Thời điểm căng thẳng trước thay đổi phút chót của ông Trump về thuế quan
(Dân trí) - Những xáo trộn về kinh tế, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu chính phủ, đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đảo ngược chính sách đánh thuế cao, theo New York Times.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (trái) và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick (Ảnh: Reuters).
Trong tuần qua, Tổng thống Trump đã thúc giục mọi người "hãy bình tĩnh" trước tình hình hỗn loạn tài chính sau tuyên bố áp thuế đối ứng và phản đối những lời kêu gọi xem xét lại cách tiếp cận này.
"Tôi biết mình đang làm gì", ông nói với những thành viên đảng Cộng hòa vào hôm 8/4 khi mức thuế quan khổng lồ mà ông áp đặt khiến thị trường toàn cầu chao đảo. "Hãy bình tĩnh!" ông nói trong một bài đăng trên mạng xã hội vào sáng 9/4. "Mọi thứ sẽ ổn thôi". Vào lúc 9h37 ngày 9/4, Tổng thống Trump vẫn lạc quan về chính sách của mình, đăng trên mạng Truth Social rằng: "Đây là thời điểm tuyệt vời để mua vào".
Nhưng cuối cùng, thị trường dường như đã khiến ông phải đảo ngược quyết định. Theo 4 nguồn tin thân cận, tình hình kinh tế hỗn loạn, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu chính phủ, đã khiến ông Trump phải cân nhắc vào chiều 9/4 và tạm dừng các mức thuế quan "có đi có lại" đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày, trừ Trung Quốc.
Theo đó, Tổng thống Mỹ thông báo giảm thuế đối ứng còn 10% và hoãn áp dụng 90 ngày đối với nhiều đối tác thương mại. Tuy nhiên, ông tuyên bố tăng thuế ngay lập tức với Trung Quốc lên 125%, đáp trả việc Bắc Kinh áp thuế trả đũa 84% lên hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4.
Khi được yêu cầu giải thích về quyết định này, ông Trump nói với các phóng viên rằng mọi người đang lo lắng hơi quá đà.
Đằng sau hậu trường, các thành viên cấp cao trong nhóm của ông Trump được cho là đã lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và có khả năng tổn hại nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và những quan chức khác trong nhóm của Tổng thống, bao gồm Phó Tổng thống JD Vance, đã thúc đẩy một cách tiếp cận có cấu trúc hơn đối với xung đột thương mại, tập trung vào giải quyết thâm hụt thương mại với Trung Quốc, trong khi gửi đi thông điệp rằng chính quyền Tổng thống Trump vẫn nghiêm túc trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại.
Sau khi ông Trump đảo ngược quyết định của mình, nhóm thân cận của ông Trump tuyên bố, việc hoãn tăng thuế này không phải do phản ứng của thị trường mà là "chiến lược từ đầu của Tổng thống Trump", một chiến lược tuyệt vời được lấy từ những trang sách bán chạy: "Nghệ thuật đàm phán".
Bộ trưởng Bessent thậm chí còn phủ nhận rằng thị trường trái phiếu đã thúc đẩy sự thay đổi trên. "Hôm nay, chúng tôi đã thấy chiến lược đàm phán thành công mà Tổng thống Trump triển khai một tuần trước. Chiến lược này đã đưa hơn 75 quốc gia tiến tới đàm phán", ông Bessent nói.
"Mọi quốc gia trên thế giới muốn đến đàm phán, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, chúng tôi sẽ giảm mức thuế cơ bản xuống 10% cho họ", Bộ trưởng Bessent phát biểu bên ngoài Nhà Trắng ngay sau khi ông Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày.
Tuy nhiên, khi giải thích về quyết định của mình, ông Trump đã thừa nhận đà lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ là một phần trong lý do khiến ông quyết định hoãn áp dụng thuế đối ứng với hàng chục đối tác thương mại và nói rằng ông đang hành động "theo bản năng, hơn bất kỳ điều gì khác".
Ông nói thêm: "Tôi đã theo dõi thị trường trái phiếu. Thị trường trái phiếu rất phức tạp".
Nhiều cố vấn và quan chức cấp cao nhất của ông Trump không biết về sự thay đổi lớn này trong chính sách cho đến phút cuối, vì mới sáng 9/4, ông Trump vẫn ám chỉ rằng sẽ tuân thủ kế hoạch trước đó của mình.
Theo các nguồn tin, Bộ trưởng Bessent đã đóng vai trò quan trọng trong quyết định tạm dừng của Tổng thống Trump. Nhưng "công lao" thực sự nên thuộc về thị trường trái phiếu, các cố vấn của ông Trump thừa nhận.
Quyết định của ông Trump được thúc đẩy bởi lo ngại rằng canh bạc thuế quan của ông có thể nhanh chóng biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính. Và không giống hai cuộc khủng hoảng trước đó trong 20 năm qua - cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch năm 2020 - cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ do một người gây ra.
