1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiến trình hòa bình ở Syria: 5 năm, một lối mòn

Trong suốt 5 năm qua, đất nước Syria đã hứng chịu thiệt hại thảm khốc về kinh tế; phần lớn người dân thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu thốn lương thực và các dịch vụ thiết yếu khác. Cuộc xung đột ở Syria đã trở thành vấn đề toàn cầu hóc búa...

Cuộc khủng hoảng Syria đã bước sang năm thứ sáu, trở thành điểm nóng lâu dài và nặng nề nhất trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Trong suốt 5 năm qua, đất nước Syria đã hứng chịu thiệt hại thảm khốc về kinh tế; phần lớn người dân thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu thốn lương thực và các dịch vụ thiết yếu khác.

Cuộc xung đột ở Syria đã trở thành vấn đề toàn cầu hóc búa, kéo theo những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng tới chính trị ở nhiều quốc gia, “tiếp tay” cho sự ra đời và hoành hành của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay tạo nên cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu.

Chứng kiến thực tế Syria sau nửa thập kỷ đổ máu, cộng đồng quốc tế luôn không ngừng nỗ lực giúp quốc gia Trung Đông này tìm lại hòa bình. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết ủng hộ tiến trình hòa bình của Syria, trong đó chỉ ra rằng giải pháp bền vững duy nhất đối với tình hình hiện nay là thông qua một tiến trình chính trị toàn diện do Syria lãnh đạo, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Syria.

Và triển vọng tìm ra cơ hội giải quyết khủng hoảng tại Syria không ngừng được hé mở khi các nỗ lực ngoại giao quốc tế đang gấp rút được đẩy mạnh thông qua các vòng đàm phán liên tiếp, nhằm tiến tới chấm dứt hoàn toàn xung đột.

Hậu quả nghiêm trọng

Ngày 15-3-2011, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bùng phát tại Syria và dần dần chuyển biến thành một cuộc nội chiến. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, ảnh hưởng về kinh tế do cuộc xung đột tại Syria gây nên ngày càng gia tăng. Ước tính, GDP của Syria đã bị rút ngắn trung bình 15,4% trong giai đoạn 2011-2014, và tiếp tục giảm gần 16% vào năm 2015. Lạm phát nghiêm trọng, tiền mất giá mạnh và sản lượng dầu giảm đáng kể cũng là những thách thức to lớn đối với nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá.

Cho đến nay, cuộc xung đột này đã cướp đi tính mạng hơn 270 nghìn người, khiến hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Không những vậy, ảnh hưởng của cuộc nội chiến Syria đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Khoảng 4,6 triệu người Syria đã chạy trốn để xin tị nạn ở nước ngoài, kéo theo cuộc khủng hoảng người di cư tại các quốc gia láng giềng và châu Âu. Hàng ngàn người thiệt mạng khi tìm cách vượt biển, tạo nên thách thức về mặt đạo đức cho lục địa già. Sự hiện diện của người di cư gây tranh cãi về sự hào phóng và tính bài ngoại. Sau cùng, điều đó còn làm lung lay tận gốc rễ thỏa thuận dàn xếp “biên giới mở” của châu Âu.

Tiến trình hòa bình ở Syria: 5 năm, một lối mòn - 1

Một hậu quả nghiêm trọng khác của cuộc khủng hoảng Syria là dẫn tới sự nổi dậy của các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS. Chính nhờ khoảng trống quyền lực khởi sinh từ xung đột, một nhánh nhỏ vốn ít người biết đến nhưng lại gây chết chóc bạo tàn đã vươn lên trở thành lực lượng khủng bố khét tiếng nhất hành tinh.

IS gieo rắc sợ hãi và lo ngại trong khu vực và trên khắp thế giới, tàn sát những người thiểu số, thể chế hóa nô lệ tình dục, chế ngự quân đội nhà nước và hành quyết những người đối lập một cách tàn bạo. IS phát động tấn công khủng bố tại nhiều nước, và thiết lập vị trí đầu cầu ở bắc Libya để kéo dài sự tồn tại của “vương quốc Hồi giáo” ở Syria và Iraq.

Toan tính của Moscow

Cuộc khủng hoảng Syria đánh dấu sự trở lại của Nga. Tổng thống Vladimir Putin đã thiết lập lại vị thế mới ở Trung Đông sau khi chứng kiến cảnh Mỹ điều khiển cả khu vực này nhiều năm qua. Tháng 9-2015, sau khi điều vũ khí, cố vấn và trợ giúp kinh tế cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ông Putin đã cử không quân tới hỗ trợ Damascus.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích nhóm khủng bố IS, cục diện chiến trường Syria đã xoay chuyển nhanh chóng. Quân đội Chính phủ Syria đã giành lại nhiều thành phố và thị trấn bị mất trước đó, đồng thời nắm thế chủ động trên chiến trường. Điều này cũng tạo cho phía Chính phủ Bashar al-Assad có lợi thế lớn trong các cuộc đàm phán hòa bình với phe đối lập diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ).

Với sự can thiệp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang và lực lượng yêu nước Syria đã có thể đạt được sự chuyển biến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và giành được thế chủ động trong hầu hết các khía cạnh. Vì vậy, ông Putin bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria, hi vọng sẽ đem lại động lực đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở quốc gia Trung Đông này.

