1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tính mạng ngư dân nghèo Nam Phi và cơn khát bào ngư tại Trung Quốc

(Dân trí) - Nhiều thợ lặn nghèo ở Nam Phi đã bất chấp tính mạng trong những chuyến ra khơi đầy nguy hiểm để kiếm kế sinh nhai khi nhu cầu tiêu thụ bào ngư và tôm hùm tại Trung Quốc ngày càng tăng lên.

Các thợ lặn săn bào ngư ở châu Phi (Ảnh: Shaun Swingler/Guardian)
Các thợ lặn săn bào ngư ở châu Phi (Ảnh: Shaun Swingler/Guardian)

Một buổi tối thứ 7 tháng 8, Deurick van Blerk đã trèo lên chiếc thuyền nhỏ ở ngoài khơi Cape Town để thực hiện chuyến ra khơi đánh bắt mới, mặc dù đây bị coi là hoạt động phạm pháp. Sau đó, thanh niên 26 tuổi này không bao giờ trở lại.

Các nhà điều tra đã vào cuộc để làm rõ cáo buộc của các thợ lặn khác và gia đình Blerk rằng, có thể anh đã bị bắn chết bởi một lực lượng đặc nhiệm trong chiến dịch chống đánh bắt trộm. Đây là cuộc chiến ngày càng khốc liệt giữa các nhà chức trách Nam Phi với các ngư dân chuyên đánh bắt bào ngư và tôm hùm đá tại các vùng biển.

Bào ngư là món đặc sản đắt đỏ tại Hong Kong, Trung Quốc đại lục và một số nơi khác ở Đông Á. Những món ăn được chế biến từ bào ngư được xem là “cao lương mỹ vị” mà ai cũng muốn thưởng thức tại các bữa tiệc cưới. Và giá của những món ăn này có thể lên tới hàng nghìn USD.

Một cửa hàng bán bào ngư đóng hộp tại Hong Kong. (Ảnh: AFP)
Một cửa hàng bán bào ngư đóng hộp tại Hong Kong. (Ảnh: AFP)

Ngoài bào ngư, những thợ lặn “chui” thường tìm bắt tôm hùm đá để bán tại các chợ địa phương.

“Deurick và tôi bắt đầu đánh bắt trộm từ khi chúng tôi mới 15 tuổi”, Bruce van Reenen, người em họ 23 tuổi, của Blerk nói với AFP.

“Thường chúng tôi sẽ đi đánh bắt cùng nhau nhưng đêm đó thì không. Chúng tôi ra khơi trên hai thuyền riêng rẽ. Tôi lặn quanh khu vực góc Vịnh Camps còn Deurick tới mũi Cape để săn tôm hùm”, Reenen nhớ lại.

Những thợ lặn như Van Blerk và Van Reenen có thể kiếm được hàng trăm USD chỉ trong một đêm đánh bắt thành công. Tuy nhiên, khoản tiền đó chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá bào ngư khô được bán tại các chợ ở Hong Kong. Giá của mặt hàng này có thể lên tới hàng nghìn USD/kg.

Hiện tượng khai thác quá mức bắt đầu ảnh hưởng tới trữ lượng bào ngư từ những năm 1950. Tuy nhiên, tới giữa thập niên 1990, việc đánh bắt ồ ạt đã gây tổn hại nghiêm trọng cho nguồn bào ngư tự nhiên tại các vùng biển.

Trữ lượng giảm sút

Lực lượng tuần tra hàng hải ngăn chặn nạn đánh bắt bào ngư trái phép. (Ảnh: AFP)
Lực lượng tuần tra hàng hải ngăn chặn nạn đánh bắt bào ngư trái phép. (Ảnh: AFP)

Theo George Branch, nhà sinh học biển tại Đại học Cape Town, kể từ khi hoạt động khai thác thương mại bắt đầu nở rộ, trữ lượng bào ngư đã giảm xuống chỉ còn 1/4 so với trữ lượng ban đầu. Trong khi đó, số lượng tôm hùm đá ở bờ biển phía tây cũng đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 2,5% so với trước đây.

“Bào ngư hầu như được chuyển về Đông Á, chủ yếu ở Hong Kong”, Markus Burgener, thành viên của TRAFFIC - tổ chức phi chính phủ giám sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã, cho biết.

Theo ông Burgener, giá bán lẻ của bào ngư khô Nam Phi ở Hong Kong dao động từ 300 USD đến hơn 10.000 USD/kg.

