1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thỏa thuận “Đại liên minh” tại Đức: Cuộc hôn nhân không có tình yêu

Dù đây là cái bắt tay đang được châu Âu mong đợi và giúp yên lòng các nhà đầu tư, nhưng giới quan sát lại ví đây là “cuộc hôn nhân không có tình yêu”.

Sau hơn 24 giờ đàm phán, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) và đảng đối tác trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) tại Đức đã đạt được thỏa thuận liên minh để thành lập chính phủ mới, chấm dứt bế tắc trên chính trước Đức kéo dài hơn 4 tháng qua.


Giới quan sát lại ví thỏa thuận Đại liên minh ở Đức là cuộc hôn nhân không có tình yêu và là lựa chọn cuối cùng khi không có giải pháp nào thay thế. Ảnh: DW

Giới quan sát lại ví thỏa thuận Đại liên minh ở Đức là "cuộc hôn nhân không có tình yêu" và là lựa chọn cuối cùng khi không có giải pháp nào thay thế. Ảnh: DW

Một chính phủ mới được hình thành và một nhiệm kỳ lần thứ 4 liên tiếp dành cho Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel. Mặc dù đây là cái bắt tay đang được châu Âu mong đợi và giúp yên lòng các nhà đầu tư, nhưng giới quan sát lại ví đây là "cuộc hôn nhân không có tình yêu" và là lựa chọn cuối cùng khi không có giải pháp nào thay thế.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua hoan nghênh thỏa thuận thành lập chính phủ "đại liên minh" vừa đạt được. Phát biểu tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel tin tưởng rằng, thỏa thuận liên minh vừa nhất trí có thể hình thành nên nền tảng cho một chính phủ ổn định và xuất sắc mà Đức đang rất cần lúc này cũng như nhiều nước khác kỳ vọng.

Cao ủy châu Âu phụ trách kinh tế và tài chính Pierre Moscovici hoan nghênh thỏa thuận, cho rằng đây là một thông tin tốt lành không chỉ đối với người dân Đức mà còn cả châu Âu.

“Thỏa thuận liên minh này rất cần thiết cho nước Đức vì một chính phủ ổn định. Với thỏa thuận đạt được sẽ giúp tránh giai đoạn bất ổn chính trị hơn tại quốc gia này, giúp họ có nhiều thời gian hơn tập trung vào châu Âu. Đây cũng là thông tin tốt lành với châu Âu vì sẽ có một chính phủ ủng hộ châu Âu ổn định vững mạnh và đầy tham vọng, cho phép thúc đẩy các chính sách của châu Âu trong tương lai”, ông Moscovici nói.

Hiện Thỏa thuận này vẫn cần phải vượt qua vật cản cuối cùng đó là cần hơn 440.000 đảng viên của Đảng Dân chủ xã hội trên toàn quốc thông qua. Hiện tại, một số nhóm trong Đảng Dân chủ xã hội đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc tái lập chính phủ đại liên minh với CDU/CSU như nhiệm kỳ vừa qua. Mặc dù vậy, triển vọng tăng chi tiêu của chính phủ, trong đó có nguồn đầu tư cho các dự án giáo dục và kỹ thuật số hóa, có thể làm dịu quan điểm của một số đảng viên cánh tả trong Đảng Dân chủ xã hội.

Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Martin Schulz hôm qua bày tỏ lạc quan về việc các thành viên trong đảng sẽ ủng hộ liên minh: “Cũng có những ý kiến chia rẽ trong đảng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn lạc quan rằng có đủ khả năng thuyết phục đại đa số các thành viên cho phép chúng tôi tham gia vào một đại liên minh như vậy”.

Một sự thỏa hiệp giữa hai đảng có quan điểm chính trị đối lập là một tín hiệu tốt lành đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên giới quan sát cũng nhận định, cái bắt tay giữa CDU/CSU và SPD là một cuộc hôn nhân không tình yêu, là lựa chọn ít rủi ro nhất vì đơn giản không có giải pháp tốt hơn nào thay thế. Một chính phủ thiểu số được xem là không ổn định hay các cuộc bầu cử mới sẽ dẫn đến khoảng thời gian dài bất ổn, có thể tác động tiêu cực đến kế hoạch cải cách khu vực đồng euro đều là những lựa chọn không khả quan. Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó thừa nhận: “Mỗi người cần phải đưa ra những thỏa hiệp đau đớn”.

Vì vậy, giới quan sát nhận định, thỏa thuận đại liên minh đạt được không phải là một sự hào hứng của các đảng thúc đẩy một tầm nhìn lớn cho nước Đức mới, mà chỉ là một danh sách các thỏa hiệp giúp mang lại lợi ích cho các bên. Trong thỏa thuận liên minh cũng có những cam kết về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ, có thể thúc đẩy nền kinh tế Đức và cắt giảm thuế làm tăng chi tiêu tiêu dùng của Đức.

Tuy nhiên, với việc các bộ quan trọng đều nằm trong tay của Đảng Dân chủ xã hội, trong đó có Bộ Tài chính, cũng có nghĩa là sẽ có nhiều hỗ trợ của Đức hơn cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn trong khu vực đồng euro, thúc đẩy việc thực hiện hóa kế hoạch cải cách EU của Tổng thống Pháp cũng như thay đổi lập trường của Đức bấy lâu nay về vấn đề Brexit.

Điều này đặt ra câu hỏi về việc bất kì lợi thế nào mà “đại liên minh" mang lại cũng có thể trở thành bất lợi với các cử tri Đức.

Theo Phạm Hà

VOV