Thỏa thuận ngừng bắn mới khó mang lại hy vọng cho Syria
Ba ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Nga-Mỹ làm trung gian chính thức có hiệu lực tại Syria vào ngày 12-9, Nga đã cáo buộc Mỹ không tuân thủ các nghĩa vụ đề ra trong thỏa thuận, đồng thời chỉ trích giới chức Washington vì đã lên tiếng hoài nghi nỗ lực hợp tác của Moskva trong việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn này...
Cáo buộc của Nga được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định, tình trạng bạo lực vẫn đang tiếp diễn từ cả hai phía ở Syria dù lệnh ngừng bắn được gia hạn thêm 48 giờ.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, trong 3 ngày, kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, chỉ có Nga và quân đội Chính phủ Syria tuân thủ quy chế ngừng bắn, còn phe đối lập mà Mỹ gọi là “ôn hòa” (được Washington hậu thuẫn) vẫn tiếp tục bắn phá các khu dân cư.
Mâu thuẫn nói trên giữa Nga và Mỹ phát sinh vào thời điểm thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực chưa được bao lâu khiến số phận của thỏa thuận này càng mong manh đúng như dự báo của giới phân tích. Ngay từ đầu, các nhà phân tích hàng đầu của Israel đã cho rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ không thể duy trì được trong thời gian dài, cũng như khó có thể mang lại một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc nội chiến ở Syria.
Cho dù thế nào thì đây cũng là một tín hiệu không mấy lạc quan đối với cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang năm thứ 6 và cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người, theo thống kê của Liên hợp quốc. Thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được dựa trên cơ sở Nga và Mỹ kiềm chế các đồng minh của mình-quân đội chính phủ và phe đối lập Syria, nhằm chấm dứt nổ súng.
Theo thỏa thuận, nếu bạo lực được ngăn chặn và niềm tin được duy trì qua khoảng thời gian 7 ngày, Mỹ và Nga sẽ bắt đầu phối hợp quân sự chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tổ chức có mối quan hệ với Al-Qaeda là Jabhat Fatah al-Sham (JFS), trước đây là Mặt trận al-Nusra. Nhưng trong trường hợp xấu, Nga và Mỹ không duy trì được thỏa thuận ngừng bắn, rất có thể đây sẽ là dấu chấm hết cho khả năng hợp tác Nga-Mỹ vốn được cho mang lại nhiều hy vọng hơn cả để giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Đó là kết cục không ai mong muốn trong bối cảnh Syria giờ đây không thể tự mình giải quyết cuộc xung đột và cuộc nội chiến đã bị quốc tế hóa, phụ thuộc vào ý đồ của các cường quốc bên ngoài nhiều hơn là các phe phái bên trong. Bất kỳ phe nhóm nào ở Syria hiện này đều không thể đủ khả năng “cầm cờ” hay tập hợp lực lượng để giành chiến thắng, mà phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của những nước “chống lưng” để chiến đấu.
Đáng lo ngại là ngày 15-9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong vòng 24 giờ đã ghi nhận 45 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ở Syria. Thỏa thuận ngừng bắn mới có nguy cơ bị phá vỡ bất cứ lúc nào giống như thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 2-2016 ở Syria.
Trước thực tế bạo lực vẫn tái diễn trong thời gian lệnh ngừng bắn có hiệu lực, không ai dám hy vọng thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình chính trị ở Syria. Thỏa thuận ngừng bắn được trông đợi sẽ tạo ra môi trường cần thiết để đưa các bên ở Syria ngồi vào bàn hòa đàm và đối thoại với nhau. Nhưng bạo lực vẫn chưa chấm dứt và mấu chốt là hai bên sẽ đàm phán như thế nào trong khi cả hai phía vẫn bất đồng về số phận của Tổng thống Syria Al - Assad.
Mà cho dù hai bên có cơ hội đến bàn đàm phán cũng rất ít hy vọng vào một kết quả tích cực vì rõ ràng Nga và Mỹ vẫn chưa nhất trí được tiến trình hòa đàm sẽ ra sao. Phía Nga mong muốn một thỏa thuận mà trong đó ông Al - Assad vẫn tại vị, trong khi phía Mỹ và cả phe đối lập lại nhất định đòi ông phải ra đi.
Vì vậy, một khi không bên nào chịu nhượng bộ để giải quyết bất đồng cơ bản liên quan đến việc đi hay ở của Tổng thống Al - Assad thì cho dù có đạt được bao nhiêu thỏa thuận ngừng bắn đi chăng nữa cũng chưa thể đưa lại một giải pháp cuối cùng cho vấn đề Syria.
Các lệnh ngừng bắn chỉ góp phần tạo ra vài ngày đình chiến tạm thời, giúp hạ nhiệt căng thẳng và tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo. Có ý kiến bi quan còn cho rằng, sau thời gian này, bạo lực ở Syria sẽ lại tái diễn ác liệt hơn vì các bên đã có thời gian để củng cố địa bàn chiếm đóng, lực lượng và tái trang bị vũ khí.
Thậm chí, ngay cả trong trường hợp hòa đàm được tái lập, bạo lực sẽ còn ác liệt hơn khi các phe phái tìm cách gia tăng lợi thế về chính trị và quân sự nhằm chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán.
Nhưng dù thế nào cũng phải thừa nhận thỏa thuận ngừng bắn mới chứng tỏ hai cường quốc Nga và Mỹ đã đạt được bước tiến trong nỗ lực “bắt tay” cùng giải quyết vấn đề hóc búa Syria, cho dù còn rất dè dặt.
Đáng ghi nhận nữa là gần đây Mỹ đã chính thức xếp nhóm JFS ở Syria là một tổ chức khủng bố, giúp hai bên phần nào giải quyết được bất đồng về việc xác định nhóm nổi dậy nào ở Syria là khủng bố và nhóm nào không. Từ đó, mở ra cơ hội hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước trong cuộc chiến chống IS vốn luôn đe dọa nhấn chìm mọi nỗ lực ngừng bắn và hòa đàm ở Syria.
Nhưng để đạt được những bước đột phá giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, điều quan trọng nhất vẫn là các bên liên quan, không chỉ Nga và Mỹ, phải đạt được sự nhượng bộ và thỏa hiệp sâu rộng hơn nữa bằng những hành động thực chất, nhất là cần gác lại những toan tính lợi ích chiến lược của mình ở Trung Đông.
Theo Mai Nguyên
Quân đội nhân dân