Tiết lộ những bí mật của tình báo Mỹ
(Dân trí) - Tờ Washington Post vừa công bố báo cáo điều tra kéo dài suốt 2 năm của báo này về hệ thống tình báo Mỹ, kèm “kết luận” hệ thống này đã phát triển đến mức hiện không ai biết chi phí chính xác là bao nhiêu, hay có bao nhiêu người tham gia.
Trong báo cáo mang tên “Hoa Kỳ Tối mật”, Washington Post cũng cho biết kể từ sau các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, gần 2.000 công ty tư nhân và 1.270 cơ quan chính phủ đã tham gia vào công tác chống khủng bố tại 10.000 địa điểm trên toàn nước Mỹ.
Báo cáo liệt kê: Khoảng 854.000 công dân Mỹ được phép tiếp cận các thông tin bí mật cao; 1/5 số các tổ chức chống khủng bố ở Mỹ là được tạo ra kể từ sau các vụ tấn công 11/9/2001; Hơn 250 cơ quan an ninh được lập ra hoặc tái cơ cấu kể từ sau vụ 11/9; Hơn 30 khu tổ hợp với diện tích chừng 1.6 triệu mét vuông được xây dựng cho tình báo mật tại khu vực Washington kể từ sau vụ tấn công; Nhiều cơ quan ấn hành rất nhiều báo cáo mà các quan chức chẳng bao giờ sờ tới.
Kể từ sau các vụ tấn công 11/9, hệ thống tình báo và theo dõi của Mỹ đã thay đổi mạnh, với nhiều cải cách - như việc tạo ra Ban Giám đốc Tình báo Quốc gia để theo dõi 16 cơ quan hoạt động tình báo - và tốn rất nhiều nguồn lực.
CIA chỉ là một trong số hơn một chục cơ quan tình báo của Mỹ
Các quan chức được trích dẫn thừa nhận rằng hệ thống này còn nhiều thiếu sót, nhưng họ cũng đặt các câu hỏi về kết luận của tờ báo.
Trước khi báo cáo được đưa ra, Nhà Trắng thừa nhận với tờ Washington Post rằng họ biết có các vấn đề trong việc thu thập tình báo của Mỹ và đang tìm cách xử lý.
Báo cáo này nói việc phát triển ngành an ninh - với các hợp đồng trị giá hàng tỉ USD được đưa ra cho nhiều cơ quan chính phủ và nhà thầu tư - đã kéo theo một hệ thống khó sử dụng, thiếu giám sát trong khi lại lãng phí và trùng lặp cao.
Báo cáo “Hoa Kỳ Tối mật” do phóng viên đoạt giải Pulitzer, Dana Priest, lập ra với sự cộng tác của hơn 20 phóng viên khác, và được ấn hành làm ba phần trong tuần này.
WashingtonPost khẳng định cuộc điều tra của họ dựa trên các tài liệu của chính phủ, hồ sơ công và hàng trăm cuộc phỏng vấn với các quan chức tình báo, quân sự và kinh doanh cùng các cựu quan chức. Đa phần những người được phỏng vấn yêu cầu giữ bí mật danh tính.