Thổ Nhĩ Kỳ “chơi khó” NATO trong thương vụ sắm tên lửa
(Dân trí) - Là thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại đang có những bước đi làm khó chính tổ chức này khi quyết định sẽ chọn tên lửa Trung Quốc, thay vì của Mỹ và châu Âu, để trang bị cho quân đội của mình.
Hầu hết các nước thành viên NATO, nhất là những đồng minh thân thiết của Thổ Nhĩ Kỳ, đều sửng sốt trước xu hướng lựa trọn trái khoáy này của Ankara.
Vụ việc bắt đầu từ năm 2013 khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khi ấy thông báo chọn loại tên lửa đất đối không tối tân của Trung Quốc để trang bị cho quân đội của mình.
Đây là một hợp đồng mua sắm vũ khí lớn với tổng trị giá 3 tỷ euro. Tham gia đấu thầu có 3 tập đoàn sản xuất vũ khí lớn: Tập đoàn Cơ khí Trung Quốc (CPMIEC), liên doanh giữa hai tập đoàn Mỹ Raytheon và Lockheed Martin, và Tập đoàn Eurosam (liên doanh giữa Pháp, Ý).
Quyết định khi ấy của Ankara đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước đồng minh trong NATO. Tất cả đều cho rằng tên lửa của Trung Quốc không phù hợp với hệ thống vũ khí sử dụng trong toàn khối. Ngoài ra, tập đoàn CPMIEC còn đang bị Mỹ trừng phạt về tội cung cấp vũ khí cho Syria và Iran, hai nước đang bị cấm vận.
Trước sức ép quá nặng nề, Ankara đã buộc phải xét lại quyết định của mình và mời các tập đoàn phương Tây từng bị loại tham gia đấu thầu trở lại.
Theo tiết lộ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, dường như châu Âu có lợi thế trong cuộc đua mới này.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa khiến tranh cãi bùng lên khi liên tiếp phát tín hiệu cho thấy tập đoàn Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tái trúng thầu. Giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thay nhau đưa ra những tuyên bố dường như nhằm dọn đường cho việc lựa chọn tên lửa Trung Quốc.
Cách đây chưa đầy một tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz đã nói bóng gió rằng Trung Quốc sẽ thắng.
Ngay sau đó, nhiều quan chức khác ở Ankara “đồng thanh phụ họa” với những tuyên bố nhấn mạnh đến những ưu điểm của việc mua tên lửa Trung Quốc, cho dù vẫn khẳng định chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.
“Giá cả mà Trung Quốc đưa ra thấp hơn một nửa và quan trọng là họ đồng ý chia sẻ công nghệ”, một nguồn tin thân cận với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Nguồn tin này cũng cho biết Trung Quốc là một nhà thầu nghiêm túc và đưa ra đề nghị chào hàng tốt hơn hai ứng viên còn lại.
Lâu nay, Trung Quốc luôn đưa ra mức giá cực kỳ ưu đãi, kèm theo những đề nghị rất hấp dẫn cho những đơn chào hàng quân sự. Nước này đang phấn đầu trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn.
Tuy nhiên, giá cả và chất lượng luôn là hai yếu tố song hành trong mọi thương vụ mua bán. Một tên lửa Trung Quốc có giá chỉ bằng non nửa của Mỹ, Pháp hay Nga, thì đương nhiên chất lượng và tuổi thọ của các tên lửa này cũng chỉ ở mức tương ứng.
Đó là chưa kể tới các nguy cơ tiềm ẩn từ việc công nghệ tên lửa của Trung Quốc không tương thích với các hệ thống vũ khí hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chủ yếu có xuất xứ từ Mỹ và châu Âu. Theo chuyên gia Sinan Ulgen thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách ngoại giao ở Istanbul, “không có chuyện một hệ thống radar của NATO đặt tại Kurecik, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, lại có thể hoạt động hết công suất với một hệ thống tên lửa của Trung Quốc vì đó là một nghịch lý”.
Những trục trặc kỹ thuật có thể xảy ra trong quá trình vận hành tên lửa cũng là yếu tố quan trọng cần quan tâm đúng mức, khi xét đến yếu tố Trung Quốc chỉ mới là tân binh trong “làng” sản xuất và xuất khẩu các loại vũ khí hiện đại. Trong thời buổi khó khăn kinh tế và quan hệ địa chính trị phức tạp, chắc hẳn Ankara không muốn tự đem mình ra làm “bãi thử nghiệm” cho tên lửa của Trung Quốc.
Cuối cùng là mối lo về nguy cơ phương Tây sẽ bị Trung Quốc đánh cắp công nghệ vũ khí tiên tiến. Khi bán các tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ, tập đoàn CPMIEC của Trung Quốc sẽ đồng ý cử các chuyên gia sang hướng dẫn lắp đặt và vận hành, nhất là khi công nghệ của tên lửa không thực sự tương thích với công nghệ của các thiết bị phóng. Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật này, các kỹ sư Trung Quốc sẽ được tiếp cận sâu với công nghệ vũ khí hiện đại đang được áp dụng cho các hệ thống vũ khí ở châu Âu. Và đây mới là nguy cơ lớn nhất đối với các nhà sản xuất vũ khí cũng như các chính phủ phương Tây.
Là một trong những thành viên chính của NATO, đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ không thể hành động khinh suất và thiếu cân nhắc như vậy, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc những năm gần đây đang nổi lên là mối đe dọa chính đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ngay kể cả Mỹ.
Vì vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng những tuyên bố gần đây của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng vẫn trao hợp đồng mua tên lửa cho tập đoàn Trung Quốc chỉ là “đòn nắn gân” của Ankara đối với phương Tây. Có lẽ, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ muốn mượn Trung Quốc để đòi thêm nhượng bộ từ các hồ sơ đấu thầu của Mỹ và châu Âu.
“Không nên nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã dứt khoát chọn mua tên lửa của Trung Quốc. Mỹ và châu Âu vẫn còn trong cuộc đua”, chuyên gia Sinan Ulgen từ Istanbul nói.
Đây cũng là quan điểm của nhà phân tích Nihat All Ozean thuộc Trung tâm nghiên cứu Tepav ở Ankara. Ông Ozean khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đàm phán để có được hợp đồng tốt nhất, không chỉ về thương mại mà cả về chính trị.
Theo báo chí thân chính quyền, Ankara sẽ không đưa ra quyết định cuối cùng trước ngày 24/4, ngày kỷ niệm lần thứ 100 vụ Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát người Armenia trước đây. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, ảnh hưởng tới quan hệ giữa Ankara với cả Washington và Paris. Theo nhận định của tờ báo địa phương "Sabah", Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ký thỏa thuận với Trung Quốc nếu chính phủ Mỹ và Pháp tỏ rõ lập trường thân Armenia.
Tổng hợp tất cả các phân tích trên, có thể thấy Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đang muốn sử dụng nhà thầu Trung Quốc làm bình phong trong việc gây thêm sức ép với các nhà thầu phương Tây. Ankara không thể lấy “râu ông cắm cằm bà”, càng không thể hy sinh quan hệ đối tác với các đồng minh thân cận trong NATO để đổi lấy một hợp đồng vũ khí đầy mạo hiểm với một quốc gia ở xa đang vấp phải rất nhiều nghi ngại từ cộng đồng quốc tế liên quan đến những ý đồ nổi lên đầy tranh cãi hiện nay.
Đức Vũ