1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và hành trang tới G8

(Dân trí) - Ngày 6/6, Thủ tướng Nhật có chuyến công du đầu tiên tới hội nghị thượng đỉnh G8, mang theo hi vọng nâng cao vai trò của Nhật Bản trong cuộc chiến chống sự nóng lên toàn cầu và nâng cao uy tín của ông, vốn đang giảm sút nghiêm trọng trước cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 tới.

Với tư cách là đại diện duy nhất của châu Á tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G8) tổ chức tại Heiligendamm (Đức), ông Abe sẽ cố gắng lôi cuốn sự chú ý với các vấn đề trong khu vực, trong đó có việc kêu gọi biện pháp cứng rắn chống lại CHDCND Triều Tiên đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

 

Đây cũng là lần đầu tiên ông Abe tham dự một hội nghị thượng đỉnh G8 kể từ khi được cựu thủ tướng Junichiro Koizumi chuyển giao quyền lực vào tháng 9 năm ngoái.

 

Trong nhiệm kỳ 5 năm, ông Koizumi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Mỹ Bush. Cựu thủ tướng Koizumi đã gửi quân tới Iraq và đàm phán với CHDCND Triều Tiên mặc dù không ít lần ông khiến Trung Quốc giận dữ về quyết định tới thăm đền Yasukuni và làm phiền lòng Hàn Quốc về những vấn đề nhạy cảm trong Thế chiến 2.

 

Yoshinobu Yamamoto, giáo sư ngành chính trị quốc tế tại ĐH Aoyama (Tokyo) nói: “Tại hội nghị thượng đỉnh G8, Thủ tướng Abe được kỳ vọng sẽ thể hiện tài ngoại giao để làm nổi bật chính ông. Thủ tướng dường như đã chọn đề tài môi trường là một trong những vấn đề ngoại giao hàng đầu khi cuộc tranh cãi về sự nóng lên của khí hậu toàn cầu đang trở thành vấn đề được quan tâm”.

 

Trước hội nghị, Thủ tướng Nhật cũng đã công bố kế hoạch giảm một nửa lượng khí thải hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 khi nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Tổng thống Bush đã lảng tránh nghị định thư này, dẫn đến việc Đức - nước chủ nhà của hội nghị G8 lần này, tỏ ra nghi ngờ liệu hội nghị có thể đạt được kết quả trong vấn đề khí hậu.

 

Phát biểu trước khi lên đường tới Đức, ông Abe cho rằng Liên minh châu Âu và Mỹ vẫn còn chia rẽ về vị trí của họ trong vấn đề nóng lên toàn cầu. “Đó là lý do tại sao Nhật Bản phải thực hiện sáng kiến đưa các quốc gia đi theo một đường hướng mà về cơ bản, các bên có thể chấp nhận. Tôi cảm thấy đó là trách nhiệm quan trọng của chúng tôi”, ông Abe nói.

 

Ngoài ra, với ông Abe, hội nghị thượng đỉnh Heiligendamm còn là cơ hội tốt nhất để chứng tỏ sức mạnh quốc tế trước cuộc bầu cử tại thượng viện tổ chức ngày 22/7 tới.

 

Ông Abe đã nhận được sự ủng hộ của cử tri trong các chiến thắng ngoại giao, đặc biệt là chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vào tháng 4 nhằm tăng cường quan hệ giữa 2 nước.

 

Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông Abe vài tuần trở lại đây đã giảm sút kỷ lục do những bê bối trong nước. Ngày 28/5, cựu bộ trưởng nông nghiệp Nhật Bản Toshikatsu Matsuoka đã tự sát trước những cáo buộc nhận tiền đút lót. Báo chí trong nước sau đó đã chỉ trích gay gắt ông Abe - người đã bổ nhiệm ông Matsuoka làm thành viên nội các, bỏ qua những nghi ngờ về ông này.

 

Thất bại trong cuộc bầu cử tại thượng viện lần này có thể là một rắc rối lớn cho ông Abe mặc dù ông vẫn giữ được chiếc ghế thủ tướng do được sự ủng hộ mạnh mẽ tại hạ viện.

 

Giáo sư Yoshinobu Yamamoto nói: “Cuộc bầu cử lần này là sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất của ông Abe với chính trường Nhật Bản trong năm nay. Ảnh hưởng của ông Abe có thể bị đe doạ nếu đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông chịu thất bại”.

 

Thủ tướng Abe cũng được xem là người có quan điểm cứng rắn về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và dự kiến ông sẽ thúc giục G8 kiên định lập trường cứng rắn trước Bình Nhưỡng.

 

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G8, ông Abe dự kiến cũng sẽ có cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và hi vọng có thể sắp xếp cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào - một khách mời của hội nghị.

 

VTH

Theo AFP