Chính sách “miệng hố chiến tranh” đầy nguy hiểm giữa Israel và Gaza
Israel và Dải Gaza dường như đang áp dụng chính sách miệng hố chiến tranh đầy mạo hiểm với nhau để buộc bên còn lại phải nhượng bộ trước.
Israel và Dải Gaza liên tục rơi vào tình trạng “đấu súng” và ngừng bắn luân phiên nhau. Sự bất ổn này - tồi tệ nhất trong 4 năm qua - không phải là điều bất ngờ, khi mỗi bên dấn thêm một bước tới chiến tranh với hy vọng sự khiêu khích của mình sẽ khiến cho bên kia phải lùi bước trước.
Đây là một hình thức cổ điển của chính sách “miệng hố chiến tranh”. Sử dụng chiến lược này cũng là một nước cờ đầy mạo hiểm, bởi nó có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát của cả 2 phía một cách không mong muốn.
Vòng xoáy bạo lực giữa Israel và Dải Gaza gia tăng kể từ cuộc biểu tình quy mô lớn hồi tháng 3 của người Palestine khiến 157 người ở Gaza thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Hỏa lực được triển khai ở cả 2 phía và dần dần leo thang trong khi các thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ ngày càng nhanh chóng, từ lệnh ngừng bắn tuyên bố ngày 30/5 tới lệnh ngừng bắn ngày 14/7 và 21/7.
Những cuộc giao tranh về cơ bản giống như những động thái mặc cả của Israel và Gaza về những điều khoản trong quan hệ giữa 2 bên. Tuy nhiên, yêu cầu liên quan đến an ninh quân sự, hoạt động kinh tế và trao đổi tù nhân của bên này dường như lại là không thể chấp nhận đối với phía bên kia. Do đó cả 2 bên đều đang hy vọng chính sách "miệng hố chiến tranh" sẽ buộc bên còn lại phải nhượng bộ.
Chính sách "miệng hố chiến tranh" là một chiến lược có sức tác động lớn nhưng cũng đầy rủi ro, mạo hiểm. Mỹ đã sử dụng thành công chính sách này với Liên Xô trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba 1962. Tổng thống John F. Kennedy đã tránh được một cuộc chiến tranh hạt nhân bằng cách ra lệnh “cách ly” Cuba và đáp trả một cách thận trọng với những yêu cầu của nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó Nikita Khrushchev. Hai bên đạt một thỏa thuận chuyển các tên lửa Liên Xô khỏi Cuba nhưng điều đó chỉ được thực hiện sau khi Liên Xô bắn hạ một máy bay do thám của Mỹ và các lực lượng Mỹ đặt trong trạng thái DEFCON 2 - một cảnh báo nhà nước có nghĩa là chiến tranh đã cận kề.
Một ví dụ khác nhưng không được thành công lắm về chính sách "miệng hố chiến tranh" là cuộc đấu tranh củaa liên đoàn kiểm soát không lưu Mỹ năm 1981. Khi đó, cả liên đoàn kiểm soát không lưu Mỹ và Tổng thống Ronald Reagan đều không chịu lùi bước. Hơn 11.000 nhân viên kiểm soát không lưu đã mất việc làm, khiến các chuyến bay bị ngắt quãng nhiều tháng.
Tình hình Israel-Gaza, cũng giống như 2 ví dụ ở trên, với 3 đặc trưng.
Thứ nhất, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận sau cùng, họ sẽ phải hứng chịu một thảm họa mà cả 2 bên đều muốn tránh.
Không ai dù chính phủ của Thủ tướng Israel Netanyahu hay phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza muốn lặp lại cuộc chiến rocket năm 2014. Một cuộc chiến tranh có thể khiến Israel tốn hàng tỷ USD chi phí quân sự và thiệt hại kinh tế. Về phía Gaza, các vụ tấn công trên không và trên mặt đất của Israel chắc chắn sẽ tàn phá các cơ sở hạ tầng vốn đã yếu kém của Gaza và phong trào Hamas có thể sẽ khó tiếp tục nắm quyền kiểm soát dải đất này.
Thứ hai, cả 2 bên đang cố tình bước gần thêm tới một thảm họa. Mỗi bên tuyên bố quyết tâm của mình và sẵn sàng tới gần ranh giới của thảm họa. Cả 2 đều hy vọng sự đe dọa lẫn nhau sẽ khiến bên còn lại lùi bước trước.
Sự leo thang hỏa lực giữa Israel và Gaza đẩy tình hình ngày càng lên mức cao mới. Từ tháng 4/2018, các phiến quân ở Gaza đã bắt đầu sử dụng diều lửa để đốt cháy các cánh đồng và rừng của Israel. Tháng 5, ước tính có 188 quả rocket và đạn cối từ phía Gaza nã vào lãnh thổ Israel, đánh dấu chuỗi tấn công đáng kể đầu tiên kể từ năm 2014.
Những vụ tấn công bằng diều lửa và bóng lửa lại tiếp diễn trong tháng 6. Tình hình leo thang căng thẳng hơn trong tháng 7 khi chỉ trong vòng 1 ngày, có tới 200 quả rocket bắn từ phía Gaza sang Israel. Tháng 7 cũng ghi nhận binh sỹ Israel đầu tiên bị thiệt mạng trong vòng 4 năm qua.
Israel cũng “trả miếng” căng thẳng. Quân đội Israel sử dụng máy bay không người lái để đối phó với các vụ tấn công bằng diều lửa. Nếu như trong tháng 6, phía Israel chỉ bắn cảnh cáo gần các nhóm thả diều lửa, thì đến tháng 7, Israel bắt đầu nhắm trực tiếp vào nhóm người thả diều lửa và đã gây thương vong. Các cuộc không kích, ban đầu chỉ được sử dụng để đáp trả các vụ tấn công bằng rocket, sau đó đã được sử dụng để đáp trả các vụ tấn công bằng diều lửa.
Khẩu chiến từ cả 2 phía cũng gia tăng tương ứng. Tuần trước, phong trào Hamas tuyên bố lực lượng của mình đang trong tình trạng “cảnh báo cao nhất”. Trong khi đó, một Bộ trưởng của Israel nói rằng nước này đang tiến một “bước lớn” tới việc tiến hành một chiến dịch quân sự.
Thứ 3, tình hình ngày càng trở nên mất kiểm soát. Có thể cả 2 bên đều muốn chấm dứt thảm họa hiện nay, nhưng tình hình không những không hạ nhiệt mà còn ngày càng gia tăng và cả Israel và Gaza dường như sắp trượt chân xuống vực thẳm.
Điều này có thể đã xảy ra ở Gaza. Khi Hamas điều hành dải Gaza họ có ảnh hưởng hạn chế đối với nhóm Hồi giáo Jihad cũng như các nhóm vũ trang khác. Nhóm Hồi giáo Jihad được cho là đã khơi mào chuỗi rocket hồi tháng 5 nhằm vào Israel. Lệnh ngừng bắn 21/7 đã sụp đổ chỉ 4 ngày sau đó khi một binh sỹ Israel khác bị thương trong vụ giao tranh có liên quan tới nhóm Jihad. Ngay sau đó, nhóm Hồi giáo Jihad đã đơn phương tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn kết thúc và có thêm 9 quả rocket được bắn từ Gaza vào Israel.
Israel có thể cũng sa chân. Những tuyên bố như lời kêu gọi của Bộ trưởng Israel về một chiến dịch quân sự có thể chỉ là sự giả bộ. Nhưng nó sẽ trở nên khó khăn hơn khi họ muốn rút chân lại sau đó.
Mọi thứ có thể sẽ ngày càng leo thang bởi sự “ăn miếng trả miếng”. Sau khi binh sỹ thứ 2 của Israel bị bắn, xe tăng và máy bay của Israel đã nhanh chóng tấn công các cơ sở của Hamas và khiến 3 người Palestine thiệt mạng. Các nhóm vũ trang ở Gaza lại đáp trả bằng cách bắn 9 quả rocket vào Israel. Và Israel lại “trả miếng” bằng 7 cuộc không kích.
Israel và Gaza có thể chưa rút chân khỏi bờ vực. Sự bất ổn bạo lực dường như vẫn tiếp diễn, khiến 2 bên chỉ còn cách chiến tranh 1 lằn ranh mỏng manh.
Theo Thùy Linh
VOV