1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thông điệp gửi Mỹ sau chuyến đi của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc

(Dân trí) - Chuyến đi tới Trung Quốc và cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tuần này đã kết thúc bằng những lời khen ngợi, những cái bắt tay và cả thông điệp dành cho Mỹ.


Chủ tịch Tập Cận Bình nắm tay ông Kim Jong-un tại Bắc Kinh ngày 20/6 (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Tập Cận Bình nắm tay ông Kim Jong-un tại Bắc Kinh ngày 20/6 (Ảnh: Reuters)

Trong lúc nhiều người vẫn còn hoài nghi về sự sẵn lòng của Triều Tiên trong cam kết phi hạt nhân hóa cũng như cuộc chiến thương mại ngày càng nóng giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyến đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc càng khẳng định một thực tế rằng, Bắc Kinh vẫn là “người chơi” chính trên bàn cờ quốc tế và là một “biến số” mà Tổng thống Donald Trump đang rất cần nhưng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.

Giới chức Mỹ tuyên bố họ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt với Triều Tiên ngay cả khi các cuộc đàm phán giữa hai nước đang diễn ra và sẵn sàng gia tăng sức ép kinh tế nếu Bình Nhưỡng không chịu hợp tác. Tuy vậy Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, rốt cuộc mới là nước có “tiếng nói” quyết định liệu các lệnh trừng phạt có thực sự tác động tới Bình Nhưỡng hay không.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, một số nhà phân tích cho rằng sự ấm lên trong quan hệ Trung - Triều thể hiện qua chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là lời cảnh báo từ Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, các động thái về thương mại của Tổng thống Trump có thể cản trở mục tiêu tham vọng nhất trong chương trình chính sách đối ngoại của ông, đó là đạt được nền hòa bình với Triều Tiên.

“Tôi nghĩ Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới ông Trump rằng: Ông vừa muốn áp thuế (với Trung Quốc), vừa muốn hợp tác với Triều Tiên sao?” Ông không thể có được cả hai”, Bill Richardson, cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ, đại sứ kiêm đặc phái viên Mỹ phụ trách Triều Tiên, nói với CNN.

Mối quan hệ phức tạp

Ông Tập Cận Bình và phu nhân đón tiếp ông Kim Jong-un và phu nhân tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Ông Tập Cận Bình và phu nhân đón tiếp ông Kim Jong-un và phu nhân tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc trong tuần này là chuyến đi thứ 3 trong vài tháng và diễn ra không lâu sau khi ông Kim Jong-un gặp Tổng thống Trump tại Singapore tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử hôm 12/6.

Về mặt công khai, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nỗ lực phi hạt nhân hóa và ủng hộ cam kết của Triều Tiên trên con đường đạt được mục tiêu này, bất chấp các vấn đề tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ về thương mại.

Tuy vậy, căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng tăng lên. Ngày 18/6, ông Trump cho biết các đại diện thương mại của Mỹ chuẩn bị công bố khoản thuế mới đối với 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là động thái giận dữ của Tổng thống Trump sau khi Trung Quốc sẵn sàng đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với 50 tỷ hàng hóa Trung Quốc hôm 15/6 để phản đối “các hành động thương mại không công bằng” của Bắc Kinh.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert phản bác những ý kiến cho rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại có thể ảnh hưởng tới sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên. Bà Nauert khẳng định Mỹ có mối quan hệ phức tạp với nhiều nước trên thế giới.

“Chúng tôi có những lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc, và chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực mà chúng tôi không thể đồng nhất quan điểm với Trung Quốc và chúng tôi nhất định làm sáng tỏ. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ mang tính xây dựng với chính phủ Trung Quốc. Để làm được điều đó, chúng tôi cần khắc phục và đạt được tiến triển trong một số vấn đề liên quan tới thương mại”, bà Nauert nói thêm.

Theo Mintaro Oba, cựu quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, hiện vẫn chưa rõ liệu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên hay không. Tuy nhiên ông Oba cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đổi ý, không hợp tác với Mỹ trong trường hợp căng thẳng dâng cao.

“Trung Quốc vẫn đang cố gắng giữ khoảng cách để cho mình đường lui trong vấn đề này. Tuy nhiên nếu chính quyền Trump tiếp tục leo thang cuộc chiến thương mại tới mức làm tổn hại tới quan hệ song phương, Trung Quốc có thể sẽ không còn muốn hợp tác với Mỹ trong việc gây sức ép với chính quyền Triều Tiên”, ông Oba cho biết.

Trung Quốc từng giúp Mỹ một cách hiệu quả trong việc “gây sức ép tối đa” với Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng nhận định rằng Bắc Kinh vẫn chậm trễ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng hoặc tìm cách phớt lờ việc các công ty Trung Quốc làm ăn buôn lậu với Triều Tiên.

Tìm kiếm đòn bẩy

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều bắt tay tại thượng đỉnh ở Singapore (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều bắt tay tại thượng đỉnh ở Singapore (Ảnh: Reuters)

Khi đón tiếp ông Kim Jong-un tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành lời khen cho nhà lãnh đạo Triều Tiên về cách ông gặp mặt Tổng thống Trump tại Singapore. Ông Tập cũng hài lòng với kết quả của hội nghị thượng đỉnh và mục tiêu phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng.

Trong khi Tổng thống Trump tự nhận vai trò của mình về việc tiến hành “những bước đi đầu tiên” nhằm đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên bằng cách thiết lập mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bản thân ông Kim Jong-un cũng đang tận dụng các đòn bẩy để tăng cường vị thế của ông trên bàn đàm phán.

“Tôi tin ông Kim Jong-un đang kéo dài tiến trình phi hạt nhân hóa và triển khai nó theo tốc độ riêng của ông”, ông Oba nhận định.

Mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố công khai rằng ông đã “giải quyết” xong vấn đề Triều Tiên trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un, nhưng tình hình thực tế vẫn rất phức tạp khi ông Kim Jong-un tiếp tục tìm kiếm các đòn bẩy đàm phán.

“Logic của ông Kim Jong-un rất đơn giản: thêm lựa chọn, thêm đòn bẩy. Khi không có sự hợp tác của Mỹ, việc ông Kim Jong-un đứng về phía Trung Quốc sẽ tạo cho ông cảm giác yếu ớt và càng làm rõ thêm sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc. Nhưng nếu không có Trung Quốc hậu thuẫn, Mỹ có thể “rảnh tay” trong việc từ bỏ chính sách ngoại giao để gia tăng sức ép với Triều Tiên. Giờ đây ông Kim Jong-un hoàn toàn độc lập và mạnh mẽ khi chơi với cả hai bên để mang lại những điều tốt nhất cho Triều Tiên”, ông Oba cho biết thêm.

Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Viện công nghệ Massachusetts nói rằng việc Tổng thống Trump quyết định đình chỉ tập trận quân sự chung với Hàn Quốc trong khi không yêu cầu Triều Tiên phải có các bước đi cụ thể về giải giáp vũ khí đã tạo cho cả ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un sự linh động chiến lược. Bắc Kinh và Bình Nhưỡng từ lâu đã kêu gọi Washington chấm dứt các cuộc tập trận này. Theo ông Narang, báo Economist nhận định ông Kim Jong-un là người chiến thắng sau hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, nhưng thực chất vị trí chiến thắng này thuộc về ông Tập Cận Bình.

Thành Đạt

Tổng hợp