1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ bất đồng chuyện lịch sử

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đã quyết định triệu hồi đại sứ tại Washington về nước sau khi một uỷ ban của Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết coi các vụ tàn sát người Armenia một thế kỷ trước là tội diệt chủng.

Vụ sát hại hàng trăm nghìn người Armenia xảy ra trong 2 năm, 1915-1917, mà phía Armenia buộc tội là được thực hiện có hệ thống vào thời đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chính quyền Ankara kiên quyết phủ nhận những cáo buộc này và không công nhận các vụ tàn sát tập thể là tội diệt chủng.

 

Hôm thứ 4 vừa rồi, với 27 phiếu thuận và 21 phiếu chống, Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết coi vụ tàn sát người Armenia vào đầu thế kỷ thứ 20 dưới thời Ottoman là một vụ diệt chủng, mở đường để Quốc hội bỏ phiếu thông qua.

 

Tổng thống Mỹ Bush không ủng hộ việc thông qua nghị quyết và thất vọng về điều này. Ông Bush cho biết, việc thông qua nghị quyết có thể gây tổn hại tới mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng trong khối NATO cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố.

 

Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ bất đồng chuyện lịch sử - 1

 Những người biểu tình tuần hành tại Istabul.

 

Các cuộc biểu tình phản đối nghị quyết của Hạ viện Mỹ đã được tổ chức trên nhiều thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 11/10, một đám đông những người biểu tình đã tuần hành trên đường phố Istabul, mang theo những khẩu hiệu, biểu ngữ chống Mỹ và phủ nhận tội diệt chủng người Armenia.

 

Chính quyền Ankara hôm 11/10 cũng đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Washington về nước để tham vấn trong khoảng thời gian khoảng 1 tuần hay 10 ngày. Tuy nhiên, phát ngôn viên Levent Bilman của Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ không rút đại sứ mà chỉ trở về nước để tham vấn.

 

Nhưng cho dù việc triệu hồi đại sứ về nước chỉ để tham vấn cũng là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa 2 đồng minh lâu đời đang theo chiều hướng đi xuống và khả năng bùng phát một cuộc khủng hoảng mới tại một khu vực vốn đã nhiều bất ổn.

 

Tổn hại quan hệ đồng minh

 

Egeman Bagis, một cố vấn của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trả lời phỏng vấn báo chí cho biết các tuyến đường vận chuyển tối quan trọng tới các căn cứ quân sự của Iraq và Afghanistan, có nguy cơ bị gián đoạn.

 

Nghị quyết của Uỷ ban đối ngoại Hạ viện được thông quan trong bối cảnh chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc đưa quân tới miền bắc Iraq để truy tìm các dân quân ly khai người Kurd, một động thái bị Mỹ phản đối bởi nó có thể phá vỡ một trong số ít những khu vực hoà bình và ổn định nhất của Iraq.

 

Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ bất đồng chuyện lịch sử - 2

 Theo ước tính của các sử gia, khoảng 1,5 triệu người Armenia đã bị tàn sát vào đầu thế kỷ 20.

 

Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đã cung cấp nhiều trang thiết bị quân sự.

 

Đổi lại, khoảng 70% hàng hoá hậu cần của Mỹ tới Iraq đều qua Thổ Nhĩ Kỳ. 1/3 nhiên liệu mà quân đội Mỹ sử dụng cũng lấy từ nước này. Các căn cứ quân sự của Mỹ còn đưa nước và các nguồn tiếp tế khác bằng đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang phía bắc Iraq.

 

Các sử gia ước tính, khoảng 1,5 triệu người Armenia đã bị giết thời đế chế Ottoman vào đầu thế kỷ 20. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng con số đã bị phóng đại và đó không phải là tội diệt chủng mà là xung đột nội bộ trong đó một lượng lớn binh lính Thổ Nhĩ Kỳ cũng thiệt mạng.

 

VTH

Theo AP, BBC