Tín hiệu của Tổng thống Putin về đàm phán hòa bình
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như phát tín hiệu rằng Moscow khó có thể tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai gần.
Vào ngày 24/1, trong cuộc phỏng vấn của Tổng thống Vladimir Putin với truyền thông Nga, trọng tâm chính trong tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga là làm rõ với công chúng nước này rằng chiến tranh sẽ tiếp diễn.
Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga khó có thể tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai gần và cuộc chiến ở Ukraine là một phần của cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Nga và phương Tây.
Theo các nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, Tổng thống Putin có thể đang sử dụng cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga để báo hiệu với công chúng nước này rằng, Nga "khó có thể tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai gần và chiến tranh khó có thể kết thúc sớm".
Các nhà phân tích của ISW tin rằng, thông qua cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Putin cũng tìm cách tác động đến giới tinh hoa Nga, những người muốn chấm dứt chiến tranh. Thông điệp của ông sẽ thuyết phục họ rằng sẽ không có "đường tắt" nào dẫn đến hòa bình.
Theo ISW, tuyên bố này một lần nữa chứng minh lập trường kiên định của Tổng thống Putin rằng, Ukraine chịu sự tác động từ phương Tây và cuộc xung đột là một phần trong cuộc đối đầu toàn cầu giữa các cường quốc.
Ngoài ra, ISW nhận định, Tổng thống Putin tin rằng các cuộc đàm phán về xung đột chỉ có thể đạt được giữa Mỹ và Nga, mà không có sự tham gia trực tiếp của Ukraine.
Tổng thống Putin cũng một lần nữa đặt nghi vấn về tính hợp pháp của Tổng thống Volodymyr Zelensky với tư cách là lãnh đạo đương nhiệm của Ukraine.
Theo Tổng thống Putin, bất kỳ cuộc đàm phán nào trong bối cảnh hiện tại đều là hành động "bất hợp pháp" về mặt pháp lý, do lệnh cấm đàm phán của Tổng thống Zelensky.
Ông chủ Điện Kremlin đề cập đến sắc lệnh do Tổng thống Zelensky đưa ra vào năm 2022, trong đó cấm mọi cuộc đàm phán với Tổng thống Putin.
Cũng trong ngày 24/1, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow không thấy dấu hiệu nào cho thấy Kiev hay phương Tây sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình.
"Bất chấp mọi tuyên bố về nhu cầu đàm phán hòa bình, không có bước đi thực tế nào cho thấy Kiev hay phương Tây thực sự sẵn sàng cho các cuộc đàm phán này. Ngược lại, nguồn cung cấp quân sự của phương Tây cho quân đội Ukraine vẫn tiếp tục, các tối hậu thư cho Nga đang được đưa ra, lệnh cấm đàm phán chính thức vẫn được áp dụng, không có động thái nào được thực hiện để giải quyết vấn đề bất hợp pháp của chính quyền Ukraine", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nước phương Tây tiếp tục cung cấp cho Kiev vũ khí tiên tiến và tầm xa, các hướng dẫn viên, công cụ liên lạc và tình báo.
"Họ đã chi tới 200 tỷ USD cho việc này. Viện trợ quân sự được điều phối bởi các cấu trúc NATO và nhóm Ramstein được thành lập đặc biệt, bao gồm 55 quốc gia. Những hành động như vậy không tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình", Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga còn cho rằng, việc thiếu một cơ quan có thẩm quyền hợp pháp của Ukraine là rào cản lớn trong việc đạt được thỏa thuận.
"Nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc vào ngày 20/5/2024. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói, ông Zelensky không còn là nguyên thủ quốc gia hợp pháp sau đó và chữ ký của ông ấy dưới bất kỳ tài liệu nào sẽ vô hiệu về mặt pháp lý. Đối với Quốc hội Ukraine, họ vẫn còn hợp pháp, nhưng không có một dấu hiệu nào cho thấy họ có ý chí chính trị cho một giải pháp hòa bình", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
"Cách tiếp cận của chúng tôi đối với giải pháp hòa bình vẫn không thay đổi. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại dựa trên các thỏa thuận năm 2022 với sự cân nhắc phù hợp đến thực tế hiện tại trên thực địa và các lập trường mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ vào tháng 6/2024", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Tại một cuộc họp cấp cao với các quan chức Bộ Ngoại giao Nga vào giữa tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Putin đã nêu ra các điều kiện tiên quyết của Moscow để giải quyết xung đột. Những điều kiện này bao gồm việc Ukraine rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập, từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và cam kết về một tình trạng trung lập, phi hạt nhân. Moscow cũng yêu cầu dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.