1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Tôi có một giấc mơ' - bài diễn văn kinh điển góp phần thay đổi nước Mỹ

Thanh Thành

(Dân trí) - Bài phát biểu vào ngày 28/8/1963 của Martin Luther King Jr cho đến nay vẫn được xem là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất trong lịch sử Mỹ, góp phần đưa tới bước ngoặt lớn với người da màu.

Tôi có một giấc mơ - bài diễn văn kinh điển góp phần thay đổi nước Mỹ - 1

Mục sư Martin Luther King Jr đọc bài diễn văn lịch sử "Tôi có một ước mơ" tại Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington, Mỹ (Ảnh: Guardian).

Mục sư Martin Luther King Jr là một trong những nhà hoạt động dân quyền có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã đấu tranh không ngừng nghỉ cho phong trào dân quyền, đặt nền móng cho bình đẳng sắc tộc tại Mỹ.

Ông sinh ngày 15/1/1929 tại thành phố Atlanta, bang Georgia, là con đầu của mục sư Martin Luther King Sr. Ông tốt nghiệp cử nhân tại đại học Morehouse dành riêng cho người da màu. Sau đó, ông tớChester-Pennsyvaniaia theo học tại Viện Thần họCrozerer và tốt nghiệp với học vị Cử nhân Thần học năm 1951. Vào năm 1955, ông nhận bằng Tiến sĩ ngành Thần học Hệ thống tại Đại học Boston.

Trước khi nhận bằng tiến sĩ, năm 1954, Martin Luther King Jr đã trở thành mục sư dòng Baptist, quản nhiệm nhà thờ trên đại lộ Dexter tại thành phố Montgomery, bang Alabama. Đây chính là cái nôi của các cuộc vận động cho phong trào dân quyền trên toàn nước Mỹ sau này. Sau nhiều năm đấu tranh không ngừng nghỉ, ngày 14/10/1964, ông trở thành nhân vật trẻ tuổi nhất được trao Giải thưởng Nobel Hòa bình nhờ những cống hiến và đấu tranh của ông dành quyền bình đẳng cho người da màu.

Di sản lớn nhất cả cuộc đời ông là những chuyến đi khắp nơi để diễn thuyết, chia sẻ kinh nghiệm và những cuộc đấu tranh của mình để tạo nên những thay đổi lớn trong xã hội và chính trị Mỹ. Một trong số các bài phát biểu nổi tiếng nhất của ông là bài diễn văn lịch sử "Tôi có một ước mơ" được đọc tại bậc thềm Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington vào ngày 28/8/1963.

"Những đứa trẻ da màu và da trắng sẽ cùng nắm tay"

Bài phát biểu của Martin Luther King Jr, diễn ra trong cuộc tuần hành ủng hộ phong trào đòi quyền công dân, thu hút sự tham gia của hơn 250.000 người, cho đến nay vẫn được xem là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bài phát biểu chứa đựng giấc mơ mà ông luôn ấp về "những đứa trẻ da màu và những đứa trẻ da trắng cùng nắm tay nhau như anh chị em một nhà".

Mở đầu bài diễn văn, ông nói: "Hôm nay tôi rất vui được cùng các bạn tham gia vào một sự kiện sẽ đi vào lịch sử như một minh chứng vĩ đại nhất cho tự do trong lịch sử đất nước chúng ta".

Martin Luther King Jr nói: "Có một lời hứa rằng mọi công dân Mỹ, không phân biệt da trắng hay da màu, được đảm bảo các quyền bất kể xâm phạm: quyền được sống, quyền được tự do, và quyền được mưu cầu hạnh phúc". Nhưng rõ ràng, ông cho rằng nước Mỹ đã không giữ lời hứa, "phản bội" các công dân da màu của mình.

Ông kêu gọi, "giờ là lúc để hiện thực hóa những lời hứa hẹn về dân chủ. Giờ là lúc phải đi lên từ bóng tối và thung lũng của sự phân biệt chủng tộc tới con đường ánh sáng của sự công bằng. Giờ là lúc để đưa đất nước từ vũng lầy của sự bất công chủng tộc lên một nền tảng vững chắc của tình anh em".

Cao trào của bài diễn văn là khi Martin Luther King Jr bày tỏ ước mơ về tự do và công bằng qua câu nói được lặp đi lặp lại: "Tôi có một ước mơ".

"Tôi có một ước mơ rằng một ngày nào đó đất nước sẽ trỗi dậy và sống đúng với lời hứa của mình: Chúng ta luôn giữ vững những sự thật này như chân lý hiển nhiên: mọi người sinh ra đều bình đẳng.

Tôi có một ước mơ, là một ngày nào đó trên những ngọn đồi đất đỏ ở Georgia, con của những nô lệ cũ và những người chủ cũ sẽ có thể ngồi lại với nhau, coi nhau anh chị em.

Tôi có một ước mơ, là một ngày nào đó, ngay cả tiểu bang Mississippi, nơi vốn đang ngột ngạt vì bị áp bức và bất công sẽ biến đổi thành một ốc đảo của tự do và công bằng.

Tôi có ước mơ, một ngày nào đó 4 đứa con nhỏ của tôi sẽ được sống trong một đất nước mà chúng sẽ được đáng giá qua chính con người của chúng chứ không phải là màu da.

Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó ở Alabama, nơi có những thành phần phân biệt chủng tộc, nơi vị thống đốc nắm quyền luôn miệng xen vào cuộc sống của người khác và nói về quyền vô hiệu hóa, mọi đứa trẻ da màu và da trắng sẽ có thể cùng nắm tay như anh chị em".

Những phát biểu lay động lòng người đó đã góp phần gây áp lực cho Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền năm 1964 dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson, quy định cấm phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính trên khắp nước Mỹ.

Cho đến nay, hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Martin Luther King Jr qua đời trong một vụ ám sát bằng súng vào tối 4/4/1968, di sản ông để lại vẫn mang tầm ảnh hưởng lịch sử và là bài học để đời với nước Mỹ, nhất là những người da màu.

Đó là lý do mục sư Martin Luther King Jr trở thành một trong những người có sức ảnh hưởng vĩ đại nhất đến nước Mỹ hiện đại. Ông cũng là công dân Mỹ đầu tiên và duy nhất không phải là tổng thống nhưng ngày sinh của ông là một ngày lễ được cả nước Mỹ vinh danh.