1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tình báo Mỹ không thể kết luận nguồn gốc Covid-19 sau 90 ngày điều tra

Thành Đạt

(Dân trí) - Báo cáo mật của cộng đồng tình báo Mỹ gửi Tổng thống Joe Biden hôm 24/8 không đưa ra kết luận về nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19, theo Washington Post.

Tình báo Mỹ không thể kết luận nguồn gốc Covid-19 sau 90 ngày điều tra - 1

Các nhà khoa học của WHO tới Viện Virus học Vũ Hán hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters).

Washington Post dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden ngày 24/8 đã nhận được một báo cáo mật từ cộng đồng tình báo Mỹ. Tuy nhiên, báo cáo này không đưa ra kết luận về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, cộng đồng tình báo Mỹ không thể khẳng định liệu virus này lây lan từ động vật sang người như một phần của quá trình tự nhiên, hay bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ cho biết cộng đồng tình báo sẽ tìm cách giải mật các yếu tố của báo cáo trong vòng vài ngày để có thể công bố rộng rãi. Giới chức tình báo Mỹ không thể đi đến kết luận về nguồn gốc của virus, dù đã phân tích hàng loạt thông tin tình báo hiện có cũng như tìm kiếm manh mối mới.

Tổng thống Joe Biden ngày 26/5 chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ điều tra thêm về nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19, bao gồm việc xác định virus xuất hiện ở Trung Quốc là do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay do rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Ông chủ Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ "tăng gấp đôi nỗ lực" để điều tra nguồn gốc Covid-19 và báo cáo chính phủ trong vòng 90 ngày.

Thời hạn 90 ngày theo yêu cầu của Tổng thống Biden đã kết thúc vào ngày 24/8, tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng cho biết việc công bố báo cáo của tình báo Mỹ sẽ phải mất thêm vài ngày để giải tài liệu mật.

Giới khoa học và các nhà làm chính sách của Mỹ hồi tháng 5 bất ngờ lật lại những tranh luận về nguồn gốc của Covid-19, trong đó có giả thuyết virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Thời báo Phố Wall dẫn một báo cáo của tình báo Mỹ nói rằng, một số nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện vào tháng 11/2019, không lâu trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại tâm dịch Vũ Hán.

Trước khi Washington Post tiết lộ thông tin về kết quả điều tra, 3 quan chức chính phủ Mỹ và một người thứ 4 am hiểu về cuộc điều tra cho biết họ không kỳ vọng tình báo Mỹ sẽ đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc dịch bệnh. 

Hồi tháng 6, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines nhận định cộng đồng tình báo Mỹ có khả năng không thể tìm ra nguồn gốc Covid-19.

"Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra gì đó, nhưng đây là một thách thức. Điều này có thể xảy ra, nhưng cũng có thể không", bà Haines nói.

Bà Haines cho biết các nhà điều tra của cộng đồng tình báo tập trung điều tra 2 giả thuyết gồm virus lây truyền từ động vật sang người và virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

"Tôi không rõ đâu là giả thuyết khả thi. Tuy vậy, tôi đã lắng nghe các nhà phân tích. Tôi hiểu tại sao họ nhận định 2 giả thuyết này đang cạnh tranh với nhau và rất khó để đánh giá khả năng này dễ xảy ra hơn khả năng kia", bà Haines nói thêm.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã cho phép các chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO phàn nàn rằng, họ không được tiếp cận đầy đủ các dữ liệu thô để phục vụ cuộc điều tra. Bản báo cáo điều tra của WHO cũng vấp phải những phản ứng trái chiều, nhiều nước đề nghị mở rộng điều tra thêm về nguồn gốc đại dịch, trong đó có giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm - giả thuyết mà nhóm chuyên gia WHO cho rằng "rất khó xảy ra".

Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đồng thời đưa ra giả thuyết rằng virus này có thể bắt nguồn ở một nơi nào khác không phải Trung Quốc.