1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thượng đỉnh Trung - Mỹ: Nhiều vấn đề, ít giải pháp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm chính thức Hoa Kỳ - một sự kiện được hai phía chuẩn bị rất kỹ lưỡng.


Ông Tập Cận Bình và Phu nhân xuống sân bay. (Ảnh: Seattle Times)

 

Ông Tập Cận Bình và Phu nhân xuống sân bay. (Ảnh: Seattle Times)

 

Kể từ cuộc gặp không chính thức tháng 6/2013 tại Sunnyland, bang California (Mỹ), quan chức Trung Quốc đã bỏ ra không ít công sức để làm rõ nội hàm "quan hệ nước lớn kiểu mới". Với quan hệ này, Trung Quốc muốn ràng buộc Mỹ vào những lợi ích và hiểu biết chung, làm cho quan hệ Trung - Mỹ có thể dự đoán được, từ đó Trung Quốc thực hiện đại trị ở bên trong và mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Thượng đỉnh Washington lần này sẽ cho thấy rõ thêm Mỹ sẽ tiếp cận nội dung này như thế nào. Đây là vấn đề chiến lược đối với Trung Quốc nhưng là chiến thuật đối với Mỹ.

Nền kinh tế Trung Quốc đang có vấn đề. Không phải là sẽ sụp đổ hay "hạ cánh cứng" như một số giới phân tích quốc tế cường điệu. Nhưng thời kỳ tăng trưởng cao đã kết thúc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào "thường thái mới" với tăng trưởng thấp, thậm chí theo một số dự báo, tới năm 2016 sẽ chỉ ở mức 6,3%. Đó vẫn là một tỷ lệ tăng trưởng cao so với thế giới, nhưng là một thách thức lớn cho ổn định xã hội Trung Quốc, khi mỗi phần trăm tăng trưởng mang lại nhiều triệu việc làm. Mặt khác, Trung Quốc phải tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, có thể đẩy ra đường hàng chục vạn lao động.

Trước tình hình đó, các nhà hoạch định chính sách thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong phiên họp gần đây đã viện dẫn đà tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc và viễn cảnh Ngân hàng Trung ương nước này có thể tiếp tục hạ giá đồng Nhân dân tệ như nguyên cớ để FED quyết định tiếp tục không tăng lãi suất ở Mỹ.

Giới phân tích đa phần cho rằng, mặc dù có ít cơ sở để hy vọng, nhưng nếu hai bên ký kết được Hiệp định đầu tư song phương (BIT) thì đó sẽ là kết quả lớn nhất về mặt kinh tế của cuộc gặp thượng đỉnh Washington. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ thúc giục Chính quyền Obama thúc đẩy ký kết BIT để có môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động kinh doanh trong tình hình chính sách kinh tế Trung Quốc đang có những điều chỉnh quan trọng, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và hạn chế hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài.

An ninh mạng là vấn đề quan tâm hàng đầu của phía Mỹ trong chuyến thăm này, như tuyên bố hồi đầu tuần qua của Tổng thống Obama. Phía Mỹ ngày càng quan ngại về các hoạt động "gián điệp mạng", bao gồm đánh cắp trên quy mô lớn các tài sản sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại... Theo một số nguồn tin, ngày 11/9 vừa rồi, nhân chuyến thăm Washington của ông Mạnh Kiến Trụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp và đặc phái viên của Chủ tịch nước Trung Quốc, một thỏa thuận sơ bộ được ký kết, nhằm ngăn chặn các vụ tấn công mạng nhằm vào nhà máy điện, mạng lưới di động và bệnh viện.

Nhưng dự kiến sẽ ít có đột phá trong một lĩnh vực cực kỳ phức tạp và nhạy cảm này, khi những phản ứng của bên này có thể dẫn tới các đòn trả đũa của bên kia. Trong khi tiếp tục tạo sức ép đối với Trung Quốc, thì vẫn phải "yêu nhau rào giậu cho kín".

Biển Đông là nội dung phía Mỹ quan tâm. Trước thềm Thượng đỉnh, hai nhân vật quan trọng của chính quyền Mỹ đã lên tiếng về vấn đề này: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo đá; kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt ngay các hoạt động trên. Cố vấn An ninh quốc gia cho biết Mỹ sẽ nhấn mạnh đến việc duy trì tự do hàng hải và giao thương qua các tuyến đường biển nhộn nhịp tại các khu vực có tranh chấp trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) và kêu gọi tất cả các bên ngừng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các cơ sở mới.

Để xoa dịu, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra một số cam kết kiểu "hiểu biết" hoặc thỏa thuận về một số nội dung phía Mỹ quan tâm, nhưng rốt cuộc hành động của Trung Quốc trên thực địa sẽ chẳng có nhiều thay đổi.

Trung Quốc có thể nêu vấn đề Đài Loan, khi tiếng nói trong nội bộ Mỹ yêu cầu Mỹ bán vũ khí và tăng cường cam kết đối với an ninh Đài Loan ngày càng tăng. Trước cuộc bầu cử người đứng đầu chính quyền Đài Loan 2008, Mỹ đã nghe theo Trung Quốc không ủng hộ Đảng Dân Tiến theo chủ trương "Đài độc". Nay tuy không đi vào vết xe ấy, nhưng Mỹ cũng có lợi nếu ứng cử viên của Đảng Dân tiến trúng cử có lập trường ôn hòa trong quan hệ giữa hai bờ Eo biển.

Thượng đỉnh Trung - Mỹ: Nhiều vấn đề, ít giải pháp - 2

Ảnh minh họa (Nguồn: Getty)

Mỹ cũng sẽ nêu vấn đề nhân quyền trước việc gần đây Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia và đang dự thảo luật liên quan tới các tổ chức phi chính phủ, cũng như tiến hành các chiến dịch xử lý các "luật sư và nhà hoạt động nhân quyền". Phía khách không muốn đề cập vấn đề này, nhưng chắc chắn đã có chuẩn bị để đối thoại với Mỹ.

Điều thấy được, thế của Trung Quốc tại cuộc gặp Washington 2015 sẽ không mạnh như hai năm trước tại Sunnyland. Trung Quốc rất cần một chuyến thăm thành công. Và Washington chắc hẳn không bỏ lỡ cơ hội tốt để thúc đẩy các chương trình nghị sự có lợi cho Mỹ thông qua các cuộc đàm phán "cho" và "nhận" đầy khó khăn. Mặc dù vậy, cũng không thể chờ đợi nhiều từ một cuộc gặp.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường

Thế giới và Việt Nam

Thượng đỉnh Trung - Mỹ: Nhiều vấn đề, ít giải pháp - 3