Thủ tướng Iraq từ chức, ủng hộ người kế nhiệm
(Dân trí) - Trước sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế cũng như dư luận trong nước, thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki ngày 14/8 đã tuyên bố thừa nhận thất bại trong việc nắm quyền thêm nhiệm kỳ 3, và ủng hộ người kế nhiệm.
Phát biểu trên truyền hình với sự có mặt của người kế nhiệm Haidar al-Abadi, ông Maliki khẳng định: “Hôm nay tôi tuyên bố với toàn thể các bạn về việc tôi rút lại sự ứng cử của mình, để ủng hộ cho người anh em tiến sỹ Haidar al-Abadi”.
Ông Maliki, 64 tuổi, đã khép lại 8 năm làm thủ tướng, sau khi nổi lên từ một nhân vật khá ít người biết tới và sống lưu vong tại nước ngoài. Năm 2003, sau cuộc tấn công của Mỹ và liên quân vào Iraq, Maliki trở về và trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực.
Nhằm xoa dịu mối lo rằng việc mình cố níu kéo quyền lực có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Iraq trong nhiều năm, ông Maliki tuyên bố sẽ từ chức để “tạo điều kiện cho tiến trình chính trị, và hình thành một chính phủ mới”.
Vị thủ tướng cũng bảo vệ những việc mình đã làm khi tại vị, nhưng các nhà phê bình cho rằng các chính sách mang màu sắc phe phái của ông đã cô lập và cực đoan hóa những người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số. Chính khu vực lãnh thổ nơi những người Sunni tập trung chủ yếu đã rơi vào tay phong trào Hồi giáo cực đoan nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông, khi tổ chức này bắt đầu tấn công cách đây 2 tháng.
Đến nay, nhóm này đã tuyên bố thành lập một “quốc gia Hồi giáo”, trên khu vực lãnh thổ giữa Syria và Iraq, tấn công những người thuộc tôn giáo thiểu số, phá hủy các địa điểm linh thiêng, chiếm đóng con đập lớn nhất của Iraq và một số mỏ dầu.
Các lực lượng Iraq đã sụp đổ hoàn toàn khi các tay súng Hồi giáo cực đoan tiến vào, và Baghdad phải cầu viện Mỹ tiến hành không kích.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Obama khẳng định một tuần không kích của Mỹ đã giúp phá vòng vây quanh một ngọn núi ở phía Bắc, nơi dân thường đã có 10 ngày lẩn trốn các tay súng Hồi giáo.
“Chúng ta đã giúp cứu sống nhiều người vô tội. Và do những nỗ lực này, chúng tôi không cho rằng sẽ có thêm chiến dịch nào nữa được triển khai để sơ tán mọi người khỏi ngọn núi trên, và ít có khả năng sẽ cần thêm các đợt thả hàng cứu trợ nhân đạo trên ngọn núi”, ông Obama nói.
Hầu hết những người mắc kẹt ở núi Sinjar là những người thiểu số Yazidi, hiện đang đổ xô tới các khu trại tập trung tại khu tự trị Kurdistan.
Lầu Năm Góc cho biết, có từ 4000 – 5000 người Yazidi vẫn còn trên núi, và khẳng định khoảng 2000 người “sinh sống tại đây và có lẽ không muốn rời đi”.
Ông Obama thì khẳng định các cuộc không kích sẽ còn tiếp tục để “bảo vệ người Mỹ và các cơ sở của chúng ta tại Iraq”.
Thanh Tùng
Theo AFP