Thổ Nhĩ Kỳ: 282 người chết vì vụ nổ mỏ than, Thủ tướng bị la ó
(Dân trí) - Sự giận dữ và các cuộc xô xát đã bùng phát vì vụ nổ mỏ than ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, khi số người chết tăng lên 282 người, biến vụ tai nạn trở thành vụ nổ mỏ than gây chết người nhiều nhất trong lịch sử nước này.
Các cuộc biểu tình bạo lực đã bùng phát ở nhiều nơi sau vụ nổ mỏ than.
Vụ nổ xảy ra tại một mỏ than sâu 2 km ở thị trấn Soma ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13/5, khiến một hầm mỏ bị sập.
Tính tới ngày 14/5, ít nhất 282 người đã được xác định thiệt mạng. Số người chết tăng lên từng giờ.
Các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm hàng chục thợ mỏ mất tích và được cho là đã chết, nhưng Bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz cho hay hỏa hoạn vẫn tiếp diễn bên trong hầm mỏ, cản trở các nỗ lực của họ.
Gần 450 công nhân đã được cứu sống, theo công ty điều hành mỏ, mặc dù các quan chức chính phủ đưa ra con số thấp hơn, 363 người.
Tuy nhiên, không ai sống sót được tìm thấy kể từ sáng sớm ngày 14/5 và hơn 100 thợ mỏ được tin là vẫn đang mất tích.
Trong số những người được cứu sống, 80 người đã bị thương nhưng không nghiêm trọng.
Người dân tại thị trấn Soma đã thể hiện thái độ giận dữ khi họ bao vây ô tô của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan khi ông tới thị sát hiện trường vụ nổ mỏ than, và những người biểu tình đã xô xát với cảnh sát tại các thành phố Istanbul và Ankara.
Báo chí địa phương cho biết, những người biểu tình tại Soma đã đá xe của Thủ tướng Erdogan và yêu cầu ông từ chức sau khi ông có cuộc họp báo về thảm họa.
Ông Erdogan đã bị lo ó khi bước ra từ ô tô. Một số người đã bị bắt giữ trong các vụ xô xát và các bức ảnh cho thấy Thủ tướng, được tháp tùng bởi các vệ sĩ, phải trốn trong một cửa hàng. Những người biểu tình cũng tấn công các văn phòng của đảng AK cầm quyền tại thị trấn Soma.
Trong khi đó, cảnh sát tại thủ đô Ankara đã bắn hơi cay và vòi rồng vào khoảng 800 người biểu tình khi họ định tuần hành từ một trường đại học tới Bộ năng lượng.
Ông Erdogan đã đối mặt với các chỉ trích là vô ý, sau khi ông trích dẫn nhiều vụ nổ mỏ than trên khắp thế giới, trong đó có tại Anh vào thế kỷ 19, để bảo vệ chính phủ của ông.
Ông Erdogan cam kết dành mọi nỗ lực để tìm kiếm các thợ mỏ mất tích và cam kết điều tra đầy đủ. Ông cũng tuyên bố dành 3 ngày quốc tang các nạn nhân vụ nổ mỏ than.
Giới phân tích cho rằng thảm họa này được xem là một phép thử đối với cách điều hành của Thủ tướng Erdogan, vì ông biết rằng chính phủ trước đó thất bại trong cuộc bầu cử vì hành động không phù hợp sau vụ động đất năm 1999.
Bộ trưởng năng lượng Taner Yildiz cho hay 787 người đã có mặt bên trong mỏ than khi một sự cố về điện gây ra vụ nổ ngay sau giữa trưa ngày 13/5. Sự cố đã gây mất điện, khiến các lồng nâng thợ mỏ không thể hoạt động. Nhiều thợ mỏ đã bị mắc kẹt ở độ sâu 2 km dưới lòng đất, và cách lối vào mỏ 4 km.
Hỏa hoạn đã bùng phát ngay sau vụ nổ và các đám cháy vẫn tiếp diễn tại mỏ, 18 giờ sau vụ nổ.
Nhiều thợ mỏ đã thiệt mạng do bị nhiễm độc khí cacbon monoxit. Hãng tin Dogan cho biết một trong những thợ mỏ thiệt mạng mới chỉ 15 tuổi.
Khai thác than đá là một ngành công nghiệp quan trọng tại khu vực Soma, giúp cung cấp nguyên liệu cho một nhà máy nhiệt điện gần đó, nhưng độ an toàn luôn là một mối lo ngại. Gần 40% sản lượng điện của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào than.
Vào năm 1992, một vụ nổ mỏ than nghiêm trọng đã xảy ra gần Zonguldak bên bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ, làm 263 người thiệt mạng.
Xem video Thủ tướng Erdogan bị la ó khi thị sát hiện trường:
An Bình
Tổng hợp