Thuyền vỏ chai nhựa vượt đại dương từ “tâm bão” xung đột Gaza
(Dân trí) - Khốn đốn vì sinh kế tại khu vực Dải Gaza, nơi liên tiếp xảy ra mâu thuẫn và xung đột, một ngư dân Palestine buộc phải kết chai nhựa thành thuyền vượt đại dương đánh bắt cá với hy vọng có thể duy trì nguồn sống trong gia đình.
Với hàng trăm chai nhựa nhặt từ bờ biển Rafah ở miền nam Dải Gaza, ngư dân người Palestine Muath Abu Zeid đã biến chúng trở thành công cụ kiếm kế sinh nhai.
Người cha 4 con này sử dụng keo, lưới đánh cá cũ và ván gỗ làm nên một con thuyền bằng vỏ chai nhựa với hy vọng anh có thể kiếm cơm nuôi con cái. Đơn giản nhưng hiệu quả, con thuyền làm từ 700 vỏ chai của Zeid có thể chở tới 8 người đi ra biển.
Mỗi chuyến đi biển, Zeid thường ra xa bờ khoảng vài trăm m, khoảng cách đủ xa để anh có thể bắt cá. Trong khoảng 8h đồng hồ, anh sẽ kéo lên được từ 5-7 kg cá mòi, cá đối và những con cá nhỏ khác.
Sau đó, ngư dân này sẽ đem bán số cá bắt được và kiếm về từ 5-11 USD mỗi ngày tùy vào lượng cá bắt được. Hai em trai của Zeid, Mohammed, 23 tuổi, và Ashraf, 20 tuổi hỗ trợ anh trai trong công cuộc đánh cá mỗi ngày. Họ không thể kiếm một công việc nào khác.
“Tôi là một thợ sơn nhà nhưng do tình hình quá khó khăn nên tôi không có việc làm. Vì thế nên con thuyền này là sinh kế của tôi và cả gia đình tôi”, Zeid nói.
Cận cảnh con thuyền kết từ chai nhựa (Ảnh: AFP)
Dưới sự cô lập của Israel trong hơn 10 năm qua, Dải Gaza đã và đang hứng chịu hàng loạt những khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây là 44%, trong đó con số này chỉ tính riêng trong nhóm thanh niên lên tới 60%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017.
Tình trạng thiếu điện thu vực duyên hải Dải Gaza đã khiến nước thải không con đường nào khác bị đẩy thẳng ra biển, khiến cho đường bờ biển dài 40km tại đây bị ô nhiễm nặng nề.
Rất nhiều người sinh sống ở Dải Gaza phải dựa vào hoạt động đánh bắt cá để sinh tồn, dù Israel cũng đã quy định một vùng đắt bắt cá giới hạn.
Zeid đã nảy ra ý tưởng làm thuyền từ trang web xem video lớn nhất thế giới Youtube. “Tôi đánh giá cao ý tưởng đó và tôi nói với bản thân mình rằng tại sao không vừa bảo vệ môi trường và tạo ra nguồn sống cho gia đình mình”, Zeid chia sẻ.
Mong ước của anh hiện giờ là có thể mua một chiếc lưới đánh cá tốt hơn để anh có thể bắt được thêm nhiều cá và có cuộc sống dễ chịu hơn.
Dải Gaza là một dải đất hẹp ở ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ với Ai Cập ở phía tây nam và Israel ở phía bắc và phía đông, và về mặt pháp lý không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Xung đột trên vùng đất này chủ yếu diễn ra giữa Israel và tổ chức vũ trang Hồi giáo người Palestine ở dải Gaza, nhóm Hamas.
Đức Hoàng
Theo SCMP