Nỗ lực của Bộ trưởng Bessent
Vào ngày công bố kế hoạch áp thuế toàn diện hôm 2/4, Tổng thống Trump đã hứa sẽ "làm cho nước Mỹ giàu có trở lại".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (phải) và Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt phát biểu tại Vườn Hồng về thuế quan ngày 9/4. Ông Bessent được cho là đã nỗ lực góp phần giúp Tổng thống Trump thay đổi quyết định về áp thuế (Ảnh: Reuters).
Nhưng các chi tiết của kế hoạch và mục tiêu vẫn còn mơ hồ. Trong quá trình chuẩn bị cho thông báo về thuế quan vào tuần trước, nhóm kinh tế của ông Trump đã tranh luận cho đến phút cuối cùng về hình thức áp thuế, trong đó Bộ trưởng Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đều tranh luận riêng về việc áp dụng mức thuế hạn chế hơn.
Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, là cố vấn tích cực nhất của ông Trump, nhấn mạnh vào chiến lược thuế quan mà ông tuyên bố sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất của Mỹ.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đưa ra công thức riêng để tính thuế suất đối với các quốc gia, dựa trên thuế suất của họ cộng với ước tính các rào cản thương mại khác. Nhưng cuối cùng, Tổng thống đã quyết định áp dụng công thức dựa trên thâm hụt thương mại, các nguồn tin thân cận cho biết. Khi mức thuế quan cuối cùng được công bố vào hôm 2/4, thị trường đã lao dốc.
Đến ngày 6/4, ông Bessent quyết định rằng cần có một cuộc gặp riêng với Tổng thống. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, thị trường sẽ mở cửa trở lại và các nhà đầu tư dự đoán một "Thứ Hai đen tối".
Ông Bessent đã có một chuyên đi cùng Tổng thống Trump trở về Washington trên chuyên cơ Không lực Một. Trong suốt chuyến bay, Bộ trưởng Bessent đã khuyên Tổng thống tập trung vào việc đàm phán với các quốc gia khác, nói rằng ông Trump là nhà đàm phán khéo léo nhất.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Trump cần phải nêu rõ mục tiêu cuối cùng của kế hoạch vì thị trường cần sự chắc chắn hơn. Tuy nhiên, ông Trump đã phản đối, nhấn mạnh rằng nỗi đau này chỉ là "ngắn hạn". Đáp lại, ông Bessent cho biết điều đó có thể có nghĩa là có thể "kéo dài nhiều tháng theo điều kiện của thị trường".
Tổng thống Trump dường như chỉ tiếp thu một phần thông điệp. Vào sáng 7/4, ông đã soạn thảo một bài đăng trên Truth Social để nói rằng "các cuộc đàm phán" sẽ diễn ra với các quốc gia; ông đã thay đổi thành nói rằng họ sẽ "đàm phán". Đến chiều 7/4, ông nói với các phóng viên: "Hầu như mọi quốc gia đều muốn đàm phán".
Nhưng vẫn chưa có biểu hiện mạch lạc nào về quyết định cuối cùng: Tổng thống Trump liệu có muốn sử dụng các khoản thuế như một chiến thuật đàm phán để đạt được các thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ không? Hay ông có ý định giữ nguyên chúng như một công cụ để tăng doanh thu và buộc các hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ?
Tìm kiếm sự rõ ràng
Mặc dù chiến lược áp thuế của ông Trump vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc nhà lãnh đạo này sẽ hành động quyết liệt để áp chúng không phải là bất ngờ.
Ông Trump đã vận động tranh cử bằng cam kết sẽ áp dụng mức thuế cơ sở toàn cầu và các cố vấn của ông đã nói rõ rằng Tổng thống sẽ làm theo bản năng của mình sau nhiệm kỳ đầu tiên mà ông tin rằng các cố vấn đã cố gắng ngăn cản ông ở "mọi ngã rẽ".
Khi nhậm chức lần hai, ông Trump đã nói với các cố vấn rằng: Lần này ông muốn làm theo cách của mình. Ông đã chọn cho mình những cố vấn tin tưởng nhất và ông đã nhiều lần tuyên bố xem thuế quan là công cụ để giải cứu nền kinh tế khỏi các quốc gia nước ngoài đã lợi dụng Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Các nhà đầu tư, giám đốc điều hành Phố Wall và các nhà tài trợ lớn đã tự thuyết phục mình rằng, Tổng thống Trump chỉ đang nói suông để lấy lòng cử tri hoặc ông rồi cũng sẽ bị thuyết phục từ bỏ các đề xuất thuế quan mạnh mẽ nhất của mình. Một số cố vấn của ông đã thử.
Tuy nhiên, thực tế thì ông Trump đã làm, đang làm như các cam kết tranh cử. Với câu chuyện thuế quan lần này, mọi việc có thể chỉ thực sự rõ ràng sau 90 ngày nữa.