Quyết định của Tổng thống Nga được cho là phù hợp với việc duy trì trạng thái ngừng giao tranh cũng như tình hình trên thực địa, là bước đi đã được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện với sự phối hợp giữa hai bên Moscow và Damascus.

“Nhúng tay” vào tình hình Syria, Nga đã củng cố quan hệ đồng minh với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, và duy trì thế đứng vững chắc của mình ở đây, góp phần gia tăng vị thế chiến lược và ảnh hưởng ở khu vực. Nga cũng chứng tỏ sức mạnh quân sự và những khí tài hiệu quả của mình, khiến đối thủ NATO phải kiêng nể.

Cùng với đó là vai trò hàng đầu trong nỗ lực toàn cầu giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, Nga đã có thêm “vũ khí” buộc Mỹ và phương Tây phải tính tới lợi ích của Nga trong xử lý quan hệ đôi bên vốn đầy phức tạp cũng như trong các vấn đề toàn cầu.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra ở Geneva, quyết định rút quân là một động thái cần thiết để bảo đảm sáng kiến hòa bình do chính Nga thúc đẩy có thêm sức nặng. Nó cũng buộc hai phe đối đầu ở Syria phải có thái độ tích cực và thiện chí hơn trong các vòng đàm phán. Ngoài ra, “bước đi tích cực” này phản ánh sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ, để từ đây, mọi thỏa thuận giải quyết xung đột ở Syria có thể sẽ bước sang một trang mới.

Chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhận định, với việc Nga rút quân theo kế hoạch khỏi Syria và nối lại các cuộc hòa đàm tại Geneva, thế giới đang chuẩn bị những cơ hội tốt nhất để tìm thấy lối thoát cho cuộc nội chiến kéo dài năm năm qua tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá nặng nề này.

Nếu các nỗ lực ngoại giao thực sự có tác dụng đối với vấn đề Syria thì đây có thể được xem là một thành quả lớn, mở đường cho việc đưa Syria thoát khỏi khủng hoảng.
Nếu các nỗ lực ngoại giao thực sự có tác dụng đối với vấn đề Syria thì đây có thể được xem là một thành quả lớn, mở đường cho việc đưa Syria thoát khỏi khủng hoảng.

Tích cực tìm lối thoát

Từ giữa tháng 3, các cuộc hòa đàm nhằm kết thúc cuộc nội chiến tại Syria do Liên Hiệp Quốc bảo trợ đã bắt đầu diễn ra tại Geneva. Phía chính quyền Syria đã xác nhận sẵn sàng tham gia một cách xây dựng vào các cuộc hòa đàm, còn Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho một liên minh rộng lớn gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria - cũng bày tỏ mong muốn được tiếp xúc trực tiếp với đoàn đại biểu chính quyền Syria tại Geneva.

Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng trong tiến trình hòa bình, trở thành thời khắc cần nắm bắt và không thể bỏ lỡ. Nếu những vòng đàm phán lần này thất bại thì sẽ chẳng khó khăn hơn để tìm thấy một giải pháp thay thế khác, tiếp tục nuôi hi vọng chấm dứt xung đột.

Trong một diễn biến mới nhất, chuyến viếng thăm Nga của Ngoại trưởng John Kerry được kỳ vọng bắt đầu “một kì tích” trong suốt nhiều năm qua, nhằm hướng tới một giải pháp đôi bên Moscow – Washington đều đồng thuận, thuyết phục được chính quyền Bashar al-Assad cùng các phe đối lập.

Ngoại trưởng John Kerry hôm 16-3 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, tập trung chủ yếu vào hợp tác tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria. Ông Kerry nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thúc đẩy kế hoạch chuyển giao quyền lực ở Syria, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì lệnh ngừng bắn hiện nay.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Kerry tới Nga cũng cho thấy, Mỹ đã buộc phải thừa nhận vai trò của Nga như một nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo việc thực thi các nỗ lực hòa giải, hướng tới lệnh ngừng bắn và tổ chức vòng đàm phán mới về hòa bình Syria.

Rõ ràng, Nga đang nắm giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực ngoại giao nhằm thúc đẩy tiến trình giải quyết khủng hoảng Syria. Qua quyết định mới nhất về việc rút quân khỏi Syria, Nga đang chứng tỏ quyết tâm vô hiệu hóa những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập ngoại giao nước này.

Sau cùng, cả Nga và Mỹ đều đang hợp tác chặt chẽ để thỏa thuận ngừng bắn tại Syria có thể thực thi. Nếu các nỗ lực ngoại giao thực sự có tác dụng đối với vấn đề Syria thì đây có thể được xem là một thành quả lớn, mở đường cho việc đưa Syria thoát khỏi khủng hoảng.

Trước tình hình này, các bên liên quan cần “khôn ngoan và linh hoạt” trong các cuộc thương lượng, đồng thời nên ưu tiên những lợi ích tối cao của nhân dân Syria để đạt được thỏa thuận cuối cùng cho giai đoạn chuyển giao…

Theo Doãn Lâm

An ninh thế giới