1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thực hư việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm có khả năng răn đe hạt nhân

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ ngày 18/12 đưa tin có khả năng Trung Quốc đã triển khai tàu ngầm tuần tra ngoài đại dương với nhiệm vụ thể hiện khả năng răn đe hạt nhân. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy sự hung hăng và tham vọng của Bắc Kinh trên biển.

 

Tàu ngầm Type-094 (Ảnh: RT)
Tàu ngầm Type-094 (Ảnh: RT)

Trong thời Chiến tranh Lạnh, khả năng răn đe hạt nhân được coi là biện pháp hiệu quả nhằm kiềm chế căng thẳng giữa các bên. Sau đó, dù tình hình thế giới có những thay đổi, nhưng các quốc gia sở hữu hạt nhân vẫn duy trì vừa đủ các loại vũ khí để ngăn chặn khả năng bị các quốc gia khác tấn công.

Một phần quan trọng để có được khả năng răn đe hạt nhân chính là quá trình phát triển của “bộ ba hạt nhân”. Quá trình này, bao gồm năng lực sử dụng vũ khí hạt nhân của quốc gia sở hữu ở trên bộ, trên không và trên biển, nhằm chuẩn bị cho khả năng tấn công liên tiếp sau khi đối phương đánh “phủ đầu” vào cơ sở hạt nhân. Tàu ngầm và các bệ phóng di động được trang bị tên lửa đạn đạo và công nghệ MIRV đóng vai trò quan trọng trong quá trình tấn công lại đối phương sau khi bị “phủ đầu”.

Thời gian qua, Trung Quốc đã sốt sắng trong việc tăng cường các năng lực nêu trên. Theo tạp chí quân sự IHS Jane’s, giới chức Mỹ xác nhận rằng Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo Type-094 với nhiệm vụ tuần tra và thể hiện khả năng răn đe hạt nhân. Nếu thông tin này được xác thực, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một tàu ngầm hạt nhân với mục đích như vậy.

Do thiếu thông tin về các chương trình phát triển quân sự của Trung Quốc nên tạp chí IHS Jane’s chưa thể xác nhận được rằng tàu ngầm Type-094 trang bị loại tên lửa đạn đạo nào. Tuy nhiên, Đô đốc Cecil Haney của Hải quân Mỹ cho rằng: “Liệu có phải họ đã đặt tên lửa mà chúng ta từng thấy họ thử nghiệm lên tàu ngầm để thực hiện các cuộc tuần tra với mục đích răn đe hạt nhân? Tôi phải thừa nhận rằng ngày hôm nay, họ đã đủ sức tiến hành các cuộc tuần tra mang tính chiến lược”.

Theo nhiều chuyên gia, nếu thông tin trên là đúng, đây sẽ là động thái mới trong chiến lược hạt nhân của Trung Quốc. Chuyên gia Tong Zhao viết trên trang mạng The Diplomat cho rằng các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc thường được giữ cách xa với các tên lửa đạn đạo trong thời bình. Lý do của việc này là từ chính sách mà Trung Quốc theo đuổi lâu nay có tên “không ra tay trước”, theo đó Bắc Kinh sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước khi xung đột xảy ra và sẽ chỉ sử dụng trong trường hợp đáp trả lại các cuộc tấn công hạt nhân thù địch của đối phương.

Một lý do khác được đưa ra về khả năng trên là việc đảng Cộng sản Trung Quốc cần kiểm soát các tài sản quân sự chiến lược. Việc phân bổ các đầu đạn hạt nhân cách xa các tên lửa cho phép trải đều quá trình kiểm soát kho hạt nhân của nước này, vốn có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân. Cũng có ý kiến cho rằng giới chức lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về khả năng trái lệnh của cấp dưới. Dù vậy, quyết định triển khai tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân trên tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho thấy niềm tin đang lớn mạnh dần của Bắc Kinh với các chỉ huy của Hải quân nước này.

Về chủng loại tên lửa, các câu hỏi đặt ra liệu tên lửa được triển khai trên tàu ngầm hạt nhân đi tuần tra có phải là loại Julang-2, phiên bản cải tiến để sử dụng trên biển của tên lửa Dongfeng-34. Tên lửa JL-2 được phát triển từ năm 1983 và có tầm bắn lên tới 9.000km.

Ngoài ra, Trung Quốc mới đây cũng đã thử tên lửa từ các bệ phóng đặt trên mặt đất. Theo trang mạng Washington Free Beacon, Trung đoàn Pháo binh số 2 mới đây đã phóng thử thành công tên lửa tầm xa Dongfeng-41 hồi đầu tháng này. Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất có sử dụng công nghệ MIRV. Hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ phóng thử tên lửa với đầu đạn giả đã được tiến hành ở miền Tây Trung Quốc.

Trong khi đó, viết trên tạp chí The National Interest của Mỹ, chuyên gia Zachary Keck cho rằng có những lý do để lo ngại về quá trình phát triển các loại vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Theo đó, tàu ngầm lớp Kim tiến hành tuần tra với việc mang theo vũ khí hạt nhân sẽ khiến các quốc gia như Ấn Độ hoặc Mỹ lo ngại, trong khi tầm bắn của tên lửa DF-41 cũng là mối bận tâm với Nga.

Ngọc Anh

Theo Diplomat 

 

Thực hư việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm có khả năng răn đe hạt nhân - 2