1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ "vùng vẫy" trong khủng hoảng hậu đảo chính

(Dân trí) - Trong một động thái được cho là nhằm củng cố quyền lực, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tiến hành một chiến dịch “thanh trừng” quy mô lớn sau đảo chính. Tuy nhiên, cuộc đảo chính bất thành mới đây có thể phân cực hơn nữa một Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào hỗn loạn.


Những người bị bắt giữ trong chiến dịch thanh trừng. (Ảnh: AFP)

Những người bị bắt giữ trong chiến dịch "thanh trừng". (Ảnh: AFP)

Cuộc thanh lọc hậu đảo chính

Các số liệu thống kê cho biết khoảng 1.400 người đã bị thương khi những binh sĩ tiến hành đảo chính dùng xe tăng, trực thăng và chiến đấu cơ tấn công nhằm vào các đám đông, chiếm giữ sân bay Attaturk và các cây cầu ở Istanbul, cũng như trụ sở của quốc hội hay cơ quan tình báo ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần trước.

Reuters bình luận, những biến động sau cuộc đảo chính hôm 15/7 có thể còn lâu mới kết thúc. Nó đã làm chao đảo quốc gia và gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho quân đội, lực lượng được coi là nền tảng để duy trì ổn định ở một quốc gia đang phải gồng mình chiến đấu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng phiến quân người Kurd.

Nhà phân tích Hugh Pope và Nigar Goksel của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế nhận xét: "Cuối cùng, Tổng thống Erdogan và những người ủng hộ ông ấy đã giành chiến thắng trong ngày hôm đó nhưng không ai ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể giành chiến thắng trong dài hạn. Quan trọng hơn tất cả, cuộc đảo chính đã ảnh hưởng tới quân đội. Dựa trên tình hình ở các nước láng giềng hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ, vụ việc này sẽ còn tác động nghiêm trọng hơn nữa trong thời gian tới".

Vụ đảo chính do một nhóm binh sĩ tiến hành đã kích động những người theo chủ nghĩa quốc gia và đạo Hồi ủng hộ Tổng thống Erdogan. Một chiến dịch "thanh trừng" đang được tiến hành khi hàng nghìn người bị cáo buộc có liên quan tới đảo chính, từ quân đội, toà án, đại học và dịch vụ công, đã bị tạm giữ và chờ điều tra. Tổng thống Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) đã cáo buộc Giáo sĩ Fethullah Gulen đứng đằng sau âm mưu đảo chính và đề nghị Mỹ dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử.

Sau đảo chính, khoảng 35.000 người làm việc trong các lĩnh vực như quân đội, cảnh sát, tư pháp và dịch vụ công đã bị bắt giữ hoặc tạm cho thôi việc do bị nghi có quan hệ với Giáo sĩ Gulen. Cuộc "thanh trừng" đã mở rộng sang cả lĩnh vực giáo dục. Ngày 19/7, đài truyền hình quốc gia TRT thông báo hàng nghìn trưởng khoa tại nhiều trường đại học ở nước này đã bị yêu cầu từ chức, trong khi giấy phép của khoảng 21.000 giáo viên các trường tư nhân đã bị rút lại. Lâu nay, các trường tư ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước ngoài đã ủng hộ phong trào của Giáo sĩ Gulen bằng các hoạt động chiêu mộ người ủng hộ và gây quỹ tài chính.

Tốc độ và quy mô của chiến dịch "thanh trừng", cùng với lời kêu gọi khôi phục lại án tử hình, đã gióng lên tiếng chuông báo động với những đồng minh phương Tây, những nước đang kêu gọi Ankara cần phải tôn trọng pháp quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO và đang đề nghị được xét quá trình trở thành thành viên Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những lời kêu gọi đó sẽ khó có thể được đáp ứng. Đảo chính thất bại đã ảnh hưởng tới quan điểm của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.


(Ảnh minh họa: Reuters)

(Ảnh minh họa: Reuters)

Khủng hoảng nghiêm trọng hiện hữu

Một số nhà phân tích ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Tổng thống Erdogan đang sử dụng cuộc đảo chính như một cái cớ để mở rộng và củng cố quyền lực. Họ cho rằng cuộc đảo chính thất bại đã "vũ trang" cho Tổng thống Erdogan để ông gạt bỏ những rào cản còn lại để thay đổi hệ thống dân chủ nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ bằng một hệ thống tổng thống, động thái sẽ yêu cầu sửa đổi hiến pháp và bị những đối thủ của ông Erdogan coi là mở đường để tạo sự chuyên quyền tại quốc gia này.

Tuy nhiên, những cố vấn của Tổng thống Erdogan đã bác bỏ cáo buộc nêu trên. Người phát ngôn của Tổng thống Erdogan, ông Ibrahim Kalin cho biết hàng nghìn binh sĩ đã tham gia cuộc đảo chính và cuộc truy bắt chỉ là "lẽ tự nhiên" để Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sức mạnh của luật pháp khi tiến hành bắt giữ những nghi phạm với cáo buộc phản quốc. Ông Kalin nói: "Không có gì đặc biệt hay đáng ngạc nhiên trước thực tế rằng hàng nghìn người đã bị bắt giữ".

Tổng thống Erdogan từng gọi cuộc đảo chính là "món quà của Thượng đế" để ông có thể làm trong sạch quân đội. Dĩ nhiên, chiến dịch "thanh trừng" quy mô lớn nhắm tới cả toà án hiến pháp, vốn được giới chỉ trích Tổng thống Erdogan coi là cơ quan duy nhất đủ khả năng đối phó với sự xói mòn các quy định của luật pháp.

Nhà phân tích Mustafa Akyol cho rằng: "Cuộc đảo chính sẽ thay đổi tất cả mọi thứ. Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình trạng rất căng thẳng. Chiến dịch đàn áp mạnh tay đang tạo ra mối lo ngại lớn. Có một biến động lớn trong quân đội và các lực lượng an ninh, trong khi nhiều sĩ quan bị trừng phạt. Làm thế nào để thay thế họ và làm thế nào để huấn luyện những người mới đang là những vấn đề lớn hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng".

Những sự kiện gần đây đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã chịu không ít tác động bởi những vụ tấn công của lực lượng người Kurd và các vụ đánh bom liều chết của IS, trở nên mong manh và lộ nhiều điểm yếu hơn. Có nhiều lo ngại rằng chủ nghĩa kế tục ở quốc gia, vốn đã bị chia rẽ vì quan điểm ngày càng gia tăng thiên về Hồi giáo của AKP, sẽ trượt sâu hơn nữa vào hệ thống chính trị tôn giáo dân tuý. Giới quan sát đã chỉ ra lời kêu gọi bất ngờ của những giáo sĩ tại các đền thờ Hồi giáo, đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan và hối thúc người dân xuống đường bảo vệ đất nước. Ông Marc Pierini, cựu Đại sứ EU tại Thổ Nhĩ Kỳ và đang là học giả tại tổ chức Carnegie Europe, nhận xét: "Nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ và mối liên minh với phương Tây có thể là những nạn nhân đầu tiên của đảo chính".

Ngọc Anh

Tổng hợp