1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tiền đâu để Triều Tiên theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân?

Nằm ở phần phía bắc bán đảo Triều Tiên, cuối Chiến tranh thế giới lần 2, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành 2 vùng, gọi là Bắc và Nam Triều Tiên, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới.

Ngày 26-5-1950, quân đội Triều Tiên phát động một cuộc chiến tranh nhằm mục đích thống nhất đất nước rồi nhanh chóng kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở miền Nam. Phản ứng lại, Liên Hiệp Quốc đã cử một lực lượng - đứng đầu là Mỹ - đến để bảo vệ Nam Triều Tiên.

Khi quân Mỹ đánh bật quân Bắc Triều Tiên tới sát biên giới Trung Quốc thì Giải phóng quân Trung Quốc nhập cuộc. Với khẩu hiệu "kháng Mỹ viện Triều", cuộc chiến kéo dài đến ngày 27-7-1953 mới kết thúc. Bán đảo Triều Tiên lại trở về nguyên trạng, một bên là Triều Tiên, bên kia là Hàn Quốc.

Theo một thống kê chưa đầy đủ của Chương trình phát triển lương thực, nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), dân số Triều Tiên hiện tại là khoảng 25 triệu người, trong đó hơn 1,1 triệu người đang tham gia quân đội, khoảng 830.000 người nằm trong lực lượng dự bị và các tổ chức bán vũ trang. Tạp chí quốc phòng Jane's Defence cho biết Triều Tiên là nước có đội ngũ binh sĩ lớn nhất thế giới nếu tính theo tỉ lệ dân số: Cứ 25 người dân thì có 1 người là lính.

Có thể nói, từ năm 1953 đến nay, Triều Tiên là một quốc gia khép kín. Thế giới bên ngoài hầu như không hề biết về những biến động xảy ra ở vùng đất này ngoại trừ nạn đói, thiên tai lũ lụt và sự thiếu hụt các phương tiện kỹ thuật trong phát triển kinh tế dân sinh. Theo báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới, nạn đói xảy ra ở Triều Tiên bắt đầu từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, và đỉnh cao là năm 1997.

Đến năm 1999, các chương trình viện trợ lương thực và cứu trợ nhân đạo đã giúp chấm dứt số người chết vì đói, nhưng do Triều Tiên tiếp tục chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân nên các khoản viện trợ cũng giảm dần, trong đó đáng kể là vụ Triều Tiên đánh đắm tàu Cheonan, pháo kích đảo Yeonpyeong, dẫn đến việc Hàn Quốc cắt đứt hầu hết viện trợ, thương mại và các chương trình hợp tác song phương, ngoại trừ các hoạt động tại các khu công nghiệp Kaesong.

Công nhân Triều Tiên làm việc tại Khu công nghiệp Kaesong.
Công nhân Triều Tiên làm việc tại Khu công nghiệp Kaesong.

Để nâng cao các tiêu chuẩn chung của đời sống nhân dân, Bình Nhưỡng đã thực hiện nhiều cải cách, trong đó mở ra 20 khu phát triển kinh tế mới vào những năm 2013-2014 và hiện tại là 25 khu nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, do dồn quá nhiều tài lực vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân như một cách để đối phó với Mỹ và các nước họ coi là thù địch nên nền kinh tế của Triều Tiên phải còn khá lâu mới đạt được mức trung bình.

Vậy thì Triều Tiên lấy tiền ở đâu ra để chế tạo bom nguyên tử?

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), công bố giữa năm 2015 thì GDP của Triều Tiên năm 2014 đạt khoảng 33,95 nghìn tỷ won (tương đương 28,5 tỷ USD). Đến tháng 7 vừa qua - vẫn theo BOK, GDP Triều Tiên năm 2015 giảm 1,1% so với năm 2014.

Thu nhập bình quân đầu người là 1,39 triệu won/năm (khoảng 1.223 USD), bằng 4,5% so với người dân Hàn Quốc trong lúc chỉ riêng vụ thử nghiệm bom hạt nhân diễn ra vào ngày 12-2-1013, Bình Nhưỡng đã tốn 1,5 tỉ USD! Các nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho thấy để xây dựng các lò phản ứng, các cơ sở làm giàu Uranium cùng các hạng mục liên quan, Bình Nhưỡng đã bỏ ra từ 2,8 đến 3,2 tỷ USD. Số tiền đủ để mua được 10 triệu tấn gạo.

Còn theo hãng tin Bloomberg, để có tiền chi cho các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng đã tiến hành thực hiện nhiều kế sách, bao gồm từ việc mua bán vũ khí trái phép, buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, thuốc Tây, cộng với một số hoạt động kinh tế công khai như bán bản quyền đánh cá cho Trung Quốc, mở nhà hàng, quán ăn ở một số nước, mở khu công nghiệp Kaesong và xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Nhân viên phục vụ Triều Tiên trong một nhà hàng ở Hà Lan.
Nhân viên phục vụ Triều Tiên trong một nhà hàng ở Hà Lan.

Tháng 8-2009, Liên hiệp các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cho biết họ đã bắt giữ con tàu ANL của Australia, treo cờ Bahamas. Trên tàu có nhiều loại vũ khí như giàn phóng tên lửa, ngòi nổ, chất nổ, lựu đạn và tên lửa đẩy, tất cả đều được chế tạo ở Tiều Tiên, được ngụy trang bằng cách dán nhãn hiệu giả là linh kiện máy móc. Pháp nhân thuê mướn con tàu này là một công ty Triều Tiên, và nó đang trên đường tới Iran.

Tháng 4-2012, Chính phủ Pháp thông báo cho Ủy ban đặc trách theo dõi việc thực thi lệnh cấm vận đối với Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc, rằng họ đã kiểm tra và bắt giữ con tàu M/V San Francisco Bridge, vận chuyển trái phép các vật liệu liên quan đến vũ khí, xuất phát từ Triều Tiên và điểm đến là Syria. Hàng hóa trên tàu được khai báo là "các thanh kim loại đồng và những tấm đồng".

Tuy nhiên, khi kiểm tra, Hải quan Pháp phát hiện những thanh đồng, tấm đồng ấy có thể dùng để sản xuất đạn pháo và ống hợp kim aluminum, dùng để chế tạo vỏ tên lửa. Vẫn theo thông báo, tàu M/V San Francisco Bridge xuất phát từ Triều Tiên, qua Đại Liên, Trung Quốc và cảng Kelang, Malyasia rồi quá cảnh một số cảng khác trước khi cập bến Latakia, Syria. Gần đây nhất - tháng 8-2016, Cơ quan an ninh Trung Quốc đã tiến hành bắt giữ hàng chục người có liên quan đến một vụ buôn bán vũ khí bất hợp pháp với Triều Tiên.

Kỹ thuật viên Triều Tiên điều khiển hệ thống làm giàu Uranium ở Trung tâm hạt nhân Yongbyon.
Kỹ thuật viên Triều Tiên điều khiển hệ thống làm giàu Uranium ở Trung tâm hạt nhân Yongbyon.

Theo hãng thông tấn Yonhap, Cơ quan cảnh sát đông bắc thành phố Đại Liên đã bắt những tên buôn lậu tuổi từ 30 đến 60 và tịch thu nhiều máy tính, tài liệu cũng như tài sản vật chất bao gồm thiết bị điện tử, kim loại quý để sản xuất vũ khí, trị giá hàng triệu nhân dân tệ.

Vụ buôn bán này được điều phối bởi Ủy ban Kinh tế thứ nhì của Triều Tiên - là cơ quan trung tâm của ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng Bình Nhưỡng - chuyên giám sát việc xuất khẩu trái phép các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và vũ khí thông thường của Triều Tiên - hiện đang nằm trong danh sách chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vì đã tham gia vào vụ thử tên lửa hạt nhân hồi đầu năm 2016.

Những khách hàng vũ khí thường xuyên của Triều Tiên là một số quốc gia ở Trung Đông và châu Phi. Trước đây, mặt hàng mua bán chủ yếu là tên lửa tầm ngắn và tầm trung, trong đó từ thập niên 80 thế kỷ trước, Triều Tiên là bạn hàng thường xuyên cung cấp vũ khí cho Iran. Trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, hãng tin tài chính Bloomberg ước tính Bình Nhưỡng đã kiếm được 4 tỷ USD. Khi Saddam Hussein còn nắm quyền ở Iraq, trong năm 2001, Triều Tiên thu về 556 triệu USD từ việc bán tên lửa - coi như "ăn cả hai đầu Iran - Iraq".

Vẫn theo Boomberg, mối quan hệ với Iran được Triều Tiên nâng cấp thành hợp tác quân sự, bao gồm phát triển và chuyển giao công nghệ hạt nhân. Tiếp theo, Triều Tiên mở rộng quan hệ sang Syria, cung cấp cho Syria một lò phản ứng hạt nhân (sau này bị Israel dội bom phá hủy).

Trước đó, năm 2009, Thái Lan chặn một máy bay từ Bình Nhưỡng chở 35 tấn vũ khí bao gồm các tên lửa đất đối không, hướng đến Iran. Cuối năm 2012, hải quan cảng Busan, Hàn Quốc chặn một chuyến tàu Triều Tiên chở hơn 400 xilanh than chì có thể dùng trong sản xuất tên lửa đạn đạo, dự định chuyển tới Syria.

Thế nhưng, những năm gần đây, bên cạnh việc mua bán bắt đầu trở nên khó khăn vì lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc thì một số quốc gia không còn mặn mà lắm với những vũ khí do Triều Tiên chế tạo bởi lẽ nó được sao chép từ những công nghệ thời Liên bang Xô Viết mà đến nay, đã trở nên lạc hậu, cụ thể như loại xe tăng PT85 Sinhung, được sao chép từ chiếc PT76 của Liên Xô, hay như xe tăng P'okp'ung-ho và Ch'onma-ho, là bản sao của T62 và T72.

Một cỗ máy kiếm tiền khác cho ngành công nghiệp hạt nhân Triều Tiên là tiền lương của các công nhân làm việc ở khu công nghiệp Kaesong và xuất khẩu lao động. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, khu Kaesong mang lại cho Triều Tiên 616 tỷ won (516 triệu USD) kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động hồi năm 2004.

Với 54.000 lao động người Triều Tiên, tiền lương bình quân 120USD/tháng nhưng họ không được lĩnh trực tiếp. Ông Jeong Joon Hee, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết 120 công ty Hàn Quốc thanh toán tiền lương bằng USD nhưng Bình Nhưỡng đã quy đổi sang đồng won rồi phát lại cho công nhân. Điều đáng nói là việc quy đổi dựa trên tỉ giá do Bình Nhưỡng quy định.

Từ giữa thập niên 2000, Triều Tiên tăng cường gửi công nhân ra nước ngoài làm việc nhằm thu ngoại tệ. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết hiện có khoảng 50.000 người Triều Tiên đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như phục vụ nhà hàng ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, xây dựng ở Nga và Trung Đông. Năm 2015, lực lượng này đã gửi về nước khoảng 1,3 tỉ USD. Và cũng như những công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Kaesong, tiền USD được quy đổi sang đồng won trước khi chuyển cho gia đình của những công nhân này.

Trước sự việc trên, Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia trong cộng đồng chung châu Âu EU cho rằng người Triều Tiên lao động ở nước ngoài chủ yếu có nhiệm vụ kiếm ngoại tệ về cho Bình Nhưỡng.

Vì thế, hồi tháng 8-2016, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các nước đang có lao động Triều Tiên làm việc, nên tiến hành các biện pháp cắt giảm nhằm siết chặt nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng. Yêu cầu này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Washington liệt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào danh sách trừng phạt với cáo buộc ông Kim vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Phản ứng dữ dội trước cáo buộc ấy, Bình Nhưỡng gọi quyết định của Mỹ là hành động gây chiến và dọa sẽ đáp trả mạnh tay. Người phát ngôn Vụ Đông Á -Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ là Gabrielle Price cho biết, đề nghị cắt giảm lao động Triều Tiên căn cứ theo Sắc lệnh hành chính số 13722 mà Tổng thống Barack Obama ký vào tháng 3 vừa qua, về việc Mỹ có thể áp đặt trừng phạt với những đối tượng có liên quan tới việc xuất khẩu lao động Triều Tiên.

Cho đến nay, vẫn chưa có một dấu hiệu gì chứng tỏ Bình Nhưỡng sẽ hạ nhiệt trong việc chế tạo và thử nghiệm bom nguyên tử - nhất là mới đây, họ tuyên bố sẽ tiếp tục thử đầu đạn hạt nhân thứ 6 - mặc cho mọi biện pháp bao vây, cấm vận, trừng phạt. Đứng về một phương diện nào đó, vũ khí hạt nhân là biện pháp tự vệ cuối cùng của họ, chống lại sự thù địch của nước ngoài bởi nếu xét về tương quan lực lượng, ngoài việc có hơn 1, 1 triệu quân, còn trang bị kỹ thuật, vũ khí, hậu cần của Triều Tiên đều kém xa người anh em Hàn Quốc chứ nói gì đến Mỹ…

Vì thế, chuyện buộc Bình Nhưỡng phải tuân thủ và chấm dứt sản xuất bom nguyên tử theo Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân chắc sẽ còn nhùng nhằng dài dài…

Theo Cao Trí (dịch từ History - North Korea & Nuclear Bombs)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm