1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Đức sẽ thuyết phục Nga rút quân khỏi Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Trong khi tiếp tục viện trợ cho Kiev, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tìm cách thuyết phục Nga rút quân khỏi Ukraine, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua.

Thủ tướng Đức sẽ thuyết phục Nga rút quân khỏi Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Getty).

Báo DPA cho hay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 10/6 hé lộ ý định điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai gần. Mục đích của cuộc điện đàm là thuyết phục Nga rút quân khỏi Ukraine.

"Tôi dự định sẽ đối thoại (với ông Putin) một lần nữa trong tương lai gần", Thủ tướng Scholz cho biết. Ông nói thêm, chủ đề chính của cuộc đối thoại đó sẽ là tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine, nói cách khác là Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ông nhấn mạnh: "Đàm phán là tốt, nhưng câu hỏi đặt ra là chính xác ai đàm phán với ai và về cái gì".

Trước đó, nhà lãnh đạo Đức từng nêu rõ quan điểm: "Điều cần thiết là Tổng thống Nga Vladimir Putin phải hiểu rằng ông ấy sẽ không thành công với chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga phải rút quân. Đây là cơ sở cho các cuộc đàm phán".

Đức là một trong những quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2 năm ngoái. Chính quyền Thủ tướng Scholz cho thấy sự dịch chuyển đáng kể trong chính sách cuộc chiến Ukraine, từ chỗ tránh can dự đến viện trợ nhiều vũ khí hiện đại cho Kiev như xe tăng chiến đấu chủ lực, hệ thống phòng không Patriot.

Tuy nhiên, ông Scholz cũng khẳng định quan điểm, Đức không cho phép Ukraine nhắm mục tiêu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí mà Berlin đã cung cấp cho Kiev.

Hồi tháng 3, báo Spiegel cho biết Đức có kế hoạch tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, từ 3 tỷ euro lên tổng cộng hơn 15 tỷ euro trong vài năm tới. Điện Kremlin cáo buộc Berlin đang ngày càng can dự sâu vào xung đột giữa Ukraine và Nga khi tiếp tục gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Đại sứ Nga tại Berlin Sergey Nechaev hồi tháng 4 chỉ trích: "Tầm bắn của vũ khí Đức cung cấp cho Ukraine liên tục mở rộng. Từ các đợt vận chuyển mũ bảo hiểm, Berlin đã tiến tới cung cấp cho chính quyền Kiev các hệ thống vũ khí sát thương hiện đại, bao gồm cả xe tăng chiến đấu hạng nặng, lựu pháo, nhiều hệ thống tên lửa và các hệ thống phòng không. Đức từ lâu đã vượt qua tất cả lằn ranh đỏ có thể trong nỗ lực gây ra sự thất bại chiến lược cho Nga. Vì thế, chúng tôi không có bất kỳ ảo tưởng đặc biệt nào".

Triển vọng hòa đàm giữa Kiev và Moscow vẫn mờ mịt. Điện Kremlin nhiều lần cho biết, điều kiện tiên quyết mà Ukraine và phương Tây từng đưa ra - Nga rút quân khỏi Ukraine, để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình là không thể chấp nhận. Nga tuyên bố, hòa đàm chỉ diễn ra khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận sự kiểm soát của Moscow đối với Crimea và 4 tỉnh Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, mọi cuộc hòa đàm phải bắt đầu bằng việc Nga rút quân, khôi phục chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine.

Theo Aviopro, Reuters