1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiết lộ của Wikileaks: “Quả bom” dội vào ngành ngoại giao Mỹ

(Dân trí) - Hơn 250.000 tài liệu nhạy cảm Wikilwaks công bố hé lộ một thế giới bí mật ở hậu trường sân khấu ngoại giao quốc tế, “những quan điểm bộc trực” từ các nhà lãnh đạo thế giới, chi tiết chiến thuật gây áp lực của Mỹ với các điểm nóng Afghanistan, Iran và Triều Tiên.


Tiết lộ của Wikileaks: “Quả bom” dội vào ngành ngoại giao Mỹ - 1

Hơn 250.000 tài liệu được công bố cho nhiều nhật báo của Mỹ, Anh, Pháp, Đức.

Hàng loạt vấn đề

Những tiết lộ này là loạt đầu tiên trong kế hoạch của Wikileaks tiết lộ hàng triệu tài liệu ngoại giao mật của Mỹ trong vài tháng tới - nhà sáng lập Wikileaks khẳng định. Sau 400.000 tài liệu về Iraq, 300.000 tài liệu về Afghanistan, Wikileaks dự kiến sẽ dần dần công bố khoảng ba triệu tài liệu mật của Mỹ đã bị rò rỉ. Đây chủ yếu là các điện thư liên quan đến các giao dịch với nước ngoài hay các đánh giá của Mỹ về các đối tác. Theo giới phân tích, vụ tiết lộ lần này sẽ đẩy Washington vào tình thế khó xử do nội dung rất tế nhị của các tài liệu trên nguyên tắc chỉ lưu hành nội bộ mà thôi.

Những tài liệu mới cũng bao gồm những tiết lộ mới về “những điểm rắc rối hạt nhân, những chi tiết về nỗi lo ngại của Mỹ, Israel và thế giới Ảrập về chương trình hạt nhân của Iran, mối quan tâm của người Mỹ với kho vũ khí nguyên tử của Pakistan và các cuộc thảo luận của Mỹ về một bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Ngoài ra, còn có những tài liệu của Mỹ khuyến khích các nhà ngoại giao Mỹ ở Liên Hợp Quốc thu thập số liệu chi tiết về Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nhóm làm việc của ông và các nhà ngoại giao nước ngoài.

Những tài liệu này - được trang mạng Wikileaks công bố cho một loạt các tờ báo The New York Times của Mỹ, Le Monde của Pháp, Guardian của Anh, Der Spiegel của Đức và nhiều tờ báo khác - đã vén bức màn hậu trường các mối quan hệ quốc tế của Washington, điều đã bị những lời nói tẻ nhạt, nhưng nụ cười và bắt tay xã giao giữa các quan chức cấp cao để báo giới chụp ảnh, che phủ.

Vấn đề buôn bán vũ khí của Triều Tiên, thỏa thuận ngầm giữa Washington với Yemen… cũng được liệt kê trong những trang tài liệu này.

Theo các tờ The New York Times của Mỹ, tờ The Guardian của Anh, và tờ Der Spiegel của Đức, một văn thư ngoại giao đánh đi từ Đại sứ quán Mỹ ở Kabul tiết lộ rằng khi Phó Tổng Thống Afghanistan Ahmed Zia Massoud đến thăm Liên hiệp các tiểu vương quốc Ảrập hồi năm ngoái, giới thẩm quyền địa phương làm việc với Cơ quan Chống ma túy của Mỹ phát hiện ra rằng ông mang trên người 52 triệu USD tiền mặt. Văn thư nội bộ này cho thấy ông Massoud cuối cùng đã được phép giữ số tiền mặt này, mà không phải khai báo nguồn gốc, hay điểm đến của nó. Ông Massoud gạt bỏ rằng ông mang số tiền đó ra khỏi Afghanistan.

Một tài liệu khác kể lại những buổi họp giữa một giới chức Mỹ với người anh em cùng cha khác mẹ của Tổng Thống Karzai, ông Ahmed Wali Karzai, nói rằng ông này được rộng rãi biết đến là “một phần tử thoái hóa, và là một tay buôn lậu ma túy”. Còn theo các văn thư ngoại giao mật khác của Mỹ bị Wikileaks tiết lộ, các giới chức tình báo Mỹ “tin rằng” Iran đã sở hữu các tên lửa tiên tiến từ Triều Tiên. Các tên lửa đó được dựa trên một thiết kế của Nga và có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp vùng Trung Đông và một phần Châu Âu.

