1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp ngầm của ông Putin

Minh Phương

(Dân trí) - Đằng sau sự giận dữ với NATO và những lời cảnh báo cứng rắn với phương Tây, có những dấu hiệu cho thấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn tránh leo thang trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thông điệp ngầm của ông Putin - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Hôm 8/2, lần thứ hai trong vòng một tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước châu Âu có thể bị cuốn vào một cuộc chiến với Nga - một cuộc chiến mà không có bên nào thắng - nếu Ukraine gia nhập NATO và tìm cách chiếm lại bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron vào lúc nửa đêm sau cuộc hội đàm hơn 5 giờ đồng hồ, chủ nhân Điện Kremlin vẫn khẳng định rằng, cơ hội đối thoại vẫn còn, một số đề xuất của Mỹ và NATO vẫn có thể trao đổi thêm. Ông cho biết, Nga "sẵn sàng làm mọi thứ để tìm ra những vấn đề có thể thỏa hiệp phù hợp cho tất cả các bên".

Ba tháng kể từ khi căng thẳng leo thang với việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới Ukraine, đến nay, mục đích thực sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn là một bí ẩn. Nhà Trắng cuối tuần qua nhận định, ông Putin có thể ra lệnh tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine trong vài ngày hoặc vài tuần tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích về Nga, nói rằng những bình luận trong cuộc họp báo lúc nửa đêm đó cho thấy ông thực sự nghiêm túc về phương án đàm phán.

"Tất nhiên, ông ấy vẫn giữ vị thế của mình, nhưng tôi không cho rằng ông ấy muốn leo thang. Bạn sẽ không nói chuyện với đối thủ gần 7 tiếng đồng hồ nếu chỉ muốn lên lớp ông ta rồi khép lại câu chuyện", Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Nga, bình luận.

Nga tập hợp hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine để thúc đẩy những yêu sách cốt lõi mà ông Putin đã đề cập lại trong cuộc hội đàm rằng: NATO phải cam kết không mở rộng về phía đông, không triển khai tên lửa, khí tài gần biên giới Nga, giảm bớt hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu về mức năm 1997. Ông Putin cho rằng, Mỹ và NATO đã phớt lờ những điều này khi đưa ra phản hồi chính thức bằng văn bản hồi cuối tháng 1.

Theo ông Kortunov, đối thoại về kiểm soát vũ khí với Mỹ có thể là điều ông Putin nhắm đến.

"Ở phương diện nào đó, việc này có thể đáp ứng đòi hỏi của ông ấy vì nếu có những đàm phán nghiêm túc về kiểm soát vũ khí ở châu Âu, nó có thể ngăn hạ tầng của NATO mở rộng đến gần biên giới Nga. Nếu đó thực sự là mối quan tâm chính, ông ấy có thể sẽ cố giải quyết vấn đề theo hướng này. Tất nhiên, ông ấy sẽ không bỏ qua hoàn toàn đòi hỏi chính", ông Kortunov nhận định.

Trong khi đó, Fyodor Lukyanov, tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs, cho rằng nếu Moscow không thể buộc phương Tây cam kết không kết nạp Ukraine, Nga có thể tìm cách đạt được kết quả tương tự qua việc khôi phục các thỏa thuận hòa bình Minsk 2014, 2015.

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Macron, ông Putin nhấn mạnh rằng không có giải pháp nào thay thế cho thỏa thuận Minsk. Đây là thỏa thuận nhằm trao quy chế hiến pháp đặc biệt cho hai khu vực phía đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu với quân đội Ukraine kể từ năm 2014.

Theo www.reuters.com