1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp của sự tuyệt vọng

Thế giới bàng hoàng, phẫn nộ sau một loạt vụ tấn công liều chết đẫm máu vừa diễn ra liên tiếp ở Iraq, Bangladesh và A-rập Xê-út khiến hàng trăm người thiệt mạng...

... Phải gánh chịu những tổn thất nặng nề trên chiến trường, mới nhất là mất thành phố Fallujah vào tay quân chính phủ Iraq, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gửi những thông điệp đẫm máu trong sự tuyệt vọng.

Thực tế là thời gian qua, IS đã bị phân tán lực lượng và giảm sút đáng kể quân số cũng như nguồn lực tài chính, một phần do bị tấn công tiêu diệt, phần do ngày càng có nhiều tay súng trong hàng ngũ IS đào tẩu khỏi lực lượng này. Doanh thu từ dầu mỏ của IS đã bị giảm một nửa do các cuộc không kích của cả Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu, trong khi tổ chức này đã bị mất 47% lãnh thổ ở Iraq và 20% ở Syria sau hàng loạt cuộc chiến ác liệt thời gian qua.

Buộc phải quay trở lại với những kiểu tấn công khủng bố truyền thống bằng các cuộc đánh bom tự sát, IS muốn khích lệ ý chí chiến đấu cho các tay súng đang ngày càng mất tinh thần trước những thất bại liên tiếp. Trung Đông và Bắc Phi giờ đây không còn là địa bàn lý tưởng, IS đang nhắm tới châu Á như một địa bàn tiềm năng, nơi chúng đã giành được sự ủng hộ trung thành của một số tổ chức khủng bố cực đoan bản địa, như Abu Sayyaf ở Philippines.

Hiện trường một vụ đánh bom đẫm máu ở thủ đô Baghdad. Ảnh minh họa: TTXVN.
Hiện trường một vụ đánh bom đẫm máu ở thủ đô Baghdad. Ảnh minh họa: TTXVN.

Sự tuyệt vọng của IS còn thể hiện ở chỗ, tổ chức này nhanh nhảu tự nhận trách nhiệm với cả những cuộc tấn công mà không chắc do chúng thực hiện, điển hình như vụ khủng bố ở Bangladesh. Khi tự coi mình là thủ phạm vụ tấn công ở một địa bàn mới như Bangladesh, IS muốn lôi kéo các phần tử vũ trang Hồi giáo tại quốc gia này gia nhập tổ chức.

Ngoài Đông Nam Á, khu vực Nam Á là nơi mà IS đang nhắm tới để thiết lập các chân rết. Tấn công khủng bố ở A-rập Xê-út, quốc gia sáng lập và dẫn đầu liên minh các nước Hồi giáo chống IS gồm 34 quốc gia, IS muốn dằn mặt các nước Hồi giáo ủng hộ liên minh này. Ngoài những mục tiêu đã tiến hành trót lọt, IS còn âm mưu tiến hành vụ tấn công khủng bố lớn nhất nhằm vào Tehran và nhiều thành phố khác của Iran nhưng đã bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, chiến dịch tấn công tàn bạo ở một loạt quốc gia của IS cho thấy tổ chức này chưa từ bỏ tham vọng “đế chế Hồi giáo”. Phô trương sức mạnh bằng những vụ đánh bom liều chết đẫm máu, IS muốn chứng tỏ rằng chúng vẫn có khả năng tấn công tại những nơi ở xa vùng lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát.

Đây là cách chúng truyền cảm hứng cho những thành viên ủng hộ tiềm năng, những phần tử đang bị tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến cực đoan. Đó không chỉ là hình thức tự quảng cáo sức mạnh mà còn là cách tuyển dụng tân binh cho IS bằng chính bạo lực. Bởi vậy, mục tiêu tấn công của IS không chỉ là các mục tiêu phương Tây, kẻ thù trực tiếp, mà cả các nước Hồi giáo, nơi có nhiều người dân theo đạo Hồi.

Để theo đuổi tham vọng của mình, IS đang thay đổi chiến thuật bằng chiến dịch “gieo rắc nỗi sợ hãi và chết chóc” ở khắp nơi trên thế giới. IS đã lựa chọn thời điểm thích hợp để gia tăng hiệu quả của các cuộc tấn công.

Không phải ngẫu nhiên loạt vụ tấn công ở Iraq, A-rập Xê-út được tiến hành vào đúng dịp tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo vừa kết thúc ngày 5-7. Theo thông lệ của người Hồi giáo, hy sinh trong tháng lễ linh thiêng này sẽ là cái chết có giá trị hơn ở những thời điểm khác. Thông lệ ấy đã bị IS lợi dụng và nhuốm màu cực đoan để kêu gọi chiến dịch “tử vì đạo” bởi lời kêu gọi trong tháng Ramadan sẽ có sức lôi cuốn hơn với một số phần tử thánh chiến.

Sự nguy hiểm và tinh vi trong hoạt động của tổ chức này thì không hề giảm sút. Ngoài các cuộc tấn công có tổ chức và được IS lên kế hoạch, những cuộc tấn công do những “sói đơn độc”- những tên khủng bố hoạt động độc lập - thực hiện đang là mối đe dọa thực sự đối với an ninh của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bằng hình thức tuyên truyền tinh vi trên internet và các trang mạng xã hội, IS đã tạo ra những “sói đơn độc” mang tư tưởng cực đoan, có thể tấn công bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu, nằm ngoài sự kiểm soát của các lực lượng an ninh.

Đáng lo ngại hơn là những tay súng dày dạn kinh nghiệm từng tham gia IS trở về quê hương và âm thầm tiếp tục cuộc thánh chiến. Có tin cho biết IS đã thiết lập được một mạng lưới khủng bố bí mật, nòng cốt là những phần tử được IS đào tạo này, nhằm đẩy mạnh các cuộc tấn công trên toàn cầu trong bối cảnh IS đang gánh chịu những thất bại ở Iraq và Syria.

Theo chuyên gia Andrew M.Liepman, cựu Phó giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia của Mỹ, các cuộc tấn công này sẽ không theo bất kỳ khuôn mẫu đặc biệt nào; một số sẽ được lên kế hoạch một cách tập trung, số khác có thể có sự liên hệ với IS, trong khi một số cuộc tấn công sẽ mang tính địa phương hoàn toàn.

Sự chuyển hướng của IS đang đặt ra những thách thức thực sự đối với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Cuộc chiến này rõ ràng cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp cả về chiến lược và chiến thuật nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố bất ngờ của IS.

Chắc chắn cuộc chiến này sẽ không chỉ dừng lại ở các cuộc tấn công tiêu diệt IS ở Trung Đông mà còn ở ngoài khu vực này. Cuộc chiến chống IS sắp tới vì thế vẫn tiếp tục là một cuộc chiến khó khăn, phức tạp bởi sẽ bước vào giai đoạn tấn công trên mọi mặt trận, mở rộng trên nhiều địa bàn hơn và đòi hỏi sự chung sức, hợp tác của toàn thế giới.

Theo Mỹ Hạnh

Quân đội nhân dân