1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thổ Nhĩ Kỳ chấp hành thỏa thuận ngừng bắn Syria?

Khó biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện hay không thỏa thuận ngừng bắn tạm thời của Nga - Mỹ bởi Ankara vẫn tuyên bố tiêu diệt hàng loạt phiến quân.

Hôm 9/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Mỹ và Nga đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria với nỗ lực giảm thiểu bạo lực và sẽ được tiến hành vào ngày lễ Hồi giáo Eid al-Adha, tức 12/9.

Theo ông Kerry, các bên đã nhất trí ngừng các cuộc không kích tại những khu vực được xác định. 7 ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Mỹ và Nga sẽ thành lập một lực lượng thực thi ngừng bắn chung để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Mặt trận al-Nusra.

Đồ họa ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Đồ họa ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Thỏa thuận ngừng bắn được Thổ Nhĩ Kỳ - một bên tham chiến trên chiến trường Syria đồng thuận.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/9 hoan nghênh thỏa thuận của Nga - Mỹ về lệnh ngừng bắn ở Syria. Trong một tuyên bố, Bộ trên cho rằng việc ngừng giao tranh và cho phép viện trợ nhân đạo đến những nơi có nhu cầu trong ngày lễ Hồi giáo Eid al-Adha là cần thiết.

"Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cung cấp viện trợ nhân đạo tới thành phố Aleppo ở miền Bắc Syria", tuyên bố có đoạn.

Xe ủi đất của Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang biên giới Syria ở Tal Abyad.
Xe ủi đất của Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang biên giới Syria ở Tal Abyad.

Tuy nhiên, ngay sau đó 1 hôm, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã tiêu diệt hàng chục tay súng thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Bắc Syria.

Theo Reuters, ngày 11/9, kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc oanh kích của nước này hôm 10/9 đã tiêu diệt 20 tay súng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Bắc Syria.

Theo CNN, các vụ oanh kích đã nhằm vào 3 tòa nhà và các phương tiện đi lại của IS quanh thị trấn Tel el-Hawa.

Cùng ngày, thông điệp của người đứng đầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ rằng chiến dịch Lá chắn sông Euphrates chắc chắn sẽ được tiếp tục.

Sau đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang đẩy mạnh hoạt động ở biên giới để phá hoại chiến dịch quân sự của Thổ ở Syria.

Trong thông điệp kỷ niệm ngày lễ của người Hồi giáo Eid al Adha, Tổng thống Erdogan cho biết, Đảng Công nhân người Kurd đang tăng cường hoạt động tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 vừa qua tại quốc gia này. Những cuộc tấn công nhằm mục tiêu hủy hoại các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Ông Erdogan cũng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và ngăn chặn, không cho lực lượng này thực hiện cuộc tấn công bên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vi phạm lệnh ngừng bắn?

Có lẽ đây cũng sẽ là lời mở đầu cho lý do truyền thông quốc tế thấy Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh ngừng bắn?

Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà báo người Anh Vanessa Beeley cho rằng chẳng có gì đảm bảo rằng các nhóm cực đoan - được Mỹ, các quốc gia Vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 12/9 này.

Bà coi đây là "những chướng ngại vật chính" khi xét đến việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn trên.

Viện dẫn 2 ngôi làng ở tỉnh Idlib là Kafarya và Foua - bị bao vây từ tháng 3/2015 - làm ví dụ điển hình, bà nói: "Chưa từng có sự tôn trọng lệnh ngừng bắn ở đó. Đạn pháo vẫn tiếp tục nã vào nhà dân và thường vẫn bị truyền thông phương Tây phớt lờ."

Sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, một mặt có thể mở ra triển vọng xử lý IS, nhưng mặt khác sẽ khiến giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria trở nên phức tạp.

Có thể nhìn thấy rõ cán cân lợi ích giữa Nga - Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Nga - Mỹ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
Nga - Mỹ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.

Stanislav Tarasov, người đứng đầu trung tâm phân tích Middle East-Caucasus đánh giá rằng, đối với Mỹ, sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ chính là cách để nước này sửa đổi chính sách tại Syria. Mỹ đã phụ thuộc vào lực lượng người Kurd ở Syria và giờ đây, Ankara có thể trở thành đồng minh chính trong cuộc chiến.

Còn với Nga, Moscow có lẽ đã "ngấm ngầm ủy quyền cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chiến dịch quân sự tại biên giới Syria", ông nói.

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cản trở kế hoạch của Nga nếu tham gia giải phóng Raqqa. Mục đích chính của Nga là đánh bại lực lượng khủng bố IS. Và việc giải phóng thành phố này có lợi đối với Moscow", ông Mikhail Alexandrov, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Moskva nhận định.

Theo trang phân tích Svobodnaya Pressa của Nga, không phải vô cớ mà Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tham gia cùng Mỹ.

"Hoàn toàn hợp lý khi cho rằng: Với việc hỗ trợ chiến dịch giải phóng Raqqa, Erdogan sẽ đòi Washington giải quyết vấn đề người Kurd. Bảo vệ quyền tự trị của người Kurd là vấn đề sống còn đối với Ankara", trích một bài báo trên Svobodnaya Pressa.

Các nhà phân tích cho rằng, Ankara có thể sẽ không làm tổn hại tới vị trí của Nga và Mỹ trong khu vực nhưng sẽ có nguy cơ kéo nước này lún sâu vào một cuộc xung đột chính trị nghiêm trọng.

"Raqqa là một trung tâm chủ chốt của IS. (Tổng thống Mỹ) Obama muốn chúng tôi hợp tác tại Raqqa. Tôi đã nói với ông ấy rằng về phía chúng tôi thì chẳng có vấn đề gì. Những gì chúng tôi có thể làm tại đó sẽ được xác định rõ ràng sau các cuộc trao đổi", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết.

Ông nói thêm rằng Ankara phải thể hiện sự hiện diện của mình trong khu vực và sẽ không chọn cách quay lưng lại với Syria, cũng như chiến dịch chống khủng bố.

Rõ ràng, từ khi Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch Lá chắn sông Euphrates tại miền Bắc Syria vào 24/8, cán cân sức mạnh ở Syria đã thay đổi toàn diện. Ankara trở thành một nhân tố chủ chốt trong chiến dịch chống IS trên bộ.

Video: Máy bay Syria không kích phiến quân ở quận Ramouseh, thành phố Aleppo:

Theo Đông Phong (tổng hợp)

Đất Việt