1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thử thách hay cơ hội của Samsung?

Trong khi có những dự báo không mấy lạc quan về ương lai của tập đoàn điện tử khổng lồ Samsung sau vụ bắt giữ Phó chủ tịch tập đoàn, ông Lee Jae-yong trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan tới Tổng thống Hàn Quốc đang bị luận tội Park Geun-hye, Tạp chí Forbes lại cho rằng việc này chưa hẳn là một điều xấu…

Tập đoàn Forbes dẫn lời chuyên gia đánh giá việc ông Lee Jae-yong bị bắt có thể là một bước tiến trong nỗ lực cải tổ triệt để các tập đoàn gia đình (chaebol) hùng mạnh tại Hàn Quốc.

Chuyên gia phân tích tại Ovum, ông Daniel Gleeson cho rằng, đây là cơ hội thích hợp cho các nhà lãnh đạo hoặc giới đầu tư muốn thúc đẩy việc cải tổ triệt để cơ cấu doanh nghiệp của Samsung, bởi toàn bộ hệ thống đang được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Gleeson nói: “Đây là thời điểm hoàn hảo để chia tách Samsung Electronics. Đây là một trong những công ty lớn nhất và quyền lực nhất thế giới, nhúng tay vào rất nhiều lĩnh vực và có cấu trúc phức tạp, đồ sộ. Vì thế, chia tách là việc cực kỳ khó”.

Nhân viên của Samsung tới công sở làm việc tại trụ sở ở Seoul. Ảnh: AP
Nhân viên của Samsung tới công sở làm việc tại trụ sở ở Seoul. Ảnh: AP

Từ hơn một năm nay, cổ đông của tập đoàn Samsung là quỹ đầu tư Mỹ Elliott Management đã kêu gọi tách công ty làm đôi. Một bên đóng vai trò là công ty sở hữu, tức gia đình sáng lập. Còn một bên là công ty điều hành có chức năng kiểm soát hoạt động của tập đoàn Samsung.

Quỹ này cho rằng, việc chia tách này sẽ giúp đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp và làm dễ dàng hơn trong việc đánh giá tài sản của công ty. Ngoài ra, nó cũng sẽ mang lại giá trị đáng kể cho các cổ đông.

Samsung cũng đã đồng ý sẽ xem xét đề xuất cải tổ theo hướng chia tách này trong bối cảnh tập đoàn đang nỗ lực để cải thiện mối quan hệ với các nhà đầu tư. Vào tháng 11 năm ngoái, Samsung đã thông báo kế hoạch tái tổ chức theo hướng một công ty sở hữu và điều chỉnh các hoạt động theo hướng đặt quyền lợi của các cổ đông lên trên thông qua ưu tiên chính là tăng đáng kể cổ tức.

Theo Forbes, trong suốt tháng qua, bất chấp mối lo ngại bao trùm về nguy cơ Phó chủ tịch Lee Jae-yong bị bắt giữ, cổ phiếu của Samsung vẫn tiếp tục tăng. Và ngay cả khi tòa án yêu cầu bắt giữ Lee Jae-yong hôm thứ sáu vừa qua, cổ phiếu của Samsung cũng chỉ tụt 0,4% trên sàn giao dịch châu Á vào hôm đó.

Forbes cho biết, các hoạt động của Samsung từ sản xuất điện thoại di động, màn hình OLED đến chế tạo chíp đều hoạt động độc lập nên sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều do các vấn đề từ ban lãnh đạo cấp cao. Forbes nhận định, kể cả khi các cuộc điều tra tham nhũng đến hồi kịch tính thì nhiều khả năng cuộc cải tổ triệt để Samsung vẫn diễn ra.

Samsung từng có tiền lệ vượt qua sóng gió tương tự vào năm 2008, khi Chủ tịch tập đoàn lúc đó là ông Lee Kun-hee phải từ chức do vướng phải bê bối lập quỹ đen.

Tuy nhiên, tương lai của Tập đoàn điện tử Samsung vẫn còn bỏ ngỏ sau vụ bắt giữ Phó chủ tịch tập đoàn. Theo trang điện tử Nikkei, vụ bắt giữ có thể cản trở kế hoạch cải cách quản trị doanh nghiệp của tập đoàn, bao gồm cả kế hoạch chia tách theo đề xuất trên.

Thực tế là quá trình cải cách đã bị đình trệ sau khi Phó chủ tịch Lee Jae-yong bị triệu tập đến Quốc hội để thẩm vấn liên quan đến các cáo buộc hối lộ. Việc này khiến các bộ phận pháp lý và các bộ phận có liên quan khác của Samsung phải dồn hết thời gian và công sức để đối phó với tình hình. Vì thế, có vẻ Samsung sẽ khó có thể xây dựng được kế hoạch cải cách của mình vào tháng 5 hoặc tháng 6 như kế hoạch ban đầu.

Việc ông Lee Jae-yong bị bắt giữ cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến các quyết định nhân sự cấp cao của Samsung, nhất là quyết định liên quan đến việc xác định tương lai của tập đoàn.

Khi một tòa án bác bỏ yêu cầu đầu tiên nhằm bắt giữ ông Lee Jae-yong vào tháng trước, dư luận đã đồn đoán rằng, Samsung có thể phải đưa ra quyết định nhân sự vào tháng 3 hoặc tháng 4. Nhưng khi ông Lee Jae-yong đã bị bắt, những trông đợi này đều tan biến vì Phó Chủ tịch Lee Jae-yong là người có quyền đưa ra quyết định này.

Trước đó, hãng thông tấn Yonhap dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho rằng, sau vụ bắt giữ, Samsung có thể sẽ phải ngừng các kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới, ít nhất là trong thời điểm hiện giờ. Samsung được cho là cũng sẽ phải ngừng quá trình tái cấu trúc với mục đích ban đầu là củng cố quyền kiểm soát của ông Lee Jae-yong.

Tổn hại có thể nhìn thấy là các thương vụ mua bán, sáp nhập mà Samsung dự định tiến hành khả năng sẽ phải tạm treo một thời gian.

Kể từ khi ông Lee Jae-yong lên nắm quyền, mảng kinh doanh dẫn đầu này của Samsung đã mua lại 15 công ty nước ngoài, trong đó bao gồm một nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Mỹ và nhà sản xuất âm thanh Harman International trong một thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD.

Những thương vụ sáp nhập, mua bán này được nhắm tới mục tiêu củng cố thêm mảng kinh doanh mới này của Samsung dưới sự dẫn dắt của Phó chủ tịch Lee Jae-yong. Tuy nhiên, các lãnh đạo của Samsung thừa nhận, họ sẽ gặp phải một vài hạn chế khi không có mặt của Phó chủ tịch tập đoàn. Đối với những khoản đầu tư hoặc dự án kinh doanh lớn kiểu này, thẩm quyền của giám đốc điều hành bị hạn chế và quyết định luôn phải do chủ tịch cấp cao đưa ra.

Theo Xuân Phong

Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm