1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thuê đảo Australia 99 năm, công ty Trung Quốc bị tố xua đuổi dân địa phương

Thành Đạt

(Dân trí) - Một công ty bất động sản Trung Quốc đã ngăn cản người dân địa phương sinh sống trên đảo Keswick sau khi giành được hợp đồng thuê khu vực này trong 99 năm.

Thuê đảo Australia 99 năm, công ty Trung Quốc bị tố xua đuổi dân địa phương - 1

Đảo Keswick nhìn từ trên cao (Ảnh: Taiwan News)

Người dân trên đảo Keswick cho biết họ không thể trở về nhà kể từ khi công ty bất động sản Trung Quốc China Bloom ký hợp đồng thuê đảo trong thời hạn 99 năm hồi năm 2019.

"Tôi không nghĩ rằng họ (Trung Quốc) muốn có người Australia sống trên đảo. Tôi nghĩ rằng họ muốn đảo này chỉ phục vụ cho thị trường du lịch Trung Quốc", Julie Willis, người dân từng sống trên đảo Keswick, cho biết.

Theo Fox News, China Bloom còn cấm người dân trên đảo Keswick sử dụng ứng dụng Airbnb phổ biến để cho thuê nhà. Người dân cho rằng lệnh cấm này đã phá hủy ngành du lịch trên đảo và khiến cho du khách không thể tiếp cận với hòn đảo từ cả đường hàng không, đường bộ và đường biển.

"Không có khách du lịch nào đến đây kể từ tháng 9 năm ngoái," cựu cư dân Rayna Asbury cho biết.

Đảo Keswick thuộc sở hữu của chính quyền bang Queensland và đã được công nhận là một công viên quốc gia. 

Cơ quan Tài nguyên bang Queensland hy vọng rằng bất kỳ vấn đề tranh cãi nào giữa người dân trên đảo và China Bloom cũng có thể được giải quyết.

"Trách nhiệm của cơ quan là làm việc với cả bên thuê China Bloom và những bên thuê lại để đảm bảo rằng mọi hoạt động liên quan phù hợp với điều khoản của hợp đồng cho thuê, nhất là khi China Bloom đang tiến hành nâng cấp đường giao thông, nơi neo đậu tàu thuyền, cầu cảng và cơ sở hạ tầng hàng hải trên đảo", thông báo của Cơ quan Tài nguyên Queensland nêu rõ.

Thuê đảo Australia 99 năm, công ty Trung Quốc bị tố xua đuổi dân địa phương - 2

Biển cấm tàu thuyền do công ty China Bloom đặt trên đảo Keswick. (Ảnh: News.com.au)

Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ Australia - Trung Quốc, gần đây nhất là việc người phát ngôn Bộ Ngoại Trung Quốc Triệu Lập Kiên chia sẻ trên Twitter bức ảnh một binh sĩ Australia kề dao vào cổ trẻ em Afghanistan.

Thủ tướng Australia Scott Morrison yêu cầu Trung Quốc xin lỗi về bức ảnh gây sốc, song Bắc Kinh không chấp nhận. Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia thậm chí "tố ngược" Australia phản ứng thái quá với vấn đề này.

Bộ trưởng Thương mại Australia hồi tháng 11 để ngỏ khả năng kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá với lúa mạch nước này. 

Trước đó, Bắc Kinh đã dừng nhập khẩu than đá từ Australia và cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò hàng đầu của Australia. Bắc Kinh cũng áp thuế chống bán phá giá lên tới 200% đối với rượu nhập khẩu từ Australia.