1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hành xử “hai mặt”?

Chính quyền Erdogan tiếp tục tấn công người Kurd dù trước đó để để ngỏ muốn nối lại quan hệ với Nga và mong muốn sự ủng hộ cả Mỹ.

Thổ không kích PKK ở miền Bắc Iraq

Ngày 1/4, truyền thông Anh dẫn nguồn tin từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các máy bay chiến đấu của Ankara đã tiến hành nhiều cuộc không kích ở khu vực miền Bắc Iraq, phá hủy các kho đạn và nơi trú ẩn của phiến quân Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở nước này.

Trong một tuyên bố phát đi, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ bốn máy bay chiến đấu F-16 đã phá hủy các mục tiêu ở vùng Zap vào sáng 1/4. Sau đó, 8 máy bay F-4 tiến hành các cuộc oanh kích ở vùng Metina.

Cùng ngày, đại diện PKK đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ đánh bom xe hôm 31/3 ở thành phố Diyarbakir, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khiến bảy cảnh sát thiệt mạng và 27 người khác bị thương.

Đây được coi là một trong những vụ đánh bom xe lớn nhất trong những tháng bạo lực vừa qua ở khu vực này.

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hành động đòn thù vào lực lượng người Kurd.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục không kích người Kurd ở bắc Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục không kích người Kurd ở bắc Iraq.

Sáng 14/3, các máy bay chiến đấu của Ankara đã oanh kích các căn cứ của PKK ở miền Bắc Iraq. 11 máy bay chiến đấu không kích nhằm vào 18 mục tiêu đã định, trong đó có các kho chứa đạn dược và nơi trú ẩn, ở hai khu vực miền núi Kandil và Gara thuộc miền Bắc Iraq.

Động thái trên diễn ra sau vụ đánh bom xe hôm 13/3 ở khu vực Quảng trường Kizilay thuộc trung tâm thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, làm ít nhất 37 người thiệt mạng.

Ngoài người Kurd ở Iraq, Ankara cũng không ngần ngại tấn công lực lượng này ở Syria. Từ ngày 13/2 chính quyền Erdogan nã pháo vào khu vực lực lượng người Kurd đang kiểm soát gần thành phố Azaz, ở Tây Bắc Syria. Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Erdogan ngày 17/2 tuyên bố nước này không có ý định dừng pháo kích vào lực lượng này.

“Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định phải hành động như một liên quân. Tuy nhiên họ nói với chúng tôi rằng nên dừng việc nã pháo vào các tay súng thuộc Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) ở miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định dừng kế hoạch này. Nếu lực lượng nào đó thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ phải nhận sự phản ứng thích đáng”, ông Erdogan nói.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hành xử “hai mặt”?

Tuyên bố tấn công lực lượng người Kurd ở Syria diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang có những động thái muốn làm hòa với Nga và nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Erdogan.

Giới phân tích cho rằng, Ankara đang tiếp tục hành xử hai mặt với Moskva và Washington trong vấn đề người Kurd nhằm giành thêm những đặc quyền, đặc lợi trên chiến trường. Tuy nhiên, điều này sẽ không hề đơn giản vì cả Nga và Mỹ đã hiểu quá rõ bộ mặt thật của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 29/3, Tổng thống Erdogan đã bắt đầu chuyến thăm Washington 5 ngày để tham dự một hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, mục đích chính của nhà lãnh đạo Ankara lần này là tìm kiếm thêm tiếng nói ủng hộ từ nước đồng minh thân cận là Mỹ trong bối cảnh những bất đồng xung quanh vấn đề người Kurd đang khiến 2 nước dần xa nhau hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hành xử 2 mặt với Nga và Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hành xử 2 mặt với Nga và Mỹ.

Cùng thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm mọi cách để bình thường hóa quan hệ với Nga.

Mới đây, phát biểu bên lề một cuộc họp của Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, được tổ chức tại Istanbul, ông Mustafa Elitas, Bộ trưởng Kinh tế nước này đã bày tỏ tin tưởng rằng đây là thời điểm thích hợp để Moskva và Ankara hàn gắn, cải thiện quan hệ thương mại song phương, sau những căng thẳng kéo dài trước đó.

"Chúng tôi đang làm hết sức mình để bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga trong tương lai gần. Mối quan hệ của chúng tôi với Nga chắc chắn sẽ được cải thiện, một cái gì đó phải được thực hiện thông qua các nỗ lực chung giữa Ankara và Moskva”, ông Mustafa Elitas nhấn mạnh.

Trong một phát biểu hôm 29/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng khẳng định sẵn sàng tiếp tục quan hệ bình thường với Nga đồng thời kêu gọi hai nước củng cố "mối quan hệ thuận lợi".

Thậm chí truyền thông Ankara hôm 31/3 còn loan tin về việc giới chức nước này đã tiến hành bắt giữ Alparslan Celik, kẻ được cho là tay súng bắn chết phi công Nga nhảy dù khỏi chiến đấu cơ trúng tên lửa gần biên giới Syria hôm 24/11/2015.

Dù điện Kremlin từng nhiều lần đề nghị Ankara bắt giữ Celik và kết tội tên này vì giết phi công Nga tuy nhiên phải đến thời điểm này khi rơi vào cảnh bị cô lập tại châu Âu, chính quyền Erdogan mới thực hiện điều này coi như một động thái chứng tỏ thiện chí của giới chức nước này.

Thực tế là dù thể hiện mong muốn xóa bỏ những mâu thuẫn, đẩy mạnh hợp tác với hai ông lớn nhưng ngay sau đó Thổ Nhĩ Kỳ đã lộ rõ bản chất hai mặt của mình.

Cách hành xử với Mỹ đã thể hiện rõ điều này. Sau khi bị Tổng thống Obama từ chối gặp chính thức trong chuyến thăm 5 ngày tới Mỹ, tối 29/3, phát biểu tại một bữa tiệc tối với các học giả và chuyên gia Mỹ tại khách sạn St. Regis, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tỏ ngay thái độ thất vọng của mình đồng thời lên án chính quyền Obama ủng hộ người Kurd trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố IS.

“Ông ấy tiếp tục trở lại vấn đề: Khủng bố là khủng bố – không có người nào tốt cả. Ông ấy chỉ trích chính quyền Obama rất nhiều”, một trong những người tham dự giấu tên nói.

Tương tự với Nga. Dù tuyên bố muốn nối lại quan hệ hợp tác, nhưng chỉ ngay sau đó, Ankara sẵn sàng bất chấp tất cả để giáng đòn thù vào lực lượng người Kurd.

Giới phân tích cho rằng, dù thông điệp của chính quyền Erdogan gửi tới Nga và Mỹ đã rõ ràng tuy nhiên sự bất nhất trong lời nói và hành động của nước này sẽ chỉ càng làm cho mối quan hệ giữa các bên thêm căng thẳng mà thôi. Moskva và Washington hiểu rõ bộ mặt này của Ankara vì thế sẽ không dễ dàng nhân nhượng cũng như điều chỉnh mối quan hệ.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt