả quan. Nhật, dù chưa thể thay thế Trung Quốc tại Myanmar, đang thành công trong việc kéo Myanmar vào sân bay kinh tế của họ mà phần khai thông đường băng lại có phần thuộc về Mỹ. Một trong những dự án trọng điểm của Nhật tại Myanmar là xây đặc khu kinh tế Thilawa cách cố đô Yangon gần 26km, với 49% nguồn vốn từ Chính phủ Tokyo và các công ty Nhật (Chính phủ Myanmar và công ty nội địa chiếm 51% còn lại), theo Christian Science Monitor 11/11/2014.

Thủ tướng Shinzo Abe đã đến đặc khu kinh tế tương lai Thilawa

Thủ tướng Shinzo Abe đã đến đặc khu kinh tế tương lai Thilawa

Người Nhật có mặt trong nhiều dự án, từ nhà máy điện 50MW đến các công trình cầu đường. Năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết khoản viện trợ hơn 600 triệu USD. Tháng 9/2014, Chính phủ Myanmar trao 3 trong 9 giấy phép đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng cho Nhật (Sumitomo Mitsui Financial Group, Mitsubishi UFJ Financial Group và Mizuho Financial Group). Tháng 10/2012, sau 12 năm gián đoạn, Hãng Hàng không All Nippon Airways bắt đầu mở lại đường bay trực tiếp đến Myanmar.

Không đầy 1 năm sau khi Tổng thống Thein Sein “chơi sốc” Bắc Kinh khi tuyên bố hoãn công trình xây đập Myitsone 3,6 tỉ USD mà công ty Trung Quốc nhận thầu, tháng 10/2012, Thein Sein đã tiếp chính trị gia Nhật Hideo Watanabe và đề nghị Nhật giúp xây một đặc khu kinh tế rộng 2.400ha tại Thilawa (Reuters 2/10/2012). Một phần trong “gói” Thilawa là việc xóa nợ cùng các cam kết viện trợ lên đến gần 5 tỉ USD, lớn hơn nhiều so với khoản cam kết viện trợ 76 triệu USD của Mỹ trong năm 2011 và 2012; và so với gói viện trợ 200 triệu USD trong 2 năm của EU.

Một trong những yếu tố giúp Tokyo thành công trong việc nhanh chóng đổ bộ vào Myanmar là sự vận động của chính khách cựu trào Hideo Watanabe. Ngồi ghế Bộ trưởng Bưu điện - Viễn thông Nhật vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Watanabe từng tiếp đoàn khách gồm các tướng Myanmar tại Tokyo năm 1987. Vai trò Watanabe tiếp tục được duy trì, một cách bán chính thức, thậm chí vào 2 năm sau, khi Chính phủ Myanmar đàn áp sinh viên và quản thúc bà Aung San Suu Kyi. Năm 1996, Watanabe gặp Thein Sein khi đến Myanmar mang theo kiện hàng y tế. Lần đó, 2 người còn cùng chơi golf. Ngày 21/10/2012, khi Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba tổ chức tiệc chiêu đãi ngoại trưởng Myanmar tại Tokyo (buổi gặp của giới ngoại giao hai nước lần đầu tiên trong 16 năm), thì tại thủ đô Myanmar, Watanabe đã cùng Tổng thống Thein Sein ngồi trước một tấm bản đồ. “Ngài Watanabe, tôi có cái này cho ông” - Thein Sein nói, sau khi yêu cầu thư ký riêng ra khỏi phòng (theo lời thuật Watanabe). “Cái này” chính là dự án Thilawa.

Bắc Kinh không dễ bỏ cuộc

Theo Tân Hoa Xã (13/11/2014), trong một bài viết chắc chắn nhằm làm nổi bật chuyến đi của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Naypyidaw dự Hội nghị ASEAN 2014 (có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe), mậu dịch song phương Myanmar - Trung Quốc đạt 10,15 tỉ USD năm 2013, tăng 10 lần trong một thập niên qua. Trung Quốc vẫn là đối tác mậu dịch lớn nhất của Myanmar, là thị trường xuất khẩu thứ hai và thị trường nhập khẩu hàng đầu. Myanmar là quốc gia nằm trong chuỗi kết nối khu vực trong khái niệm “Một vành đai và một con đường” mà Tập Cận Bình đang cổ súy (tức “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa hàng hải”).

Tuy nhiên, Trung Quốc thật ra không thể không thừa nhận thực tế rằng họ đang tuột tay khỏi Myanmar. Không chỉ về chính trị. Một không khí thù ghét Trung Quốc của người dân Myanmar đang trở nên phổ biến. Sự tàn phá môi trường và cả di tích văn hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc đã khiến dân chúng Myanmar bất mãn và giận dữ. Mỏ đồng Letpadaung đã trở thành điểm nóng thời sự bởi các cuộc va chạm giữa giới chủ Trung Quốc và dân địa phương suốt 2 năm nay. Để giành lại Myanmar, Bắc Kinh đang sử dụng thủ đoạn can thiệp nội bộ.

Bà Suu Kyi đưa các viên chức Trung Quốc tham quan mỏ đồng Letpadaung (14/5/2013)

Bà Suu Kyi đưa các viên chức Trung Quốc tham quan mỏ đồng Letpadaung (14/5/2013)

Thứ nhất là vấn đề các sắc tộc thiểu số Wa và Kachin tại phía bắc vốn từ lâu đòi tự trị kể từ khi Myanmar giành độc lập năm 1948. Trong nhiều năm, Trung Quốc quan hệ gần gũi với Wa - Kachin và tiếng nói Bắc Kinh có trọng lượng nhất định với họ. Naypyidaw đã đạt được thỏa thuận hòa bình với Wa vào tháng 9/2011 nhưng mâu thuẫn với Kachin vẫn chưa được giải quyết (Foreign Policy 15/1/2013). Vấn đề sắc tộc tại Myanmar là một lá bài nguy hiểm, nếu nó được Trung Quốc dùng. Bằng ảnh hưởng mình, họ có thể giúp Naypyidaw đàm phán hòa bình với Kachin và do đó lại gây ảnh hưởng lên Chính phủ Myanmar đối với các hồ sơ khác, đặc biệt việc cho phép mở cửa để Trung Quốc nhảy vào khai thác khoáng sản.

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây tập trung nhiều vào Chính phủ trung ương Naypyidaw hơn là các nhóm sắc tộc, khiến Kachin và Wa nay chỉ còn dựa lưng vào Trung Quốc (vài năm gần đây, Kachin từng phái đại diện sang Mỹ cầu viện nhưng Washington không quan tâm). Tuy nhiên, có một yếu tố chính trị quan trọng nếu Trung Quốc dính sâu vào Wa - Kachin: các nhóm này chống Naypyidaw để đòi tự trị; do đó nếu giúp họ, Bắc Kinh lại gây khó cho chính mình với hồ sơ tự trị Tây Tạng của người Duy Ngô Nhĩ!

Mũi dùi thứ hai mà Bắc Kinh xoáy vào nội bộ Myanmar là tìm kiếm hậu thuẫn từ các nhóm chính trị Myanmar. Có bốn nhóm chính hiện nay: Chính phủ của Tổng thống Thein Sein; đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển (USDP) của Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann (kiêm chủ tịch đảng USDP); phe nhà binh với người đứng đầu là tướng Min Aung Hlaing; và cuối cùng là đảng Liên minh quốc gia dân chủ (NLD) của Aung San Suu Kyi. Nếu đã xem Thein Sein là người “không xài được”, liệu Bắc Kinh có thể sẽ dồn tập trung vào “cửa” Shwe Mann, người có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015? Trong thực tế, khá bất ngờ, Trung Quốc dường như đang đặt cược vào Suu Kyi, bởi thái độ thân Trung Quốc của bà.

Ngày 8/8/2013, 12 thành viên đảng NLD của Suu Kyi đã đến Trung Quốc trong 10 ngày. Tháng 2/2014, một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc cũng đã đến trụ sở LND tại Yangon, trở thành viên chức Trung Quốc cấp cao nhất gặp các viên chức đảng đối lập Myanmar trong hơn hai thập niên. Thành lập năm 1988, NLD hiện là đảng đối lập đông nhất và mạnh nhất Myanmar, với 1,3 triệu thành viên. Tháng 4/2012, NLD đã giành chiến thắng lịch sử khi chiếm đa số ghế Quốc hội; và tháng 5 cùng năm, Chủ tịch đảng Suu Kyi, cùng 33 thành viên NLD trở thành dân biểu.

Cho đến nay, Trung Quốc chỉ mới tiếp Suu Kyi ở cấp đại sứ nhưng lịch sử có thể bắt đầu lật trang khi Suu Kyi (dự kiến) đến Bắc Kinh vào tháng 12/2014, như tuyên bố của một thành viên NLD vào ngày 3/11/2014. Cần nhấn mạnh, trong số chính trị gia Myanmar hiếm hoi lên án dân địa phương gây rối tại khu vực mỏ đồng Letpadaung, có bà Suu Kyi! Trong cái thế khá bế tắc hiện nay, việc “vồ” lấy bà Suu Kyi, người được biết đến như một biểu tượng dân chủ Myanmar, Bắc Kinh được nhiều hơn mất. “Mèo trắng hay mèo đen gì cũng được, miễn bắt được chuột”. Dân chủ hay gì cũng được, miễn theo Trung Quốc!

Với Trung Quốc, thật khó có thể chịu được việc mất Myanmar, nơi có biên giới tiếp giáp họ dài đến 2.000km. Là nước lớn thứ hai Đông Nam Á với 1/3 (trong tổng chu vi 1.930km) hình thành nên một bờ biển liên tục chạy dọc vịnh Bengal và biển Andaman, Myanmar đóng vai trò như một ngã tư chiến lược, về biển lẫn đất liền, tạo thành một điểm kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nắm được Myanmar là nắm được một ưu thế địa chính trị quan trọng. Suốt thập niên 60 rồi 70, Trung Quốc luôn phủ bóng lên lịch sử Myanmar. Đầu năm 1991, Trung Quốc thậm chí đưa cố vấn quân sự sang nước này. Myanmar còn đóng vai trò như một lối ra cho con đường mậu dịch đối với các tỉnh Nam Trung Quốc (Vân Nam, Tứ Xuyên) vốn bị “khóa” cô lập trong đất liền bởi yếu tố địa lý. Myanmar còn là một phần của “chính sách hai đại dương” mà giới chính trị học thuật Trung Quốc cổ súy (làm chủ cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương).

Do đó, muốn hất Trung Quốc khỏi Myanmar thật ra không dễ. Trước mắt, Nhật và các nước phương Tây đang có một lợi điểm: người dân Myanmar ủng hộ họ và một nền kinh tế què quặt đang cần họ. Mà kinh tế thì ảnh hưởng chính trị. Bất kỳ đảng đối lập Myanmar nào, muốn tồn tại và thật sự làm việc vì sự tín nhiệm lá phiếu cử tri, cũng phải xét đến yếu tố ích nước lợi nhà.

Theo M.Kim
PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm