1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiền chảy vào Triều Tiên như thế nào khi cấm vận bủa vây?

(Dân trí) - Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, Triều Tiên vẫn có nguồn thu lớn từ nước ngoài để phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân, nhờ các công ty vỏ bọc và trung gian ở nước ngoài, cùng sự che chở của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, suốt nhiều thập niên, Triều Tiên đã xây dựng được một mạng lưới các công ty và trung gian ở nước ngoài, để chuyển tiền vào, ra khỏi đất nước, qua mặt các lệnh trừng phạt quốc tế. Hồ sơ của tòa án, các cuộc phỏng vấn với các điều tra viên, ngân hàng và cơ quan công tố đã cho thấy gốc rễ của những mạng lưới như vậy tại Trung Quốc.

Tàu hàng Triều Tiên bị bắt tại Panama với nhiều vũ khí quân sự được giấu kín. (Ảnh: AP)
Tàu hàng Triều Tiên bị bắt tại Panama với nhiều vũ khí quân sự được giấu kín. (Ảnh: AP)

“Các yếu tố sự gần gũi về địa lý, doanh số thương mại khổng lồ, các mối liên lạc và quan hệ lâu đời đều góp phần khiến Trung Quốc trở thành tâm điểm cho bất kỳ sáng kiến nào của Triều Tiên trong lẩn tránh các lệnh trừng phạt tài chính quốc tế”, William Newcomb, một cựu thành viên ban chuyên gia hỗ trợ cho ủy ban các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc khẳng định. “Trung Quốc là một mảnh ghép rất quan trọng để đảm bảo những sự ngăn chặn đó thực sự hiệu quả”.

Triều Tiên dựa chủ yếu vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, để có được thực phẩm, vũ khí và năng lượng. Hai nước vẫn miêu tả mối quan hệ giữa họ là “tình hữu nghị được xây dựng bằng máu” trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, với Mỹ là kẻ thù chung.

Trung Quốc từng chỉ trích Triều Tiên vì những hành động khiêu khích, nhưng lâu nay vẫn phản đối các lệnh trừng phạt hà khắc, vốn có thể khiến chính quyền Bình Nhưỡng suy yếu và sụp đổ. Hệ quả của việc này sẽ là làn sóng người tị nạn tràn vào Trung Quốc.

Kim Kwang Jin, một cựu lãnh đạo chi nhánh tại Singapore của ngân hàng Đông Bắc Á của Triều Tiên trước khi đào tẩu năm 2003, cho biết khoảng 70 - 80% nguồn thu từ nước ngoài của Triều Tiên trước đây đến từ Trung Quốc. “Kim ngạch thương mại khổng lồ đó có nghĩa là có nhiều người tại Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với chính quyền Bình Nhưỡng”, ông Kim trả lời phỏng vấn từ Seoul.

Nhưng những năm gần đây, Trung Quốc cũng không còn ngó lơ cho những hoạt động phi pháp của Triều Tiên, cựu quan chức Bộ ngoại giao Mỹ Richard Nephew cho biết. “Khoảng 10 - 15 năm gần đây, họ thực sự quan tâm đến việc ngăn chặn một số hành vi xấu”.

Dùng người nước ngoài đứng tên tài khoản

Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát khiến Triều Tiên giờ dựa nhiều hơn vào những mối quan hệ đã tạo dựng được để làm ăn ở nước ngoài, kéo theo nguy cơ tài tiền trong các tài khoản ở nước ngoài của họ có thể bị phong tỏa. Để đối phó với việc này, Bình Nhưỡng sử dụng một loạt tài khoản ngân hàng đứng tên người trung gian, và họ sẽ chuyển tiền khi được yêu cầu.

Ông Tan Cheng Hoe và công ty Chinpo Shipping đã giúp Triều Tiên chuyển hàng chục triệu USD trong nhiều năm. (Ảnh: The New Paper)
Ông Tan Cheng Hoe và công ty Chinpo Shipping đã giúp Triều Tiên chuyển hàng chục triệu USD trong nhiều năm. (Ảnh: The New Paper)

Một ví dụ về cơ chế hoạt động của những trung gian như vậy có thể thấy được từ vụ công ty vận tải biển, Chinpo Shipping Company Ltd. Công ty này được thành lập tại Singapore bởi một cụ ông 82 tuổi có tên Tan Cheng Hoe. Suốt nhiều năm, Chinpo Shipping đã giúp chuyển tiền cho Triều Tiên, hồ sơ của tòa án cho biết.

Vai trò của Chinpo Shipping chỉ được đưa ra ánh sáng sau vụ một tàu hàng Triều Tiên có tên Chong Chon Gang bị bắt tại Panama tháng 7/2013. Khi đó trên tàu chở 200.000 bao tải đường, nhưng bên dưới là các chiến đấu cơ MiG-27 đã được tháo rời, cùng các hệ thống radar thời Liên Xô cũ và đạn dược.

Cơ quan điều tra còn tìm thấy hồ sơ ghi rõ các giao dịch chuyển 72.017 USD từ Chinpo cho C. B. Fenton & Co, một đại lý vận tải biển của Panama để trả chi phí đi qua kênh đào Panama.

Vụ bắt giữ đã mở màn cho cuộc điều tra quốc tế kéo dài 2 năm, trước khi Singapore khởi tố công ty Chinpo. Tháng trước, công ty này đã phải nộp phạt 128.000 USD vì vi phạm các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, cũng như chuyển tiền trái phép.

Phần nổi của tảng băng

Trong giai đoạn 2009 - 2013, Triều Tiên đã dùng Chinpo Shipping để chuyển hơn 40 triệu USD thông qua hệ thống tài chính toàn cầu, thậm chí cả sau khi các ngân hàng châu Á khác đã phong tỏa tài khoản của Chinpo vì những giao dịch đáng ngờ.

“Đó giống như thể tài khoản ngân hàng để họ thực hiện những chi tiêu toàn cầu”, Sandy Baggett, phó công tố viên Singapore phụ trách điều tra Chinpo Shipping cho biết.

Để đối phó với sự kiểm tra của giới chức Mỹ, ông Tan cố ý không điền tên con tàu vào giấy đề nghị chuyển tiền. Tại tòa, người này khai rằng ngân hàng Bank of China đã mách nước cho công ty mình. Về phần mình, ngân hàng Trung Quốc này phủ nhận việc biết các khoản tiền có liên quan đến Bình Nhưỡng.

Hồ sơ của tòa cho thấy Bank of China là ngân hàng duy nhất xử lý các giao dịch với Triều Tiên của Chinpo Shipping. Công ty này được thông báo rằng các khoản tiền chuyển về là tiền khách hàng thanh toán cho việc thuê tàu của Triều Tiên chở hàng. Số tiền đôi khi lên tới 500.000 USD, lớn hơn rất nhiều mức phí vận chuyển đường biển thường thấy.

Bà Baggett cho biết, mỗi năm một lần, một phụ nữ với hộ chiếu ngoại giao sẽ xuất hiện và đề nghị Chinpo Shipping rút tiền mặt, với số tiền có thể lên tới 500.000 USD.

“Bà ấy từng bị chặn lại khi chuẩn bị rời Singapore đến Trung Quốc với số tiền không được khai báo”, Baggett tiết lộ. “Giải thích của bà ta khi đó là bà cần số tiền mặt để trả lương cho thủy thủ đoàn trên một số tàu của Triều Tiên tại Trung Quốc. Nhưng khó mà biết được liệu số tiền có thực sự đi đâu”.

Newcomb, cựu điều tra viên của Liên Hợp Quốc, cho biết một lượng lớn tiền của Triều Tiên được cất giữ ở nước ngoài. Tiền thu từ bán hàng hóa, dịch vụ cũng được cất giữ trong các tài khoản nước ngoài này, để có thể chi lương cho các nhà ngoại giao và quan chức hoạt động ở nước ngoài, và mua thiết bị, nhu yếu phẩm. Khi cần chuyển tiền về Triều Tiên họ sẽ mang tiền mặt qua biên giới.

Triều Tiên gần đây cũng mở rộng quan hệ với Nga, đặc biệt sau khi chuyển sang thực hiện các giao dịch bằng đồng rúp từ năm 2014, sau khi Mátxcơva xóa 90% khoản nợ 11 tỷ USD, Ludmila Zakharova, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Viễn Đông, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga cho biết.

“Nga tuân thủ đầy đủ các lệnh trừng phạt”, bà Zakharova cho biết, nhưng khẳng định việc chuyển sang dùng đồng rúp đã giúp “các giao dịch thương mại tránh được cơ chế trừng phạt”.

Kể từ tháng 10/2014, các giao dịch được chuyển qua một ngân hàng nhỏ có tên Regional Bank For Development, trước khi giấy phép hoạt động của ngân hàng này bị thu hồi năm 2015 trong một cuộc rà soát toàn quốc các ngân hàng Nga.

Thanh Tùng

Theo Bloomberg