Thủ tướng Phan Văn Khải viết bài cho Washington Times
Ngày 21/6, trang Xã luận tờ Washington Times đã đăng tải bài viết "Việt Nam trên đường đổi mới" của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Việt Nam đã đạt được tiến bộ to lớn kể từ khi bắt tay vào công cuộc Đổi Mới, quá trình cải cách kinh tế của chúng tôi trong 10 năm qua. Đất nước chúng tôi đã dần thoát khỏi danh sách 50 quốc gia nghèo nhất, duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội và hiện nằm trong số các nền kinh tế năng động và phát triển nhanh nhất thế giới. Những thành tựu ấn tượng này là kết quả của chính sách cải cách đúng đắn, mở cửa với thế giới bên ngoài, nỗ lực hội nhập với cộng đồng quốc tế, bình thường hóa và tăng cường quan hệ với Mỹ.
Chúng tôi không thỏa mãn với sự phát triển này, mà phải tiếp tục đẩy nhanh tốc độ cải cách, bảo đảm sự hòa nhập hơn nữa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội mà nó tạo ra. Cải cách kinh tế có thể đi trước một bước, nhưng phải được gắn kết với cải cách chính trị.
Trong khuôn khổ cải cách chính trị, thiết lập một nhà nước quản lý bằng pháp luật là điều cốt yếu để tăng cường sự tham gia của người dân vào bộ máy quản lý. Chúng tôi vẫn và sẽ tiếp tục tập trung vào các cuộc cải cách nhằm gia tăng hiệu lực của Quốc hội, từ đó củng cố vai trò và quyền lực của các cơ quan do nhân dân bầu ra. Chúng tôi cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng các thể chế của một nền kinh tế thị trường loại bỏ chủ nghĩa thiên vị, phấn đấu cho sự vững chắc, minh bạch và tự do hóa hơn nữa, đây là tất cả những yếu tố quan trọng để đáp ứng đòi hỏi của sự hội nhập kinh tế.
Các doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng tạo ra sự tăng trưởng và việc làm. Thành công trong việc mở rộng quan hệ với các nước khác, trong đó có Mỹ, châu Âu và châu Á càng làm sâu đậm thêm sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi coi việc học hỏi thành công của các nước khác là rất quan trọng, đặc biệt là từ các nước láng giềng của chúng tôi ở Đông Á. Chúng tôi hiểu rằng chỉ bằng cách mở cửa mọi ngành kinh tế và đầu tư vào y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác, Việt Nam mới có thể thành công trong việc giảm nghèo và đạt được sự phát triển kinh tế bền vững và hợp lý. Trong nỗ lực này, chúng tôi coi Mỹ là một sức mạnh to lớn cùng với nền kinh tế vô song và khả năng về công nghệ và khoa học - một đối tác cần thiết.
| |
Bài viết "Vietnam on the path of reform" của Thủ tướng Phan Văn Khải trên Washtington Times. |
Báo chí đã bổ sung cho chiến lược cải cách của chúng tôi và là một vũ khí không thể thiếu được trong cuộc chiến chống tham nhũng và tệ quan liêu. Báo chí Việt Nam đã tích cực vạch trần những bất công, giành được sự ngưỡng mộ của người dân. Những nỗ lực quả cảm được chính phủ khuyến khích và bảo vệ. Các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet, gần đây đã tạo cơ hội cho người Công giáo Việt Nam, bất chấp khoảng cách về địa lý, được chứng kiến và chia sẻ với nhau nỗi đau của họ và với thế giới trước tin Giáo hoàng John Paul II qua đời; và để nghe diễn văn của vị tân Giáo hoàng, trong đó ông bày tỏ hy vọng sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và tòa thánh Vaticăng đã được cải thiện đáng kể, mở đường cho sự phát triển hơn nữa.
Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo. Các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Công giáo và Tin Lành đều có sự hiện diện tại Việt Nam. Các tôn giáo này tồn tại hòa thuận với các đức tin truyền thống và tín ngưỡng bản xứ. Thực vậy, sùng đạo là đặc tính trung tâm của rất nhiều đồng bào tôi. Chính sách nhất quán của chúng tôi là coi đức tin và tôn giáo là một nhu cầu tinh thần cơ bản của người dân. Quyền tự do theo đạo và không theo đạo được tôn trọng và bảo vệ. Chúng tôi đang hợp tác với các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam nhằm củng cố xã hội. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào việc xây dựng đất nước, bảo vệ quốc gia và những cố gắng nhằm cải thiện cuộc sống của nhân dân.
Ngọn gió toàn cầu hóa mang đến cho Việt Nam cả những cơ hội thuận lợi, lẫn những thách thức và điều xấu xa không lường trước được. HIV/AIDS và hậu quả khủng khiếp của dịch cúm gia cầm là hai trong số những thách thức lớn nhất. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết khả năng có thể để ngăn chặn sự lây lan của các nạn dịch này, nhưng chỉ mình Việt Nam không thể đánh thắng các mối hiểm họa này. Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, nhằm đương đầu với những hiểm họa này. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác hiện có giữa hai chính phủ và nhân dân chúng ta trong lĩnh vực này và mong đợi kết quả và sự phát triển liên tục của nó. Nỗ lực không ngừng củng cố xã hội, kết hợp với sự phát triển kinh tế nội địa giúp chúng tôi có thể dần nâng cao năng lực hợp tác với cộng đồng quốc tế vì lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới.
Khủng bố đã trở thành mối đe dọa toàn cầu. Những mất mát khủng khiếp của người dân Mỹ trong ngày 11/9 và người dân ở nhiều nơi khác trên thế giới là lời nhắc nhở ảm đạm về hiểm họa nghiêm trọng của khủng bố. Loại trừ khủng bố khỏi đời sống nhân loại và ngăn ngừa những thảm họa mà nó có thể gây ra đối với người dân vô tội là điều cấp bách. Tại họa này không chừa châu Á và Việt Nam, chúng tôi cam kết cùng kề vai sát cánh với các nước láng giềng và Mỹ trong nỗ lực chống khủng bố.
Nhân dân Việt Nam nhận thức rất rõ rằng chấm dứt xung đột là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển. Việt Nam đang tham gia và có nhiều đóng góp vào các hoạt động của LHQ, và sẽ chia sẻ trách nhiệm với LHQ trong việc bảo vệ an ninh quốc tế và gìn giữ hòa bình. Đất nước chúng tôi sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình phù hợp với khả năng hiện nay của chúng tôi như gửi các nhóm rà phá mìn và các bệnh viện dã chiến. Quân đội Việt Nam, tự hào được phục vụ dưới lá cờ Đỏ sao Vàng, sẽ đứng dưới lá cờ Xanh của LHQ với tư cách là những người bảo vệ hòa bình. Chúng tôi hiểu rõ rằng quân đội Việt Nam sẽ thực hiện sứ mệnh của mình với kỷ luật và phẩm chất chuyên môn phục vụ lợi ích của hòa bình và sự phồn thịnh toàn cầu.
Theo TTXVN