1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông trong cuộc đối đầu với Mỹ

Biển Đông là “lá chắn tự nhiên” giúp Trung Quốc có được ưu thế phòng thủ trước Mỹ, cũng như khả năng tiếp cận với nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí và nguồn lợi thủy sản tại đây. Đó là những đánh giá được Học viện Phát triển Philippines (DAP) đưa ra nhằm làm rõ ý đồ độc chiếm Biển Đông của giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Báo cáo chiến lược 12 trang của DAP có tiêu đề “Duy trì cân bằng quyền lực và tăng cường lãnh địa ảnh hưởng ở Biển Đông: Theo dõi bước đi của Trung Quốc” là tài liệu dùng để giảng dạy cho sĩ quan quân đội Philippines, tập trung phân tích những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông trong 1 năm trở lại đây.

Trung Quốc tăng cường tiềm lực hải quân để sẵn sàng đối phó với Mỹ. Ảnh: AP
Trung Quốc tăng cường tiềm lực hải quân để sẵn sàng đối phó với Mỹ. Ảnh: AP

Đánh giá về tầm quan trọng địa chiến lược, quân sự, tài liệu nhấn mạnh: Bắc Kinh xem Biển Đông có vai trò rất quan trọng, vì đây là “lá chắn tự nhiên” đối với an ninh của Trung Quốc ở phía Nam. Giành quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sẽ thiết lập được khu vực phòng thủ chiến lược với một dải bờ biển dài 1.000 km, tạo ra nhân tố “kiềm chế” tầm hoạt động, tác chiến đối với Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại châu Á - Thái Bình Dương. Đi xa hơn, độc chiếm Biển Đông sẽ “giúp phát triển kinh tế, quyết định sự tồn tại chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, báo cáo nhìn nhận.

Báo cáo của DAP trích dẫn một đoạn trong tài liệu của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, chỉ ra rằng “đại dương đã trở thành một khu vực quan trọng của chạy đua quốc tế nhằm tạo lập quyền lực quốc gia tuyệt đối cũng như những ưu thế chiến lược dài hạn”.

Theo các học giả thuộc DAP, Mỹ luôn kiên định duy trì hiện diện quân sự lớn mạnh ở Tây Thái Bình Dương. Trong điều kiện đó, Bắc Kinh thấy rằng phải có được thế đứng vững chắc ở Biển Đông để có được khoảng không cho tác chiến chiến lược. Trung Quốc thừa nhận vị trí địa lý của mình dễ bị tổn thương ở cả trên bộ và trên biển, nhưng tin rằng “bất cứ thách thức nào đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này trong tương lai đều sẽ đến từ đại dương, trong đó có Biển Đông. Đó là lý do Bắc Kinh đã phát triển khả năng chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (AA/AD)”.

Đối với tài nguyên thiên nhiên, báo cáo của DAP dẫn số liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ cho biết: Vùng biển Trường Sa có thể có trữ lượng dầu mỏ lên đến 5,4 tỉ thùng, cùng với 55,1 tỉ m3 khí, và hầu hết đều tập trung ở khu vực “Bãi Cỏ Rong ngoài khơi tỉnh Palawan”. Không những vậy, “các chuyên gia còn cho rằng Biển Đông cung cấp khoảng 25% nhu cầu protein đối với khoảng 500 triệu người, với sản lượng hơn 5 triệu tấn cá đánh bắt hàng năm, chiếm 10% sản lượng toàn cầu.

Tầm quan trọng của Biển Đông giải thích tại sao Bắc Kinh quyết đòi lãnh thổ trong phạm vi chuỗi đảo Kalayaan (KIG) thuộc Philippines. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc luôn xem thường Philippines, coi đây là “một nước nhỏ, với tiềm năng quân sự yếu kém”.

Trong một diễn biến khác, hôm 27/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường khả năng phòng thủ trên hướng bộ và biển, khi ông phát biểu tại một phiên họp quốc gia có sự hiện diện của Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ.

Theo Hoài Thanh
Tin tức/Inquirer