“Bào ngư cuối cùng sẽ được tiêu thụ ở Trung Quốc vì đây là nơi có nhu cầu lớn nhất. Vấn đề thực sự ở chỗ có hàng nghìn người tham gia vào chuỗi cung ứng (bào ngư). Do vậy nguồn bào ngư không thể bền vững được”, ông Burgener giải thích.

Người nghèo bất chấp nguy hiểm

Một thợ lặn chuẩn bị lặn ở Cape Town. (Ảnh: Shaun Swingler/Guardian)
Một thợ lặn chuẩn bị lặn ở Cape Town. (Ảnh: Shaun Swingler/Guardian)

Gia đình của Van Blerk sống ở Hangberg, một cộng đồng ven biển nghèo khó ở ven vịnh Hout, cách Cape Town khoảng 20km. Đánh bắt bào ngư và tôm hùm là một trong những công việc hiếm hoi của người dân nơi đây.

“Tôi cảm thấy bị đe dọa vì bây giờ họ có thể bắn chúng tôi. Nhưng tôi có thể làm gì khác? Tôi phải tiếp tục công việc vì đó là kế sinh nhai của tôi”, em họ của Van Blerk cho biết.

“Tôi đã mất đi người anh họ, nhưng trớ trêu là cuộc sống của tôi vẫn phải tiếp tục vì nếu không làm như vậy, các con tôi sẽ bị bỏ đói”, Van Reenen nói.

Khi Van Blerk ra đi không trở lại, bạn gái của anh đang mang thai. Sau đó, cô đã hạ sinh một bé gái. Người phụ nữ này thường đợi chồng trở về lúc bình minh và luôn chuẩn bị sẵn một cốc cafe vào buổi sáng. Nhưng từ đó đến nay cô không nghe được tin tức gì từ chồng nữa, và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy thi thể của Blerk sẽ được tìm thấy.

Hai người đi cùng Van Blerk trong buổi tối hôm đó nói rằng anh bị bắn trong một chiến dịch truy quét nạn đánh bắt trộm. Những lỗ thủng do đạn bắn cũng xuất hiện trên thuyền của họ. Họ đã đệ đơn kiện chính quyền vì cho rằng đây là vụ cố ý giết người.

Người phát ngôn Cục Thủy sản Nam Phi Khaye Nkwanyana cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành. Ông Khaye nói rằng lực lượng đặc nhiệm chỉ được phép nổ súng trong trường hợp tự vệ.

Theo nhà hoạt động cộng đồng Roscoe Jacobs, người dân địa phương ở Nam Phi coi việc đánh bắt trộm là một trong số ít kế sinh nhai giúp họ thoát nghèo.

“Đây không phải công việc mà người dân thực sự muốn làm, nhưng vì các điều kiện kinh tế xã hội, mà họ buộc phải làm. Họ thực sự phải làm vì không còn lựa chọn nào khác. Liệu có ai muốn đi ăn cướp? Đó là việc họ phải làm bất chấp rủi ro”, Jacobs chia sẻ.

Là người bênh vực cho hoạt động đánh bắt hải sản, Jacobs cho rằng “việc bảo tồn cũng cần tính đến cuộc sống của người dân”. Theo nhà hoạt động này, người dân Nam Phi đã sống dựa vào tài nguyên trong hơn 300 năm qua và họ sẽ tiếp tục sống như vậy trong 300 năm tới.

Nhu cầu tăng lên

Bào ngư được xem là cao lương mỹ vị tại một số nước Đông Á. (Ảnh: Getty)
Bào ngư được xem là "cao lương mỹ vị" tại một số nước Đông Á. (Ảnh: Getty)

Hoạt động đánh bắt trái phép đã đẩy các thợ lặn vào một thế giới chết người của bạo lực băng đảng và các nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Hồi tháng 9, cảnh sát Nam Phi đã bắt giữ một xe tải trên đường tới Botswana. Xe chở 10kg bào ngư với tổng giá trị ước tính khoảng 400.000 USD.

Năm ngoái chính quyền Trung Quốc đã phá đường dây buôn lậu ở thành phố Quảng Châu với âm mưu vận chuyển hải sản với giá trị lên tới 115 triệu USD, bao gồm cả bào ngư.

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày càng có nhu cầu tiêu thụ bào ngư nhiều hơn. Ở Thượng Hải, một hóa đơn nhà hàng gần đây đã gây “chấn động” với mức giá 14.700 USD cho một bữa ăn dành cho 8 người với món bào ngư.

“Thương lái bán bào ngư cho người tiêu dùng Trung Quốc. Họ mới là những người kiếm tiền thực sự, chứ không phải những người đánh bắt trộm”, một nguồn tin nói với AFP.

Thành Đạt

Theo AFP