Một tài liệu đề cập đến dường như là một thỏa thuận giữa Washington với Yemen để che đậy việc sử dụng các tên lửa Mỹ nhắm vào các mục tiêu al-Qaeda tại quốc gia vùng Vịnh này. 
 
Tiết lộ của Wikileaks: “Quả bom” dội vào ngành ngoại giao Mỹ - 2
 Nhà sáng lập Wikileaks tuyên bố tiếp tục chiến dịch tiết lộ tài liệu mật.

Mức độ nguy hiểm

Sự kiện hàng triệu tài liệu sắp được Wikileaks tiết lộ đã gióng lên những hồi chuông báo động về tác hại tiềm tàng của các tiết lộ này, nhất là đối với ngành ngoại giao Mỹ. Mức độ vụ việc này được coi là nghiêm trọng đến mức mà các nhà ngoại giao Mỹ trên thế giới đã được yêu cầu bỏ qua kỳ nghỉ cuối tuần nhân dịp Lễ Tạ ơn, một ngày lễ hết sức quan trọng của người Mỹ. Họ phải sẵn sàng trực chỉ bộ Ngoại giao của các nước sở tại khi cần thiết, để xoa dịu nỗi giận dữ có thể bùng lên một khi những nhận xét “thiếu ngoại giao” về một nhân vật hay một nước nào đó chẳng hạn, bị phơi bày công khai. Các tài liệu bị tiết lộ đó, theo ông, "sẽ không giúp đỡ, mà ngược lại sẽ phá hoại khả năng công tác của Mỹ tại Iraq".

Theo AFP, các tài liệu mà Wikileaks dự trù tiết lộ có thể liên quan đến các nước như Australia, Anh, Canada, Israel, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley nói rằng Mỹ đã dự phòng "các trường hợp xấu nhất" và đã thông báo cho các chính phủ về khả năng các tài liệu bị tiết lộ.

Ngay sau khi trang mạng này tiết lộ thông tin cho các báo đăng tải ngày 29/11, Nhà Trắng đã lập tức lên án hành động của Wikileaks, cho rằng việc tiết lộ các tài liệu ngoại giao sẽ đẩy các nhà ngoại giao của Mỹ, các nhân viên tình báo, người dân khắp thế giới - “những người đến Mỹ tìm kiếm sự trợ giúp thúc đẩy dân chủ”, vào sự nguy hiểm.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley thì hạ thấp những cáo buộc hoạt động tình báo. “Các nhà ngoại giao của chúng ta chỉ là những nhà ngoại giao. Họ thu thập thông tin để định hình các chính sách và hành động của chúng ta. Đó là những gì mà các nhà ngoại giao, từ nước ta đến các nước khác, đã làm trong hàng trăm năm qua”. Ông mô tả việc tiết lộ thông tin của WikiLeaks là "một vụ trộm lớn các dữ liệu mật".

Theo báo chí tại Mỹ, các tài liệu của WikiLeaks tiết lộ lần này liên quan tới lập trường ngoại giao của Mỹ giai đoạn từ tháng 12/1966 đến hết tháng 2/2010, những thông tin liên quan tới các tổ chức ngoại giao và tình báo của Mỹ từ sau sự kiện 11/9/2001 và thông tin liên quan hoạt động ngoại giao của quan chức ngoại giao tại 270 điểm trên thế giới.

Trên trang web của mình, tờ The New York Times viết: “Tài liệu này phục vụ cho lợi ích công cộng quan trọng, minh chứng các mục tiêu, các thành công, các thỏa hiệp và những thất bại của nền ngoại giao Mỹ theo cách mà các tài liệu khác không thể so sánh được”.

Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange nói: “Tài liệu này cho thấy các hoạt động tình báo của Mỹ với các đồng minh và Liên Hợp Quốc, vờ như không thấy vấn đề tham nhũng và lạm dụng nhân quyền ở “các nước bạn hàng”, những thỏa thuận ít được công chúng biết đến với các nước tự nhận là trung lập và những vận động hành lang cho các tập đoàn của Mỹ”.

Nhật báo Nga Kommersant cho biết là trong các tài liệu đó, có ghi lại các cuộc đàm thoại giữa các nhà ngoại giao Mỹ với các chính trị gia Nga và những nhận xét "không hay" về một số người trong giới này. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì lên án vụ tài liệu sắp được tiết lộ mà thủ phạm bị ông coi là "những tên trộm nhỏ chạy trên mạng Internet".

Hà Khoa
Tổng hợp