1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách thắt mở khôn ngoan của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ

Sau khi ép chết Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Nga lại khôn khéo khi nhẹ nhàng ở nút thắt thương mại giữa hai nước.

Nga dỡ lệnh cấm bay thương mại tới Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 24/3, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt đưa tin, Moskva đã cho phép mở lại các chuyến bay từ Nga tới khu nghỉ dưỡng Antalya ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, Cơ quan Hàng không dân dụng Liên bang Nga (Rosaviation) đã cấp phép cho hãng hàng không Ural Airlines thực hiện các chuyến bay tới Antalya. Cụ thể, Ural Airlines sẽ có 7 chuyến bay/tuần, cất cánh từ các sân bay ở Rostov-on-Don, Nizhny Novgorod và Kazan tới Antalya – một điểm đến yêu thích của du khách Nga.

Cách thắt mở khôn ngoan của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Trước đó, mối quan hệ giữa điện Kremlin và Ankara đã trở nên vô cùng tồi tệ, khủng hoảng leo thang sau khi chính quyền Erdogan tiến hành đơn phương bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24/11/2015.

Ngay sau đó, Moskva đã tiến hành nhiều biện pháp cấm vận, trừng phạt về kinh tế, trong đó có áp lệnh cấm các tua du lịch trọn gói, dịch vụ visa cùng với các chuyến bay thuê tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì thế, lượng khách Nga tới Ankara đã giảm gần 1 triệu người trong năm 2015, xuống còn 3,6 triệu lượt. Các chuyên gia dự đoán, số lượng này có thể còn sụt giảm mạnh nữa trong năm nay, thậm chí là trong kịch bản tồi tệ nhất chỉ con dưới 1 triệu khách.

Trong khi đó bản thân các công ty trong nước của Nga cũng hứng chịu những tổn thất nặng nề do việc cắt giảm đột ngột thị trường du lịch rộng lớn trước đó.

Với việc dỡ lệnh cấm bay thương mại tới Thổ Nhĩ Kỳ lần này, giới phân tích kỳ vọng mối quan hệ căng thẳng leo thang giữa Moskva và Ankara sẽ được xóa bỏ, thay vào đó là những hợp tác mới trong các lĩnh vực.

Cách thắt mở khôn khéo của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ

Giới phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên điện Kremlin lại thay đổi thái độ như vậy. Động thái trên đã nằm trong toan tính được sắp đặt từ trước của điện Kremlin. Chính quyền Tổng thống Putin đã thắt mở khôn ngoan trước Thổ Nhĩ Kỳ trong từng điều kiện khác nhau. Sau khi ép Ankara phải lùi bước ở Syria, đẩy chính quyền Erdogan rơi vào thế rối ren, Moskva đang nhẹ nhàng mở nút thắt thương mại.

Trước tuyên bố dỡ lệnh cấm bay thương mại tới Thổ Nhĩ Kỳ, điện Kremlin cũng từng để ngỏ khả năng sẵn sàng "rã băng" quan hệ với chính quyền Erdogan.

Ngày 25/3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko tuyên bố sẽ cân nhắc lại thái độ với Ankara nếu như nước này chấp nhận xin lỗi về vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11 năm ngoái.

“Nói một cách giảm nhẹ, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hiện không ở giai đoạn tốt đẹp. Như các bạn biết, chúng tôi không có lỗi trong việc làm quan hệ hai nước xấu đi. Chúng tôi sẵn sàng rã băng quan hệ nếu giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận trách nhiệm bắn rơi máy bay của Nga ở không phận Syria. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tín hiệu nào như vậy từ phía Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Valentina Matvienko chia sẻ.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Moskva cũng đưa ra 3 điều kiện nhằm khôi phục quan hệ với giới chức Ankara, trong đó yêu cầu đầu tiên là các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi cho hành động bắn hạ máy bay Su-24 Nga.

Tuy nhiên cũng có những lúc điện Kremlin tỏ ra cương quyết, cứng rắn dồn ép Ankara tới cùng trên chiến trường Syria cũng như sau căng thẳng leo thang hồi cuối tháng 11 năm ngoái.

Còn nhớ sau khi Su-24 của Nga bị bắn hạ, điện Kremlin đã tiến hành cấm vận, trừng phạt toàn diện Thổ Nhĩ Kỳ từ kinh tế đến du lịch, quốc phòng, quân sự, ngoại giao.

Hồi cuối tháng 1, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, một phần nỗ lực đáp trả Ankara sau vụ một máy bay quân sự Nga bị bắn rơi.

Cách thắt mở khôn ngoan của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ - 2

Giữa tháng 2 năm nay, khi chính quyền Erdogan gia tăng pháo kích vào lực lượng người Kurd và để ngỏ kế hoạch B đưa quân vào Syria, Moskva đã lên án mạnh mẽ cũng như kêu gọi NATO và các nước giáng đòn mạnh mẽ vào toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù nhận được cảnh báo của Nga nhưng chính quyền Erdogan vẫn ngoan cố triển khai kế hoạch quân sự ở Syria khiến tướng lĩnh nước này bất bình và đưa ra những lời cảnh báo.

“Họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, không thể sửa chữa được. Hành động này có thể là nguyên nhân làm nảy sinh thêm sự bất ổn kéo dài, và ngày càng nghiêm trọng hơn trong khu vực”, lời cảnh báo nói rõ.

Thực tế là Ankara đã phải nhận những đòn đau từ sự ngoan cố của mình, nền kinh tế trì trệ, yếu kém ngày càng trở nên kiệt quệ vì đòn cấm vận của Nga.

Theo thống kê, khối lượng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 14,4% vào tháng 1/2016 xuống 9,2 tỷ USD.

1.300 khách sạn tại các khu nghỉ mát của Ankara đã phải đóng các giao dịch và hợp đồng du lịch khi số lượng khách Nga sang nước này giảm đáng kể, kèm theo đó là sự gia tăng những vụ tấn công khủng bố thời gian gần đây.

Ngoài ra, Ankara cũng đang lao đao vì các cuộc đánh bom tấn công liên tiếp. Ngày 21/3, phát biểu tại Istanbul, Tổng thống Erdogan đã thừa nhận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trải qua một trong những làn sóng khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này.

Trong vòng 8 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 6 vụ đánh bom khiến hơn 200 người thiệt mạng, trong đó có 4 vụ do IS tiến hành. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, đã có 2 vụ tấn công xảy ra ở Thủ đô Ankara. Vụ đánh bom ngày 17/2 khiến 29 người chết; và vụ việc hôm 13/3 làm 37 người thiệt mạng.

Giới phân tích cho rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không biết điều mà tiếp tục ngoan cố, gia tăng đối đầu Nga như Ukraine từng làm thì nước này sẽ phải trả những giá đắt hơn nữa. Moskva nói là làm và chắc chắn sẽ không dừng lại ở những lời đe dọa hay tuyên bố suông.

Theo Hòa Bình (Tổng hợp)

Đất Việt