1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước thời khắc quyết định

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ thành lập một nội các mới trong ngày hôm nay, một nỗ lực được coi là hết sức khó khăn và sẽ quyết định sinh mệnh chính trị của chính ông.

Cuộc cải tổ diễn ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò dự luận cho thấy sự ủng hộ của dân chúng dành cho nội các của Abe ở mức 20-30%.

 

Các nhà phân tích cho biết Abe dự kiến sẽ chọn các nghị sĩ có kinh nghiệm, những người có thể đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ, vào nội các mới để dung hòa giữa việc tái hợp đảng của ông và giành lại sự ủng hộ của dân chúng.

 

Ông Shujiro Kato, Giáo sư trường Đại học Tokyo, nói: "Vấn đề mấu chốt của lần cải tổ nội các này là tái hợp đảng cầm quyền bị chia rẽ và có thời gian để cơn bão chính trị qua đi. Chọn giải pháp an toàn sẽ là ý kiến hay hơn đánh bạc với các quyết định nhân sự".

 

Thủ tướng Abe bị chỉ trích mạnh mẽ là đã đưa các nhân vật thân tín nhất của ông vào nội các. Trong chưa đầy một năm cầm quyền, ba trong số các bộ trưởng của Abe đã từ chức do có những sai lầm hay dính líu đến các vụ bê bối và một người đã tự tử trong khi bị điều tra về việc sử dụng sai mục đích công quỹ.

 

Các phương tiện truyền thông chế nhạo chính phủ của Abe là một "nội các gồm những người bạn thân" và đồn đoán rằng một số bộ trưởng tiềm năng trong nội các mới có thể không có quan hệ tốt với Abe.

 

Trong thời gian cầm quyền, ông Abe, cháu trai của một vị bộ trưởng nội các trong Chiến tranh Thế giới thứ II, đã đưa ra một hệ tư tưởng, tuyên bố sẽ làm Nhật Bản tự hào hơn về quá khứ và soạn thảo lại bản hiến pháp hòa bình của nước này.

 

Tuy nhiên, kế hoạch của ông Abe đã không được các cử tri hưởng ứng, còn phe đối lập thì nêu ra những mối lo ngại thường nhật của người dân như việc quản lý không hợp lý hệ thống lương hưu và bất bình đẳng thu nhập.

 

Tờ Tokyo Shimbun viết: "Có thể xuất hiện những lời kêu gọi ông Abe từ chức mạnh mẽ nếu cuộc cải tổ nội các này không ngăn được sự ủng hộ đang giảm sút của dân chúng. Nó sẽ thổi bùng tâm lý trong các nghị sĩ đảng cầm quyền cho rằng họ không thể tranh cử trong các cuộc bầu cử tới nếu ông Abe đứng ở vị trí người chèo lái".

 

Một số nghị sĩ đảng cầm quyền đã công khai kêu gọi Abe từ chức, song vị Thủ tướng này vẫn tại vị, khẳng định rằng các cử tri vẫn ủng hộ các ý tưởng bảo thủ của ông. Đối tác liên minh của đảng cầm quyền, đảng Komeito Mới, cũng đang gây sức ép yêu cầu Abe phải thay đổi đường lối. Chủ tịch đảng Akihiro Ota phát biểu trong một cuộc họp mới đây của đảng theo tư tưởng của Phật giáo này nói: "Có khoảng cách giữa các ưu tiên của chính phủ Abe và của các cử tri. Chính quyền Abe phải xem xét cuộc sống của người dân và tập trung vào các chương trình cải cách và các chính sách để đáp ứng các nhu cầu của người dân".

 

Có nhiều tin đồn cho rằng Ngoại trưởng Taro Aso, một nhà chính trị kỳ cựu, sẽ được bổ nhiệm làm Tổng bí thư đảng cầm quyền và có thể thay thế ông giữ chức Ngoại trưởng là Chánh văn phòng Nội các Yasuhisa Shiozaki, một gương mặt trẻ tuổi trong đảng được đào tạo tại Mỹ. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng Abe sẽ để ông này ra đi nhằm cho thấy một sự thay đổi mang tính tượng trưng so với nội các cũ.

 

Kinh nghiệm chính trị sẽ là một tài sản quý giá đối với các bộ trưởng mới khi họ phải đối mặt với nhà lãnh đạo đối lập Ichiro Ozawa, một nhà chiến lược khôn ngoan dự kiến sẽ tìm cách hối thúc Abe giải tán hạ viện để tổng tuyển cử sớm.

 

Theo giới phân tích, cuộc cải tổ nội các mà ông Abe dự kiến tiến hành trong ngày hôm nay dự kiến sẽ quyết định vận mệnh chính trị của ông. Nếu cuộc cải tổ này thành công, nó sẽ giúp ông giữ được chiếc ghế của mình, bằng không, ông sẽ chẳng còn lý do gì để có thể bám víu lấy quyền lực của mình.

 

Anh Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm