1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủy thủ Hà Lan không nghỉ việc khi Su-24M sượt qua đầu

Ngày 16/5, khi làm nhiệm vụ trên biển Baltic, tàu Hà Lan đã bị 2 chiếc Su-24M bay sượt qua. Tuy nhiên, thủy thủ trên tàu không cảm thấy bị đe dọa.

Nga không liều lĩnh

Thông tin này được Tạp chí Business Insider dẫn nguồn tin từ Hải quân Hà Lan cho biết, tại thời điểm xảy ra vụ việc 2 chiếc Su-24M của Nga bay chỉ cách tàu chiến Evertsen của Hà Lan khoảng 200m. Trước thông tin đó, Nga vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào.

Phát biểu sau vụ việc, một đại diện trên chiếc tàu của Hà Lan cho rằng, hai chiếc Su-24M của Nga không phải là một mối đe dọa với họ. Theo vị đại diện này, trong thực tế nếu xảy ra một cuộc tấn công, chiến đấu cơ Nga sẽ phóng tên lửa từ xa chứ không liều lĩnh áp sát tàu Evertsen như vậy.

Ngoài ra, trong tình huống áp sát tàu chiến Hà Lan, các máy bay Nga chỉ mang theo bình nhiên liệu phụ chứ không thấy vũ khí. Thái độ bình tĩnh của các thủy thủ trên tàu chiến Hà Lan hoàn toàn trái ngược tình huống tương tự với tàu USS Donald Cook của Mỹ trên Biển Đen ngày 12/4/2014.

Chiến đấu cơ Nga áp sát tàu Hà Lan.
Chiến đấu cơ Nga áp sát tàu Hà Lan.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Hải quân Mỹ cho biết, vụ việc chiếc Su-24M của Nga nhiều lần bay qua, bay lại trên đầu chiếc khu trục hạm DDG-75 USS Donald Cook của Mỹ hóa ra còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn người ta tưởng.

Sau sự kiện này, các thành viên thủy thủ đoàn đã phải gặp nhà tâm lý học sau khi bị căng thẳng tâm lý vì những hành động nguy hiểm của chiếc Su-24M.

Sau đó, 27 thuyền viên của tàu khu trục nộp đơn từ chức hoặc xin thôi việc. Bình luận về hành động này, họ nói rằng không có ý định mạo hiểm với tính mạng của mình.

Động thái quen thuộc

Ngay trước khi diễn ra tình huống áp sát tàu Hà Lan, hôm 9/5, Nga cũng đã cho tiêm kích Su-30 xuất kích ngăn chặn máy bay do thám và buộc chiếc P-8A Poseidon của Mỹ phải đổi hướng trên Biển Đen.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tiêm kích Su-30 đã thực hiện động tác bay "chào đón" các phi công Mỹ và sau đó, máy bay trinh sát Mỹ đã đổi hướng bay, rời xa biên giới Nga. "Chiếc Su-30 sau đó cũng trở về căn cứ an toàn", thông báo nêu rõ.

Trước đó, hãng NBC News dẫn thông báo từ Đại úy Pamela Kunze, phát ngôn viên của Hải quân Mỹ tại châu Âu cho hay, một tiêm kích Su-27 của Nga đã áp sát ở khoảng cách 6m với máy bay do thám P-8A Poseidon khi chiếc phi cơ này đang tiến hành hoạt động tuần tra định kì trên vùng biển quốc tế ở Biển Đen vào hôm 9/5.

Theo Đại úy Kunze, khoảng cách 20 feet (gần 7m) giữa hai máy bay là nguy hiểm, nhưng không phải là thông số duy nhất để đánh giá những rủi ro có thể xảy ra.

"Máy bay và tàu chiến của Hải quân Mỹ thường xuyên đối mặt các tàu và máy bay Nga trong các vùng biển quốc tế. Phần lớn các vụ tương tác diễn ra an toàn và chuyên nghiệp", Đại úy Pamela Kunze khẳng định.

NBC News cũng lưu ý rằng, trước đây, sau mỗi trường hợp tiếp cận như vậy, quân đội Mỹ thường đổ lỗi cho các phi công Nga là thiếu năng lực ngay cả khi khoảng cách giữa hai máy bay lớn hơn nhiều.

Vị phát ngôn Hải quân Mỹ ở châu Âu giải thích rằng, khi cân nhắc sự việc có an toàn hay không, Mỹ thường tính đến nhiều yếu tố như tốc độ, độ cao, tầm nhìn của phi công và nhiều vấn đề khác.

Clip 2 chiếc Su-24M áp sát chiến hạm Hà Lan hôm 16/5:

Theo Tuấn Vũ

Đất Việt