Thổ Nhĩ Kỳ lại dùng tiêu chuẩn kép đại náo khu vực
Hy Lạp tiếp tục lên tiếng tố cáo máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận nước này bất chấp những cảnh báo trước đó.
Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận Hy Lạp
Ngày 10/2, Báo Ekathimerini dẫn báo cáo của quân đội và nhà chức trách Hy Lạp cho hay máy bay chiến đấu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm nước này ở khu vực phía bắc Biển Aegean bất chấp nhiều cảnh báo trước đó.
Theo nguồn tin, 6 máy bay chiến đấu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bay vào không phận của nước này mà không được sự cho phép của chính quyền sở tại, trong số đó có 2 chiếc trang bị vũ khí.
Thổ Nhĩ Kỳ không thừa nhận khu vực không phận kéo dài 10 dặm mà Hy Lạp tuyên bố là không phận của mình.
Khu vực này bao quanh các đảo ở Biển Aegean, nơi thường xuyên xảy ra các biến cố và tranh cãi trên biển và trên không giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ.
Đây không phải là lần đầu tiên Hy Lạp lên tiếng cáo buộc các máy bay của Ankara xâm phạm không phận nước này.
Trước đó hôm 30/12/2015, báo Hy Lạp Ekathimerini cũng đưa tin 8 chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó 2 chiếc có trang bị vũ khí đã bị máy bay Hy Lạp đuổi đi hôm 29/12.
Nguồn tin này cho hay cuộc rượt đuổi diễn ra sau khi 6 máy bay của Ankara được hộ tống bởi 2 chiến đấu cơ vi phạm không phận Hy Lạp 9 lần.
Hồi tháng 11 năm ngoái, một chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị chiến đấu cơ Hy Lạp xua đuổi do vi phạm không phận. Chính quyền Ankara sau đó lên tiếng khẳng định chiếc F-16 của nước này đang thực hiện một chuyến bay diễn tập trên vùng biển quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sử dụng “tiêu chuẩn kép” của Mỹ?
Giới truyền thông Hy Lạp nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng tình trạng kinh tế khó khăn của nước này để tăng cường xâm phạm không phận. Theo hãng tin Sputnik, trong năm 2015 các máy bay Ankara đã có 1.233 lần tiến vào vùng giới hạn 10 dặm này, với 31 lần bay vào không phận chính thức của Hy Lạp.
Thực tế cách Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố và đang hành động trong thời gian gần đây hoàn toàn tuân theo đúng "tiêu chuẩn kép" mà Mỹ đã từng áp dụng trước đó.
Từ trước đến nay, giới chức Ankara luôn tỏ thái độ gay gắt và cứng rắn tố cáo máy bay của Nga xâm phạm không phận nước này.
Còn nhớ hôm 5/10/2015, Ankara ra thông báo một máy bay phản lực của Nga đã vi phạm không phận gần biên giới với Syria, khiến hai chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ phải hộ tống máy bay này ra khỏi khu vực.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó đã ra lời cảnh báo Nga sẽ phải "chịu trách nhiệm về bất kỳ sự cố không mong muốn nào" nếu tái diễn xâm phạm không phận.
Hơn 1 tháng sau, ngày 24/11, F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã đơn phương bắn hạ Su-24 của Nga trên không phận Syria.
Ankara tố cáo chiến đấu cơ của Moskva vi phạm không phận lãnh thổ nước này 17 giây bất chấp nhiều cảnh báo được phát đi trước đó. Và quyết định bắn hạ máy bay của chính quyền Erdogan chỉ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và tuân thủ đúng luật giao chiến quốc tế.
Tuy nhiên ngay sau đó, điện Kremlin và nhiều nước khác đã đưa ra những bằng chứng chứng minh Thổ Nhĩ Kỳ sai lầm và yêu cầu nước này phải đưa ra lời xin lỗi chính thức.
Dù bị đẩy vào thế yếu hơn nhưng chính quyền Erdogan vẫn ngoan cố và kiên quyết dùng mọi lý lẽ để bảo vệ hành động của mình.
"Nếu hôm nay vẫn có những vụ vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ vẫn đáp trả như lần trước (ám chỉ vụ máy bay Su-24 của Nga)”, Tổng thống Erdogan tuyên bố hôm 27/11.
Trước thái độ ngông cuồng của Ankara, điện Kremlin đã tung ra các biện pháp cấm vận kinh tế, ngoại giao, quân sự, du lịch để trừng phạt trực tiếp nước này.
Dù tuyên bố cứng rắn, gay gắt thậm chí sẵn sàng bắn hạ máy bay nước khác khi có dấu hiệu vi phạm không phận, nhưng máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ lại thường xuyên xâm phạm lãnh thổ các nước khác. Và đứng trước những cáo buộc, chính quyền Erdogan đều một mực phủ nhận và ra sức biện minh cho hành động của mình.
"F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ không xâm phạm không phận Hy Lạp. Chúng tôi đang thực hiện một chuyến bay diễn tập trên vùng biển quốc tế", Tổng thống Erdogan đáp trả những cáo buộc của Hy Lạp trước đó.
Theo Thiên Vương (Tổng hợp)
Đất Việt