1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thực hư về “bệnh dịch ma” gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên

(Dân trí) - Những người đào tẩu từng sống gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên tin rằng họ đã bị phơi nhiễm phóng xạ và cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của những người thân trong gia đình hiện vẫn chưa rời khỏi khu vực đó.

Một phụ nữ sống ở ngôi làng gần Kimchaek thuộc bờ biển phía đông bắc Triều Tiên - nơi cách vùng Kilju 35 km về phía nam (Ảnh: AFP)
Một phụ nữ sống ở ngôi làng gần Kimchaek thuộc bờ biển phía đông bắc Triều Tiên - nơi cách vùng Kilju 35 km về phía nam (Ảnh: AFP)

NBC dẫn câu chuyện của bà Lee Jeong Hwa, một phụ nữ Triều Tiên đào tẩu, kể về căn bệnh lạ mà bà cho là bị mắc phải khi sống gần bãi thử hạt nhân của Triều Tiên trước đây. Ở độ tuổi trung niên với nước da nhợt nhạt và đôi mắt nâu sâu trũng, bà Lee phàn nàn về tình trạng sức khỏe ốm yếu khi bị đau người thường xuyên. Tuy nhiên, bà Lee cho biết tình trạng ở quê nhà còn tồi tệ hơn.

“Có quá nhiều người chết đến mức chúng tôi gọi đó là “bệnh ma”. Chúng tôi cứ nghĩ là mình chết vì nghèo và ăn uống kham khổ. Nhưng bây giờ chúng tôi đã biết đó là do phóng xạ”, bà Lee chia sẻ.

Tại văn phòng của SAND, một tổ chức phi chính phủ ủng hộ nhân quyền ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, bà Lee nhớ lại thời điểm bà bị bắt khi tìm cách đào tẩu khỏi Triều Tiên năm 2003. Mãi tới năm 2010, người phụ nữ này cũng bỏ trốn thành công khỏi quê nhà ở huyện Kilju - nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Trong 7 năm cuối cùng bà Lee sống ở Triều Tiên, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã cho thử hai quả bom hạt nhân ở gần nơi ở của bà. Sau khi ông Kim Jong-il qua đời và nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, Triều Tiên tiếp tục tiến hành thêm 4 vụ thử hạt nhân nữa. Một trong số các vụ thử này diễn ra vào tháng 9 năm nay và chính quyền Triều Tiên tuyên bố đó là thử bom nhiệt hạch.

Bà Lee và những người Triều Tiên đào tẩu khác một mực khẳng định rằng những vụ thử hạt nhân đã ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của họ. Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia cũng như các bằng chứng khoa học chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này.

Thông tin chưa được xác nhận

Một quan chức Hàn Quốc phân tích dữ liệu về dư chấn động đất phát hiện tại Kilju hôm 3/9 sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Một quan chức Hàn Quốc phân tích dữ liệu về dư chấn động đất phát hiện tại Kilju hôm 3/9 sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm nhiễm độc phóng xạ đối với bà Lee và 29 công dân Triều Tiên đào tẩu từng sống ở khu vực Kilju. Bà Lee nói với NBC rằng các kết quả xét nghiệm đã được gửi về cho họ, trong đó kết luận rằng họ không bị nhiễm phóng xạ.

Ngoài thông tin do bà Lee và những người đào tẩu khác chia sẻ, rất khó để xác nhận rằng phóng xạ chính là nguyên nhân dẫn tới các căn bệnh đang lan rộng và gây tổn hại cho sức khỏe của người dân ở vùng Kilju như bệnh máu trắng hay các bệnh ung thư khác.

Suh Kune-yull, giáo sư về kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU), cho biết các nhà nghiên cứu đang đối mặt với vấn đề “thiếu hoàn toàn dữ liệu”.

“Tôi không nghĩ là họ nói dối. Chúng tôi ghi nhận những lời họ nói nhưng chúng tôi vẫn chưa có nhiều thông tin đáng tin cậy”, giáo sư Suh nói về những người đào tẩu Triều Tiên.

Một phát ngôn viên của Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc cho biết có thể “giả định” rằng mức độ phơi nhiễm phóng xạ của các công dân Triều Tiên từ khu vực thử hạt nhân vượt quá mức cho phép, nhưng rất khó để xác nhận thông tin này.

Người dân Triều Tiên kéo xe tại vùng Kilju (Ảnh: AFP)
Người dân Triều Tiên kéo xe tại vùng Kilju (Ảnh: AFP)

Cả bà Lee và bà Rhee Yeong Sil, một người Triều Tiên đào tẩu khác, đều nói rằng họ không biết Triều Tiên đã thử hạt nhân trong vòng nhiều năm. Họ không chú ý tới những cơn địa chấn và chỉ phát hiện ra sự thật sau khi đào tẩu khỏi quê nhà.

Bà Rhee, một phụ nữ ngoài 60 tuổi bỏ trốn năm 2013, nói rằng bà sống cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri chỉ vài mét và người hàng xóm sống cạnh nhà bà đã sinh ra một đứa trẻ không lành lặn.

Một số thông tin do bà Rhee và bà Lee cung cấp cho thấy hiện tượng phơi nhiễm phóng xạ có thể đã xảy ra từ những năm 1990, thậm chí từ những năm 1980. Tuy nhiên, mãi tới năm 2006 Triều Tiên mới tiến hành vụ thử hạt nhân lần đầu tiên. Điều này đã đặt ra nghi vấn rằng liệu còn có một yếu tố nào khác ngoài các vụ thử hạt nhân là nguyên nhân khiến môi trường bị ô nhiễm và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng hay không.

Theo Chủ tịch tổ chức SAND Choi Kyung Hui, đồng thời là một người đào tẩu từ Kilju, các hoạt động quân sự tại Punggye-ri trong nhiều năm để chuẩn bị cho các vụ thử hạt nhân có thể là nguyên nhân dẫn tới việc khu vực này bị ô nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chất phóng xạ có thể ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của các mô và các cơ quan trong cơ thể, phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm. Ở cấp độ nhẹ, chất phóng xạ tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư về lâu dài cho con người.

Thành Đạt

Theo NBC