1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thêm dấu hiệu về mức độ ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng ở Fukushima

(Dân trí) - Thêm nhiều dấu hiệu cho thấy mức độ ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng trong và gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima I được phát hiện - báo Nhật hôm nay dẫn thông báo xác nhận, trong khi Thủ tướng cho biết sẽ bỏ nhà máy điện hạt nhân này.

 

 
Thêm dấu hiệu về mức độ ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng ở Fukushima - 1
Một khu vực trống trong bán kính 20km quanh nhà máy đã được thiết lập từ trước, nhưng các chuyên gia LHQ cho rằng giới hạn phóng xạ an toàn đã vượt quá 40km. 
 
Theo hãng tin Kyodo, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xác nhận số liệu mới nhất đo được hôm qua cho thấy nước ngầm ở khu vực nhà máy Fukushima I có chứa i ốt phóng xạ cao gấp 10.000 lần ngưỡng cho phép và mức độ tập trung chất phóng xạ i ốt 131 trong nước biển gần khu vực này đã tăng lên mức cao nhất.
 
Như vậy, chất phóng xạ đã được xác nhận có trong nước ngầm lần đầu tiên kể từ khi xảy ra sự cố với các lò phản ứng hạt nhân sau thảm hoạ 11/3, khiến chức năng làm lạnh của các lò này bị hỏng.
 
Một quan chức TEPCO nói: “Chúng tôi biết rằng đây là con số cực kỳ cao”.
 
Nước ngầm bị ô nhiễm được phát hiện quanh toà nhà chứa tuốc bin của ltò phản ứng số 1.
 
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Noto Kan hôm qua cho biết nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tâm điểm của cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl, sẽ được hủy bỏ. Trước đó, Công ty điện Tokyo, nhà điều hành nhà máy, cũng cho biết 4 lò phản ứng từ số 1 đến số 4 của nhà máy chắc chắn sẽ bị hủy bỏ, trong khi số phận 2 lò còn lại sẽ được trưng cầu ý kiến dân địa phương.

Khuyến nghị mở rộng vùng sơ tán

Các nhân viên giám sát hạt nhân LHQ đã khuyên Nhật Bản xem xét mở rộng phạm vi sơ tán quanh khu vực nhà máy Fukushima I.

Một khu vực trống trong bán kính 20km quanh nhà máy đã được thiết lập từ trước, nhưng các chuyên gia LHQ cho rằng giới hạn phóng xạ an toàn đã vượt quá 40km.

Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản cũng khuyến nghị Chính phủ nước này mở rộng đáng kể khu vực cần sơ tán xung quanh nhà máy điện hạt nhân bị tai nạn Fukushima I.

Tình trạng nhiễm phóng xạ nặng đã lan rộng ra cả bên ngoài phạm vi qui định sơ tán là 20 km. Trong mẫu đất lấy ở địa điểm cách Fukushima I 40 km về phía tây-bắc, người ta đã phát hiện hàm lượng cao các chất phóng xạ Iodum và Caesium. Ngoài ra, nồng độ iốt phóng xạ trong nước biển gần nhà máy điện hạt nhân, đo được ngày 30/3, đã vượt chuẩn 4.385 lần.

Chánh văn phòng nội các Yukio Edano hôm qua cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ dành sự hỗ trợ cho tất cả các cư dân trong khu vực 30-km nếu muốn sơ tán đi chỗ khác.

Ông Edano xác nhận Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã khuyến cáo chính phủ “đánh giá thận trọng tình hình trên cơ sở các báo cáo”.

Cùng ngày hôm qua, giới hữu trách Nhật Bản thông báo họ không thể thu hồi khoảng 1.000 thi thể nằm trong bán kính 20 km của nhà máy điện hạt nhân bị hư hỏng, vì lo ngại rằng các xác chết đó bị nhiễm xạ nặng. Một bản tin của hãng Kyodo hôm qua nói rằng các nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kéo theo sóng thần hôm 11/3.

Theo hãng này, xác những nạn nhân đã bị phơi nhiễm lượng phóng xạ cao sau khi chết.

Các nguồn tin cảnh sát cảnh báo rằng nếu thân nhân các nạn nhân hỏa táng người thân theo truyền thống ở Nhật Bản, thì điều đó sẽ đưa nhiều hơn các chất liệu phóng xạ vào môi trường.

Các tin tức khác cho biết số người tử vong được xác nhận cho tới nay là trên 11.400 người với hơn 16.500 người vẫn còn mất tích.

Ưu tiên hiện nay của Nhật

Xuất hiện bên cạnh Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ở Tokyo ngày hôm qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi các nước trên thế giới thiết lập các tiêu chuẩn an toàn chung về hạt nhân để bảo đảm rằng sẽ không lặp lại một cuộc khủng hoảng hạt nhân như ở Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan thì cho biết ưu tiên hiện nay của ông là ổn định tình hình tại nhà máy hạt nhân, vốn đã phát xạ theo nhiều hình thức khác nhau kể từ khi hệ thống làm nguội bị hỏng vì động đất và sóng thần.

Ông Kan nói rằng một khi tình hình đã được chế ngự tới một mức độ nào đó thì chính phủ Nhật sẽ phải phân tích xem lý do tại sao tai nạn này đã ngày càng lớn hơn. Qua việc nghiên cứu này, Nhật Bản sẽ phải xem xét biện pháp nào có thể thực hiện để ngăn ngừa những tai họa như vậy tái diễn và việc này phải được quốc tế thoả thuận.

Nhật Bản cho biết đã tiến hành mọi biện pháp có thể và về cơ bản, việc xem xét các hình thức rò rỉ phóng xạ khác cũng cần được chú trọng hơn nữa.

Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I ở khu phức hợp Fukushima ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Lõi của lò phản ứng số 2 đã tan chảy khiến hiểm họa phát tán phóng xạ gia tăng.

Xung quanh nhà máy, các công nhân đang có kế hoạch phun vào đất một loại nhựa thông đặc biệt nhằm ngăn chặn việc phán tán chất phóng xạ. Một kế hoạch khác là việc bơm nước bị nhiễm xạ vào một chiếc bể chứa hiện đang để trống của lò phản ứng số 2.

Sẽ có thêm 20 chuyên viên kỹ thuật hạt nhân của Pháp tới Nhật Bản để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima.

Việt Hà
Tổng hợp