1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủy quân lục chiến Trung Quốc lần đầu tập trận tại Sa mạc Gobi

(Dân trí) - Lực lượng Thủy quân lục chiến của Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận tại Sa mạc Gobi ở tỉnh Tân Cương.

 

Quân đội Trung Quốc tập trận tại Sa mạc Gobi. (Ảnh: ChinaDaily)
Quân đội Trung Quốc tập trận tại Sa mạc Gobi. (Ảnh: ChinaDaily)

Trang mạng China Military Online ngày 26/1 đưa tin một tiểu đoàn, gồm các đơn vị lính thủy quân lục chiến, xe bọc thép và pháo binh đã tham gia vào một cuộc "tập trận đánh trực diện" và một cuộc tập trận với các nội dung chống khủng bố trong hai ngày 22-23/1.

Theo trang mạng trên, trong cuộc tập trận "đánh trực diện" giữa các đơn vị thủy quân lục chiến với "một đơn vị bộ binh khác của Lục quân Trung Quốc", lực lượng thủy quân lục chiến đã giành chiến thắng "nhờ sự cơ động và vũ khí mạnh hơn".

Trong khi đó, cuộc tập trận chống khủng bố với nội dung giải cứu con tin, trong đó gồm các nội dung như theo dõi đối tượng, tấn công nhóm khủng bố và sơ tán con tin khỏi khu vực.

Theo đánh giá của Hải quân Trung Quốc, cuộc tập trận chống khủng bố có vai trò đặc biệt quan trọng sau khi một công dân Trung Quốc bị nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết hồi tháng 11 năm ngoái.

Nạn nhân Fan Jinghui bị giữ làm con tin trong nhiều tháng trước khi IS công bố đòi khoản tiền chuộc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng khẳng định nước này "đã làm tất cả các biện pháp có thể" để giải cứu Fan Jinghui song bất thành. Vài ngày sau đó, có thêm các công dân Trung Quốc thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố bắt giữ con tin ở thành phố Bamako tại Mali.

Những vụ bắt giữ con tin nêu trên đặt ra yêu cầu với quân đội Trung Quốc về việc thành lập các đơn vị đặc nhiệm có khả năng thực hiện nhanh những sứ mệnh giải cứu con tin ở nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Theo đánh giá của trang mạng The Diplomat, khó có khả năng Trung Quốc đưa quân tới can dự tại Syria như Nga hay Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể thực hiện các sứ mệnh quy mô nhỏ để bảo vệ sự an toàn của công dân hoặc các lợi ích của nước này.

Trên thực tế, đạo luật chống khủng bố mới của Trung Quốc đã hỗ trợ cơ chế pháp lý để các đơn vị của quân đội nước này tham gia những chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài. Điều Trung Quốc còn thiếu giờ đây là năng lực để thực hiện những sứ mệnh ở cách xa biên giới nước này hàng nghìn km.

Một căn cứ quân sự mới được xây dựng ở Djibouti, đất nước nằm ở khu vực Sừng châu Phi, có thể hỗ trợ cho các chiến dịch như trên. Theo đánh giá của hãng tin Reuters, cuộc tập trận ở Tân Cương là một bước tiến mới cho lực lượng thủy quân lục chiến, cũng như là một tín hiệu cho thấy "Trung Quốc đang mãi dũa các đơn vị thành một lực lượng tinh nhuệ đủ khả năng triển khai tới các khu vực cách xa nước này".

Ngọc Anh

Theo Diplomat