1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thổ Nhĩ Kỳ “khoe” máy bay do thám tự chế đầu tiên

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã chính thức giới thiệu chiếc máy bay do thám tự chế đầu tiên của nước này, với khả năng bay 24 giờ liên tục trên các khu vực núi non hiểm trở và hẻo lánh vốn là nơi ẩn náu của các phiến quân người Kurd.

 
Thổ Nhĩ Kỳ “khoe” máy bay do thám tự chế đầu tiên - 1
Chiếc máy bay do thám tự chế đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Việc Thổ Nhĩ Kỳ hăm hở chế tạo công nghệ quân sự của riêng mình đã phản ánh chính sách ngoại giao độc lập của nước này trong khu vực. Và việc chế tạo hạm đội máy bay do thám riêng cũng cho phép Thổ Nhĩ Nhì cắt đứt một mối liên hệ quan trọng với Israel, quốc gia đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ máy bay do thám, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì chính sách của Israel đối với Dải Gaza.

Mặc dù sự thành công của máy do thám tự chế của Thổ Nhĩ Kỳ - tên gọi Anka hay Phoenix - vẫn chưa được khẳng định chắc chắn nhưng các kỹ sư nước này cho biết họ tin tưởng nó sẽ “gia nhập” kho vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ozcan Ertem, trưởng dự án phát triển Anka, cho hay phiên bản được vũ trang của Anka là điều có thể mặc dù chưa xảy ra ngay tức thì.

Khoảng 43 quốc gia trên thế giới đã phát triển được các loại máy bay do thám không người lái. Phương tiện này đặc biệt hiệu quả trong việc thu thập các thông tin tình báo và thậm chí còn được Mỹ sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công ở Afghanistan, Pakistan và Iraq.
 
Thổ Nhĩ Kỳ “khoe” máy bay do thám tự chế đầu tiên - 2
Chiếc máy bay có sải cánh dài 17m.
 
Ông Ertem cho hay 4-5 nước, trong đó có Pakistan - vốn đang mua máy bay do thám từ Mỹ - dự kiến sẽ đặt mua Anka sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng, có thể là vào cuối năm nay. Hệ thống đầu tiên, bao gồm 3 máy bay và một bộ điều khiển từ xa, dự kiến sẽ được chuyển giao cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013.
 
Anka - do Tập đoàn công nghiệp không gian vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) thiết kế - có sải cánh dài 17m, khả năng bay 24 giờ, với vận tốc 75km/h và ở tầm cao 9.144m. Máy bay này dự kiến được sử dụng để do thám các khu vực người Kurd. Các phần tử nổi dậy người Kurd - vốn gia tăng sự xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ từ các căn cứ tại miền bắc Iraq gần đây - đã tăng cường tấn công vào các mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc chiến đòi quyền tự trị ở khu vực đông nam đông người Kurd sinh sống, cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người kể từ năm 1984.
 
Bộ Trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Vecdi Gonul và Tướng Ilker Basbug, Tổng tư lệnh quân đội, cùng các quan chức cấp cao khác đã có mặt trong lễ ra mắt máy bay do thám Anka. Họ đã vỗ tay để chúc mừng các kỹ sư khi chiếc máy bay sơn màu xám, với cánh hình chữ V và chân vịt ở phía sau được đưa ra trưng bày.

Remzi Barlas, trưởng nhóm thiết kế tại hãng TAI, cho hay Anka mạnh ngang với máy bay do thám Heron của Israel và thậm chí còn có hệ thống chống đóng băng tốt hơn, hoạt động cho toàn bộ chuyến bay kéo dài 24 giờ.

 
Thổ Nhĩ Kỳ “khoe” máy bay do thám tự chế đầu tiên - 3
Đông đảo các quan chức có mặt trong lễ ra mắt máy bay do thám Anka ngày 16/7.
 
Thổ Nhĩ Kỳ đã mua 10 máy bay do thám Heron loại lớn của Israel và hợp đồng chuyển giao dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 8 này.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng mua hoặc thuê các máy bay do thám khác từ Israel và Mỹ còn cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ thông tin tình báo về các phiến quân người Kurd từ máy bay do thám Predator.

Hợp tác quốc phòng giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vượt xa khỏi các máy bay do thám. Israel đã giúp nâng cấp một số máy bay chiến đấu và xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ với các trang thiết bị radar hiện đại. Nhưng mối quan hệ giữa hai nước đang bị đe dọa bởi cuộc tranh cãi về việc quân đội Israel tấn công đoàn tàu viện trở dại Gaza, làm 9 người thiệt mạng. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã rút đại sứ về nước và không tham gia 3 cuộc tập trận hải quân với Israel ở Địa Trungg Hải.

 
Thổ Nhĩ Kỳ “khoe” máy bay do thám tự chế đầu tiên - 4
Buổi lễ ra mặt tại tập đoàn TAI, gần Ankara.

Mối quan hệ quốc phòng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ từng xảy ra xích mích sau khi Ankara từ chối cho quân Mỹ đồn trú để thực hiện cuộc chiến Iraq năm 2003. Lần đầu tiên, không một công ty nào của Mỹ bỏ thầu một hợp đồng lớn về trực thăng tấn công cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2006 trong đó Ankara muốn tiếp cận toàn bộ các mật mã phần mềm chính xác của máy bay - điều mà Mỹ coi là một mối đe dọa an ninh. Thổ Nhĩ Kỳ và Italia sau đó đã ký kết dự án trị giá 3 tỷ USD nhằm chế tạo 50 trực thăng tấn công cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị mua vài súng máy trang bị cho trực thăng tấn công nhằm đối phó với các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của phiến quân người Kurd nhưng Quốc hội Mỹ chỉ phê chuẩn 2 chiếc.

An Bình
Theo AP