Tiến trình chính trị Syria vẫn trắc trở
Lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu năm 2011, ngày 8-12, đại diện của các nhóm đối lập chính trị và các phe phái quân sự chống chế độ của Tổng thống al-Assad đã bắt đầu nhóm họp tại Riyadh, dưới sự chủ trì của A-rập Xê-út nhằm thống nhất các phe đối lập Syria trước thềm vòng đàm phán giữa các bên trong cuộc nội chiến.
Các tay súng thuộc FSA.
Theo thỏa thuận đạt được tại Vienna (Áo) ngày 14-11 giữa các cường quốc thế giới bao gồm Nga, Mỹ, Iran và Liên hợp quốc, các vòng đàm phán này được hy vọng sẽ diễn ra trước ngày 1-1-2016 dưới sự trung gian hòa giải của Liên hợp quốc.
Tại Hội nghị tìm giải pháp cho vấn đề Syria tại Viên ngày 14-11, các bên đã thống nhất về một lộ trình chính trị cho Syria. Theo đó, trong khoảng 6 tháng, phe đối lập và chính quyền Syria cần phải đạt được thỏa thuận nào đó và hình thành một chính phủ thống nhất dân tộc. Sau đó là chuẩn bị cho Hiến pháp mới và tổ chức bầu cử toàn dân trong vòng 6 tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, lộ trình chính trị đặt ra sẽ không hề dễ dàng cho đất nước Syria đang trong tình cảnh “chia năm xẻ bảy”. Hiện phía chính quyền Syria đã chuẩn bị xong phái đoàn để tham gia các cuộc đàm phán với phe đối lập. Tuy nhiên, với phe đối lập, việc chọn ra một đoàn đàm phán sẽ không hề dễ dàng trong bối cảnh cuộc gặp giữa các phe đối lập diễn ra trong khi vẫn tồn tại một loạt bất đồng. Việc thống nhất lập trường trong các vấn đề là rất nan giải vì phe đối lập Syria được hình thành từ nhiều phe nhóm khác nhau, trong khi sợi dây liên kết giữa các lực lượng này là rất yếu, lại bị chi phối với tham vọng lớn của các lực lượng.
Dự kiến cuộc gặp tại Riyadh diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ 8-12, với sự tham dự của khoảng 100 đại diện của các phe phái đối lập ở Syria. Mục đích nhằm thống nhất lập trường chung giữa các phe phái đối lập liên quan đến tương lai Syria, công cuộc chuyển giao quyền lực và tương lai của Tổng thống Syria Al-Assad. Và cuối cùng là các phe phái đối lập cần thống nhất về việc cử ra một đoàn đàm phán với chính quyền Tổng thống Al-Assad.
Một trong những bất đồng cốt lõi của phe đối lập chính là số phận của Tổng thống Al-Assad. Theo ông Samir Nashar, thành viên Liên minh Dân tộc Syria (phe đối lập chính ở Syria) có trụ sở ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), một số nhóm gần gũi với các nước hậu thuẫn chính quyền Syria có thể đòi hỏi để ông Al-Assad cầm quyền trong suốt giai đoạn chuyển tiếp. Điều này sẽ khiến hội nghị về Syria đứng trước nguy cơ thất bại. Các nhóm được Mỹ, A-rập Xê-út và Qatar hậu thuẫn vẫn yêu cầu ông Al-Assad phải ra đi ngay lập tức, nhưng Iran và Nga - hai nước vốn hậu thuẫn chính quyền Syria lại kịch liệt phản đối.
Trong khi đó, Ủy ban Phối hợp quốc gia vì sự thay đổi dân chủ, phe đối lập có thái độ khoan dung với chế độ Syria, lại cho rằng số phận của ông Al-Assad nên được người dân Syria quyết định. Người đứng đầu nhóm đối lập này, ông Hassan Abdel Azim nói: “Hiện quốc tế đều nhất trí rằng, vấn đề này cần được quyết định bởi người dân Syria”.
Trên thực tế, lập trường của các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp về số phận của Tổng thống Al-Assad đang có sự thay đổi theo chiều hướng mềm mỏng hơn từ sau vụ IS tấn công đẫm máu tại Paris hồi tháng 11 vừa qua. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng: “Một Syria thống nhất hàm ý một quá trình chuyển giao chính trị. Điều đó không đồng nghĩa với việc ông Al-Assad phải ra đi trước quá trình chuyển giao, nhưng bắt buộc phải có sự bảo đảm về tương lai của Syria”.
Mỹ cũng kêu gọi A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất thuyết phục các nhóm nổi dậy đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền Syria trong một nỗ lực để cô lập các phần tử thánh chiến.
Đó là chưa kể cuộc họp ở Riyadh chưa phải đã đầy đủ các phe nhóm đối lập ở Syria, bởi chỉ những nhóm không bị liệt kê vào danh sách khủng bố mới được phép tham gia. Thành phần được mời tham dự cuộc họp ở Riyadh không bao gồm các nhóm bị coi là khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nusra, tổ chức được cho là chi nhánh của Al Qaeda ở Syria và là một trong những lực lượng mạnh nhất ở nước này. Các nhóm người Cuốc ở Syria vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố cũng không được mời tham dự.
Trong lộ trình chính trị được hoạch định cho Syria tại Vienna, một lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi ở Syria ngay khi chính quyền và các đại diện phe đối lập Syria thực hiện các bước đi đầu tiên để thực hiện quá trình chuyển giao chính trị dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, chưa có gì bảo đảm lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi vì IS và Mặt trận Al-Nusra ưa bạo lực đã bị gạt ra bên ngoài trong kế hoạch này.
Ngay cả trong danh sách khách mời tham dự cuộc đàm phán ở Riyadh, vẫn có một số nhóm đối lập không được sự ủng hộ của Nga và Mỹ như nhóm Ahrar Al-Sham và Jaish Al-Islam, do sự dính líu của nhóm này với Mặt trận Al-Nusra. Iran, một trong những quốc gia có vai trò quan trọng ở Syria, đã cảnh báo rằng, hội nghị của phe đối lập ở Riad sẽ vi phạm tuyên bố của các bên ở Viên về việc đưa ra một danh sách các nhóm đối lập được cả hai bên chấp thuận.
Trong bối cảnh phức tạp ấy, tương lai của Syria vẫn là một ẩn số khó đoán định và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngay cả khi có một lộ trình được vạch sẵn.
Theo Xuân Phong
Quân đội nhân dân